Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Điểm sáng Cốc Lầy

Trọng Bảo - 12:08, 30/11/2020

Cốc Lầy là thôn biên giới xa và khó khăn của xã Lùng Vai, huyện Mường Khương (Lào Cai); thời gian gần đây, đời sống của bà con trong thôn đã từng bước đổi thay. Từ một thôn tái định cư di dân ra khu vực biên giới, đến nay cả thôn được phủ một màu xanh bạt ngàn của chuối, chè và những loại cây ăn quả khác…

Cây chuối đã và đang mang lại thu nhập cao cho bà con nhân dân ở Cốc Lầy
Cây chuối đã và đang mang lại thu nhập cao cho bà con nhân dân ở Cốc Lầy

Mất hơn 30 phút, đi từ trung tâm xã Lùng Vai mới đến được nhà Bí thư Chi bộ thôn Cốc Lầy Sùng Seo Sài. Tiếp tôi trong căn nhà cấp 4 được xây dựng khang trang, anh Sài cho biết: Trước đây, người ta vẫn bảo Cốc Lầy là nơi “thâm sơn, cùng cốc” bởi đường sá đi lại khó khăn, chủ yếu đi qua đường rừng và sườn núi. Nhưng đất đai ở đây thì rất màu mỡ thuận tiện cho bà con sản xuất nông nghiệp

Thôn Cốc Lầy được hình thành từ năm 2003 theo chương trình di chuyển, sắp xếp dân cư các xã biên giới của tỉnh Lào Cai. Ban đầu cả thôn chỉ có 12 hộ di chuyển từ xã Pha Long về. Hơn 16 năm, đến nay thôn đã có 92 hộ chủ yếu là đồng bào Mông và hơn chục hộ người Dao.

"Tuy nhiên, ban đầu về đây bà con cũng chỉ biết trồng ngô, trồng lúa thôi; vất vả nhưng cũng chỉ đủ ăn, năm nào thiên tai mất mùa thì nguy cơ thiếu đói rất cao”, Bí thư Sùng Seo Sài nhớ lại.

Không chịu cảnh đói nghèo, Bí thư Sùng Seo Sài, Trưởng thôn Giàng Seo Pao cùng một số hộ gia đình mạnh dạn đưa cây chuối mô, cây chè vào trồng. Nhờ chăm sóc tốt, hợp với thổ nhưỡng, khí hậu nên cây chuối mô và cây chè ở đây phát triển tốt cho thu hoạch cao hơn nhiều lần so với trồng ngô, lúa. Hiện tại, bình quân mỗi năm gia đình anh Sài thu nhập khoảng 200 triệu đồng từ tiền bán chè búp tươi và chuối.

“Mình là Bí thư Chi bộ, nếu không gương mẫu tiên phong đi đầu thì bà con không làm theo, như vậy thì chẳng biết bao giờ thôn mới phát triển lên được”, anh Sài bộc bạch.

Từ hiệu quả mô hình trồng chè, chuối của anh Sài và một số hộ gia đình trong thôn mang lại, bà con trong thôn đã mạnh dạn chuyển đổi diện tích đất trước đây chỉ để trồng ngô, lúa sang trồng chè và chuối. Hiện tại, hầu như hộ gia đình nào cũng trồng chuối, hộ ít thì vài nghìn gốc, hộ nhiều thì hàng vạn gốc; hơn 60% các hộ trong thôn trồng chè. 

Tính ra, mỗi năm thu nhập của cả thôn lên đến hàng chục tỷ đồng từ tiền bán chuối và chè. Từ một thôn với 100% hộ nghèo, thì đến nay, cả thôn Cốc Lầy số hộ nghèo chỉ đếm trên đầu ngón tay là các gia đình neo đơn, không có lao động, người già yếu tàn tật…

Hưởng ứng chương trình xây dựng nông thôn mới, mở đường giao thông liên thôn, anh Sài đã tình nguyện hiến hàng nghìn mét vuông đất ruộng, nương của gia đình để cho tuyến đường đi qua. Khi mà mỗi mét đất cũng trồng được một vài gốc chuối, thì việc tuyên truyền, vận động bà con tình nguyện hiến đất làm đường lúc đầu gặp rất nhiều khó khăn.

