Có dịp đến bản Nậm Kè (Mường Nhé), nơi sinh sống của 67 hộ đồng bào dân tộc Cống mới cảm nhận được những đổi thay trong đời sống của người dân nơi đây. Những ngôi nhà sàn khang trang, kiên cố, đường vào bản được đổ bê tông phẳng lì và rất nhiều gia đình đã có dụng cụ hỗ trợ sản xuất nông nghiệp.
Anh Lò Văn Thêm, người dân trong bản vui vẻ cho biết: Từ dự án của Chương trình 135, gia đình anh được hỗ trợ mua máy xay xát để có thêm điều kiện chăn nuôi.
“Ngày trước ngô phải xay bằng tay, cả ngày mới đủ thức ăn cho lợn, nhưng từ khi có chiếc máy xay, chỉ cần xay trong 1 tiếng, thì đủ thức ăn cho lợn cả ngày. Hiện, gia đình anh chăn nuôi đàn lợn 5 con với giá trị gần 40 triệu đồng”, anh Thêm chia sẻ.
Nói về hiệu quả đầu tư của Chương trình 135 trên địa bàn, ông Giàng A Ly, Chủ tịch UBND xã Nậm Kè cho biết: Từ nguồn vốn đầu tư của Chương trình 135, mà xã đã có hệ thống cơ sở hạ tầng khang trang. Đặc biệt, các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất đã thúc đẩy nhiều mô hình kinh tế mang lại giá trị cao, góp phần nâng cao đời sống của người dân, từng bước xóa đói giảm nghèo.
Không riêng gì Nậm Kè, huyện Mường Nhé mà nguồn vốn Chương trình 135 đã góp phần làm thay da đổi thịt bộ mặt nông thôn vùng cao của Điện Biên. Tại huyện Mường Ảng, các dự án về cơ sở hạ tầng, hỗ trợ con giống, máy móc, công cụ sản xuất phục vụ cơ giới hóa nông nghiệp và thực hiện các mô hình giảm nghèo đều được triển khai đồng bộ. Qua đó, góp phần giải quyết được những vấn đề cấp bách nhất của huyện nghèo như: điện, đường, trường học, trạm y tế, nước sinh hoạt, nhà ở; hỗ trợ sản xuất, tạo việc làm; hỗ trợ trực tiếp các nhu cầu thiết yếu cho người nghèo, người dân tộc thiểu số... Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn toàn huyện giảm còn dưới 30% .
Có thể thấy, từ nguồn lực Chương trình 135, đã góp phần phát triển kinh tế-xã hội ở các vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh Điện Biên. Theo số liệu thống kê của Ban Dân tộc tỉnh Điện Biên, giai đoạn 2016 – 2020, địa phương được bố trí 161. 416 triệu đồng đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và hỗ trợ phát triển sản xuất… cho 97 xã và 2 thôn, bản đặc biệt khó khăn đang được thụ hưởng Chương trình 135.
Thông qua nguồn vốn, tỉnh đã hỗ trợ đã đầu tư xây dựng gần 360 công trình, trong đó 218 công trình giao thông, 78 công trình thủy lợi, 20 công trình trường lớp học, phụ trợ; 29 công trình nhà văn hóa, 9 công trình điện sinh hoạt và 5 công trình nước sinh hoạt…
Bên cạnh xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng nông thôn, việc hỗ trợ phát triển sản xuất và đa dạng hóa nguồn sinh kế cho đồng bào DTTS thời gian qua cũng đã phát huy hiệu quả, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Chương trình đã hỗ trợ trên 7.600 con trâu, bò cho gần 10 nghìn hộ; hơn 55 nghìn con gia cầm cho gần 900 hộ; hỗ trợ giống cây lương thực, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây dược liệu, cây lâm nghiệp, máy móc, thiết bị sản xuất cho hàng nghìn hộ… Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm từ 48,14% đầu năm 2016 xuống còn 30,67% cuối năm 2020. Bình quân hàng năm số hộ nghèo giảm 3,49%.
Đánh giá về hiệu quả Chương trình 135, ông Giàng A Dình, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Điện Biên khẳng định: Chương trình 135 là một điểm sáng trong chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh. Nguồn lực hỗ trợ từ Chương trình 135, đã góp phần đồng bộ kết cấu hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất, xóa đói giảm nghèo ở các thôn, bản, xã đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi.