Thời gian qua, huyện Điện Biên đã triển khai hỗ trợ mô hình chăn nuôi bò sinh sản và bước đầu mang lại hiệu quả. Các hộ nghèo, cận nghèo và mới thoát nghèo sau khi được hỗ trợ bò giống sinh sản có trách nhiệm chăm sóc con giống trong thời gian 3 năm, khi bò mẹ sinh bê con đầu tiên sẽ được luân chuyển cho gia đình khác.
Ngoài được hỗ trợ giống, các hộ tham gia mô hình còn được chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi bò sinh sản, được cán bộ chuyên môn trực tiếp đến hướng dẫn thực hiện dự án cho đến khi có kết quả; luân chuyển kinh phí hỗ trợ và kiểm tra, giám sát dự án.
Với mô hình này, huyện Điện Biên đã triển khai tại 19 xã cho 402 hộ nghèo và cận nghèo hưởng lợi. Qua kiểm tra, đánh giá cho thấy, hầu hết các hộ được hỗ trợ bò đều duy trì và phát triển tốt, số lượng đàn bò gia tăng, nhiều hộ đã thoát nghèo nhờ chăn nuôi bò sinh sản. Tiêu biểu như gia đình chị Lò Thị Xoan, bản Co Mỵ, xã Sam Mứn được nhận bò đợt đầu năm 2017, đến nay đã nhân đàn lên 5 con và luân chuyển cho các hộ khác. Từ một hộ nghèo, gia đình chị Xoan đã thoát nghèo từ năm 2019.
Cũng nhằm thay đổi phương thức chăn nuôi nhỏ lẻ, manh mún, tự phát sang chăn nuôi tập trung cho người dân vùng cao, từ tháng 6/2019, Trung tâm Khuyến nông và Giống cây trồng vật nuôi tỉnh Điện Biên triển khai mô hình “Chăn nuôi dê sinh sản” trên địa bàn xã Keo Lôm, huyện Điện Biên Đông. Mô hình được thực hiện với quy mô 80 con giống (72 con dê cái giống nội và 8 con dê đực giống Boer lai Beetal), cho 8 hộ dân. Những hộ tham gia mô hình được hỗ trợ con giống bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng, vật tư chăn nuôi; thực hiện đúng quy trình kỹ thuật nên dê sinh sản, phát triển tốt.
Sau 18 tháng triển khai thực hiện, đến nay mô hình đã thu được 86 dê con lai và hiện có khoảng 61 con dê cái chuẩn bị đẻ con. Theo tính toán, 1 hộ nuôi 10 con dê, ước tính tổng thu đạt trên 64 triệu đồng; trừ chi phí (giống, công chăm sóc, thức ăn), lãi hơn 10 triệu đồng. Qua đó bước đầu mang lại nguồn thu nhập thiết thực cho các hộ gia đình, góp phần nâng cao đời sống người dân.
Mô hình chăn nuôi bò, dê sinh sản chỉ là hai trong số gần 200 mô hình khuyến nông hỗ trợ sinh kế mang lại hiệu quả cho người dân Điện Biên trong thời gian qua. Thống kê giai đoạn 2016 - 2020, từ nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế thuộc Chương trình 135 và 30a của Chính phủ, tỉnh Điện Biên đã triển khai thực hiện hỗ trợ phát triển sản xuất, tập trung vào các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản cho khoảng trên 34 nghìn lượt hộ nghèo và cận nghèo. Qua các mô hình, dự án, người dân đã nắm bắt được kỹ thuật phòng trừ sâu bệnh; đặc biệt thay đổi dần tập quán canh tác, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao hiệu quả kinh tế.
Ông Mai Văn Nam, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông - Giống cây trồng, vật nuôi tỉnh Điện Biên cho biết, thời gian tới, Trung tâm tiếp tục chú trọng xây dựng và triển khai hỗ trợ các mô hình ứng dụng công nghệ cao, nhằm nâng cao giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích, tạo sản phẩm bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Trong đó ưu tiên hỗ trợ các mô hình, chương trình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm nhằm tạo thị trường đầu ra ổn định cho người dân.