Dư nợ bình quân tăng lên
Trong khuôn khổ kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn ngày 11/11/2024, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, hiện các khoản cho vay của Ngân hàng CSXH đối với Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030 (Chương trình MTQG 1719) đạt 2,3 nghìn tỷ đồng, với trên 47.000 khách hàng còn dư nợ.
Từ nguồn vốn tín dụng CSXH thực hiện Chương trình MTQG 1719 và các chương trình, chính sách cho vay ưu đãi khác từ Ngân hàng CSXH, trong giai đoạn 2021 – 2023, hàng trăm nghìn lượt hộ DTTS đã thoát nghèo, nâng cao thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống. Số hộ DTTS thoát nghèo tăng đều theo từng năm.
Theo số liệu của Ngân hàng CSXH Việt Nam, giai đoạn 2021-2023, cả nước có 584.070 hộ thoát nghèo từ vay vốn tín dụng ưu đãi. Trong đó, năm 2021 có 164.779 hộ, năm 2022 có 198.492 hộ, năm 2023 có 220.799 hộ.
Theo thống kê, năm 2021, có 1.467.488 khách hành là người DTTS có dư nợ trong hệ thống Ngân hàng CSXH Việt Nam, năm 2022 là 1.439.816 khách hàng, năm 2023 là 1.424.599 khách hàng.
Thống kê của đơn vị này cũng cho thấy, từ năm 2021 đến năm 2023, số đồng bào DTTS được vay vốn tại Ngân hàng CSXH so với tổng số DTTS toàn quốc có xu hướng giảm nhẹ; từ 46,33% năm 2021 xuống còn 43,68% năm 2023.
Thống kê của đơn vị này cũng cho thấy, từ năm 2021 đến năm 2023, số đồng bào DTTS được vay vốn tại Ngân hàng CSXH so với tổng số DTTS toàn quốc có xu hướng giảm nh; từ 46,33% năm 2021 xuống còn 43,68% năm 2023.
Theo lý giải của Ngân hàng CSXH Việt Nam, xu hướng giảm nhẹ này chủ yếu do chính sách tín dụng dành riêng cho đồng bào DTTS kết thúc vào năm 2020, chưa được ban hành thay thế kịp thời trong đầu giai đoạn 2021 - 2025 (đến giữa năm 2020, Nghị định số 28/2022/NĐ-CP mới được ban hành).
Ngoài ra, theo quy định tại Nghị định số 28/2022/NĐ-CP, các xã thuộc khu vực II, III theo Quyết định số 861/QĐ-TTg khi đạt nông thôn mới sẽ không được thụ hưởng chính sách tín dụng tại vùng khó khăn. Trong khi đây là các địa bàn tập trung đông đồng bào DTTS sinh sống.
Mặc dù, số đồng bào DTTS tiếp cận vốn vay CSXH có xu hướng giảm, nhưng tổng dư nợ có xu hướng tăng lớn và tăng đều qua các năm. Điều này giúp dư nợ trung bình/hộ DTTS tăng lên, đáp ứng nhu cầu vay vốn của các đối tượng thụ hưởng trong điều kiện giá cả tăng và nhu cầu phát triển các mô hình sản xuất kinh doanh quy mô lớn trong đồng bào DTTS.
Năm 2019, theo kết quả điều tra, thu thập thông tin thực trạng kinh tế - xã hội của 53 DTTS lần thứ II, trong khi định mức trần vay vốn ưu đãi của Ngân hàng CSXH theo quy định là 100 triệu đồng, nhưng tỷ lệ hộ DTTS được vay vốn từ 1 đến 50 triệu đồng chiếm tới 92,7% (có 64,3% vay từ 21-50 triệu đồng); chỉ có 7,3% số hộ vay vốn với số tiền từ 51 triệu đồng trở lên. Điều này cho thấy, việc tận dụng nguồn vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng CSXH nhằm phát triển kinh tế của các hộ DTTS còn khá hạn chế.
Nhưng từ năm 2021 đến năm 2023, dư nợ bình quân/hộ DTTS đã tăng lên. Theo số liệu thống kê của Ngân hàng CSXH năm 2021, dự nợ bình quân đạt 31,45 triệu đồng/hộ; năm 2022 là 35,01 triệu đồng/hộ; năm 2023 là 39,31 triệu đồng/hộ.
Thông tin về nhu cầu tiếp cận vốn vay CSXH trong đồng bào DTTS đã được thu thập trong cuộc điều tra thực trạng kinh tế - xã hội của 53 DTTS lần thứ III năm 2024. Dữ liệu thu thập được là số liệu quan trọng để Ngân hàng CSXH Việt Nam có định hướng trong việc mở rộng khách hàng người DTTS trong thời gian tới.
Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn ngày 11/11/2024, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, hiện nay Ủy ban Dân tộc đang chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành để tham mưu Chính phủ sửa đổi, bổ sung Quyết định 1719/QĐ-TTg theo hướng mở rộng đối tượng cũng như nâng mức cho vay. Do đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục phối hợp để có ý kiến đối với Chương trình này.
