Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Điểm dân cư bị "bỏ quên" ngay trong lòng thành phố Cẩm Phả!

Mỹ Dung - 20:14, 28/06/2024

Khu vực Bàng Danh thuộc tổ 7, khu 10, phường Mông Dương (Tp. Cẩm Phả) có gần 20 hộ dân sinh sống, chủ yếu là dân tộc Dao. Mặc dù nằm ngay trong lòng thành phố, nhưng giao thông ở đây đi lại khó khăn, điện lưới cũng rất yếu, mạng điện thoại di động lúc có, lúc không... Nhiều người ngậm ngùi ví nơi này như vùng bị... "bỏ quên"!

Mỗi trận mưa về, con đường đất lầy lội lại càng khiến cho việc đi lại của gần 20 hộ người Dao nơi đây thêm vất vả
Mỗi trận mưa về, con đường đất lầy lội lại càng khiến cho việc đi lại của gần 20 hộ người Dao nơi đây thêm vất vả

Đón phóng viên, anh Bàn Văn Tình - Bí thư Chi bộ, Trưởng khu 10, phường Mông Dương, Tp. Cẩm Phả (Quảng Ninh) cho biết: "Đường trơn khó đi lắm. Vào những ngày mưa, bà con ở đây phải tay "lái lụa" lắm mới dám đi xe máy. Bởi chỉ cần sơ xảy là bị ngã ngay”.

Sau gần chục phút "đánh võng" qua những hố, vũng đầy bùn trơn trượt, chúng tôi đến trung tâm điểm dân cư Bàng Danh. Căn hộ đầu tiên chúng tôi rẽ vào là của gia đình anh Đặng Tiến Vượng. “Đồng đất thì nhiều, đất lâm nghiệp rộng mênh mông, nhưng giao thông cách trở, nên giá nông - lâm sản cũng thấp hơn nhiều khu vực khác. Đường sá xấu thế này, nên bà con muốn bứt lên phát triển kinh tế cũng khó. Khổ nhất là nhiều cháu học sinh bị nhỡ buổi đến trường”, anh Vượng than thở.

Con đường đất dẫn vào khu vực Bàng Danh thuộc tổ 7, khu 10, phường Mông Dương (Cẩm Phả)
Con đường đất dẫn vào khu vực Bàng Danh thuộc tổ 7, khu 10, phường Mông Dương (Cẩm Phả)

Trên đường trở về, chúng tôi gặp 2 thiếu niên đang đi bộ qua đoạn đường gập ghềnh vắt qua sườn đồi. Một thiếu niên giới thiệu nhà ở Tuyên Quang, mấy hôm trước bố, mẹ cho xuống đây thăm người nhà...

"Lần đầu xuống Quảng Ninh, cháu háo hức lắm vì xem trên ti vi thấy cảnh đẹp, giao thông thuận tiện. Nào ngờ, lúc người nhà ra đón, ngồi trên xe máy qua đoạn đường xóc như "rang lạc", cháu ngỡ ngàng thắc mắc, đến quê mình miền núi, khó khăn hơn vậy mà đường bê tông còn đến tận ngõ. Vậy mà ở đây đường lại xấu đến vậy!", cậu thiếu niên chia sẻ.

Anh Bàn Văn Tình, Bí thư Chi bộ, Trưởng khu 10, phường Mông Dương, Tp. Cẩm Phả, cho biết: Khu vực Bàng Danh hiện có 17 hộ dân, chủ yếu là người Dao sinh sống. Các hộ dân nơi đây di cư từ tỉnh Tuyên Quang về từ những năm 80 thế kỷ trước. Ban đầu chỉ có vài hộ, rồi dần dà hình thành nên điểm dân cư như hiện nay. Ngoài diện tích nông nghiệp, người dân nơi đây làm nghề trồng rừng thuê.

“So với các điểm dân cư khác, thì Bàng Danh nằm ở vùng xa xôi, cách trở, nên bấy lâu nay chưa được đầu tư hạ tầng giao thông, vì vậy, kéo theo kinh tế cũng kém phát triển so những điểm dân cư khác của khu. Vào đây thì gần như "thuê bao" thôi, vì sóng điện thoại kém lắm", anh Tình chia sẻ.

Anh Bàn Văn Tình chia sẻ với phóng viên về những khó khăn, đặc biệt là về hạ tầng giao thông của Bàng Danh
Anh Bàn Văn Tình chia sẻ với phóng viên về những khó khăn, đặc biệt là về hạ tầng giao thông ở Bàng Danh

Trao đổi về nội dung này, ông Phạm Ngọc Bình - Phó Chủ tịch UBND phường Mông Dương, Tp. Cẩm Phả thừa nhận, cuộc sống của  gần 20 hộ dân ở Bàng Danh hiện gặp nhiều khó khăn do giao thông cách trở... Không những thế, tại khu vực này, điện lưới cũng rất yếu, mạng điện thoại di động lúc có, lúc không...

"Mới đây, cơ quan chức năng của Tp. Cẩm Phả đã phối hợp với chính quyền địa phương khảo sát, xây dựng kế hoạch làm đường bê tông vào Bàng Danh dài 1,9 km. Tuy nhiên, theo dự kiến, tuyến đường sẽ mất kinh phí nhiều tỷ đồng, do vậy, hiện nay chưa biết bố trí kinh phí như thế nào", ông Bình cho hay.

Theo ông Phó Chủ tịch phường Mông Dương Phạm Ngọc Bình, chính quyền và người dân địa phương rất mong mỏi UBND Tp. Cẩm Phả sớm có kế hoạch để thi công tuyến đường vào Bàng Danh, tạo điều kiện cho các hộ đồng bào DTTS nơi đây phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội. Ngoài ra, người dân địa phương cũng nhiều lần kiến nghị nâng cấp hệ thống điện, viễn thông để phục vụ cuộc sống, nhưng chưa được triển khai", ông Bình nói.

Tin cùng chuyên mục
Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Dù mới được thành lập nhưng các Câu lạc bộ (CLB) “Thủ lĩnh của sự thay đổi” tại huyện Đak Đoa (tỉnh Gia Lai) đã góp phần trang bị cho học sinh nhiều kiến thức, kỹ năng bổ ích để các em nói lên tiếng nói của mình và thay đổi nhận thức của thế hệ trẻ đồng bào DTTS ngay từ trên ghế nhà trường. Đặc biệt, các em còn là những hạt nhân tiên phong thay đổi nhận thức, xóa bỏ định kiến giới, từ đó dần xóa bỏ thói quen, tập tục lạc hậu ở thôn ấp, bản làng để cùng nhau vươn lên phát triển.