Theo anh Sài, tiền nhà nước đầu tư thì có hạn, nếu ai cũng đòi phải đền bù thì không biết đến bao giờ mới làm xong đường. Dần dần bà con thấy mình hiến nhiều đất mà không đòi hỏi chế độ gì thì nhiều hộ cũng làm theo. 

"Ví dụ như hộ anh Sùng Seo Pao lúc đầu không đồng ý. Nhưng khi được cán bộ cấp ủy, chính quyền thôn tuyên truyền vận động, anh đã hiểu về lợi ích của gia đình, cộng đồng đã tình nguyện hiến đất với chiều dài hơn 200 mét đường đi qua nương chuối của gia đình… Bây giờ đường xá đi lại thuận lợi hơn, xe tải vào tận thôn chở nông sản, bà con ai cũng phấn khởi”, anh Sài phấn khởi chia sẻ.

Là thôn biên giới, địa bàn rộng với 3 khu dân cư cách nhau hàng chục cây số, tuy nhiên nhiều năm nay,  Cốc Lầy  luôn là điểm sáng của xã Lùng Vai về an ninh trật tự thôn bản. 

Thiếu tá Phạm Thiện Hãnh, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Bản Lầu cho biết:  Cốc Lầy là một trong những thôn tiêu biểu trong phong trào bảo vệ an ninh trật tự, người dân yên tâm sản xuất làm giàu trên chính mảnh đất quê hương. Hàng tháng Tổ tự quản đường biên, cột mốc của thôn đều định kỳ tham gia tuần tra, vệ sinh phát đường tuần tra, mốc giới.

 Đặc biệt, nhiều năm qua, trong thôn không có tình trạng người dân bỏ đi khỏi địa phương, hay phụ nữ bỏ sang Trung Quốc lao động, lấy chồng...; đây là điều hiếm gặp đối với các địa bàn khu vực biên giới.

Bí thư Sùng Seo Sài (phải ảnh) thường xuyên phối hợp chặt chẽ với lực lượng biên phòng bảo đảm an ninh trật tự khu vực biên giới
Bí thư Sùng Seo Sài (phải ảnh) thường xuyên phối hợp chặt chẽ với lực lượng biên phòng bảo đảm an ninh trật tự khu vực biên giới

“Có được những kết quả này, vai trò của Bí thư Sùng Seo Sài là rất lớn, anh Sài đã phối hợp chặt chẽ với lực lượng biên phòng trong việc tuyên truyền vận động người dân thực hiện tốt các quy định về an ninh biên giới; tham gia giải quyết những vấn đề nảy sinh trong khu vực biên giới… ", Thiếu tá Hãnh thông tin thêm.

Giữa trập trùng núi cao, những ngôi nhà được xây dựng kiên cố đang ngày càng nhiều thêm ở Cốc Lầy, trong mỗi gia đình, nếp ăn, ở, nếp sinh hoạt cũng đang đi vào nền nếp, sạch sẽ, gọn gàng. Điện lưới quốc gia, nước sạch sinh hoạt đã về từng nhà, đường giao thông đã và đang được đầu tư nâng cấp, tạo thuận lợi cho đồng bào các dân tộc nơi đây tiếp tục yên tâm, bám đất, bám làng phát triển kinh tế vươn lên làm giàu.

Tin cùng chuyên mục
Quảng Nam: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong vùng đồng bào DTTS

Quảng Nam: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong vùng đồng bào DTTS

Xác định tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nâng cao giáo dục pháp luật cho người dân, nhất là vùng đồng bào DTTS và miền núi có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, Quảng Nam đã tích cực triển khai và bước đầu đạt được những kết quả đáng khích lệ.