Giải quyết các nhu cầu bức thiết
Chương trình MTQG 1719 được triển khai với quan điểm ưu tiên đầu tư, hỗ trợ các địa bàn đặc biệt khó khăn, tập trung giải quyết các nhu cấu bức thiết ở vùng đồng bào DTTS và miền núi. Vốn CSXH đã và đang góp phần quan trọng hướng tới các mục tiêu đó.
Từ báo cáo thống kê của Ngân hàng CSXH Việt Nam cho thấy, nguồn vốn CSXH đã và đang là động lực để các địa phương triển khai Dự án 1 thuộc Chương trình MQTG 1719; hỗ trợ nhu cầu sinh hoạt thiết yếu của đồng bào DTTS như: Nhà ở, nước sạch, chuyển đổi nghề, tạo việc làm,...
Số liệu của Ngân hàng CSXH Việt Nam cho thấy, năm 2021 là năm có số lượng công trình nhà ở cho các hộ DTTS cao nhất trong giai đoạn 2021 - 2023. Trong đó, tại khu vực Bắc Bộ đạt 6.600 công trình nhà ở đã được xây dựng, sửa chữa cho đồng bào DTTS; các khu vực Trung Bộ và Tây Nguyên, Nam Bộ khoảng gần 3.000 đến trên 4.300 công trình nhà ở cũng đã hoàn thành từ vốn tín dụng CSXH.
Giai đoạn 2021 - 2023, từ nguồn vốn tín dụng CSXH, cả nước đã xây dựng, sửa chữa, cải tạo 445.000 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường cho hộ đồng bào DTTS.
Theo lý giải của Ngân hàng CSXH Việt Nam, năm 2021 có số căn nhà được xây dựng cao hơn các năm về sau, do năm 2021 là năm đầu tiên thực hiện các chính sách cho đồng bào DTTS đã được ban hành và bước đầu giải ngân từ năm 2021 - 2025.
Đến năm 2023, tỷ lệ giải ngân giảm xuống do một phần nhu cầu của các hộ có tên trong danh sách thụ hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở đã được vay vốn từ các năm trước.
Cũng theo báo cáo của Ngân hàng CSXH Việt Nam, vốn tín dụng CSXH đã và đang trực tiếp hỗ trợ nhu cầu về đất sản xuất, giải quyết việc làm, đào tạo nghề, chuyển đổi nghề cho đồng bào DTTS nghèo.
Tính riêng tạo việc làm, giai đoạn 2021 - 2023, số lượng việc làm được tạo ra tương đối lớn và có xu hướng tăng trên cả 3 khu vưc (Bắc Bộ, Trun bộ và Tây Nguyên, Nam bộ). Trong đó, Nam bộ là khu vực tạo được nhiều việc làm nhất, với khoảng trên 6.000 đến gần 9.000 gia đình được hỗ trợ có việc làm mỗi năm...
Mặc dù, đã đạt được nhiều kết quả tích cực, nhưng theo đánh giá của Ngân hàng CSXH Việt Nam, hiện ở vùng đồng bào DTTS và miền núi có rất nhiều DTTS không thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo tham gia vào các dự án phát triển sản xuất kinh doanh của địa phương, cần có sự khuyến khích, hỗ trợ kịp thời của Nhà nước.
Do đó, việc chỉ giới hạn đối tượng thụ hưởng chính sách cho vay hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị tại Nghị định số 28/2022/NĐ-CP là hộ nghèo, hộ cận nghèo; dẫn đến một bộ phận người dân sinh sống ở vùng đồng bào DTTS và miền núi không được hỗ trợ vốn tín dụng chính sách để tham gia các dự án phát triển của vùng miền.
Nhu cầu vay vốn tín dụng CSXH để xây mới, cải tạo nhà ở của đồng bào DTTS được thu thập trong cuộc Điều tra thực trạng kinh tế - xã hội của 53 DTTS lần thứ III năm 2024. Từ dữ liệu này, cùng với các khảo sát chuyên ngành, Ngân hàng CSXH Việt Nam sẽ có những đề xuất phù hợp trong thời gan tới, đóng góp vào quá trình điều chỉnh, sửa đổi Quyết định số 1719/QĐ-TTg.
Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng, khó khăn khi triển khai Chương trình MTQG 1719 vẫn là vấn đề vốn. Vì Nghị quyết số 43/2022/QH15 đã chỉ rất rõ, nguồn chi cho Chương trình MTQG 1719 là ngân sách và tín dụng. Trong đó, nguồn vốn tín dụng chính sách là 19.727 tỷ đồng, nhưng cho đến nay cũng còn vướng mắc vì chưa xác định được cụ thể. Từ nay đến hết năm 2025, Ngan hàng CSXH cần khoảng 1.500 tỷ đồng nữa thì mới hoàn thành Chương trình MTQG 1719.