Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Bản Vui mong một cây cầu...

Quỳnh Trâm - 22:34, 08/06/2024

Mong có một cây cầu bắc qua sông Mã là niềm ước mơ lâu nay của người dân ở bản Vui, xã Phú Xuân, huyện vùng cao Quan Hóa (Thanh Hóa). Bởi, thiếu thốn cơ sở hạ tầng, giao thông cách trở, chính là một trong những nguyên nhân quan trọng kìm hãm sự phát triển kinh tế, đời sống xã hội của 114 hộ với 600 nhân khẩu dân tộc Mường nơi đây.

Người dân bản Vui muốn đến trung tâm xã chỉ có duy nhất một con đường là đi đò qua sông Mã
Người dân bản Vui muốn ra trung tâm xã chỉ có duy nhất một con đường là đi đò qua sông Mã

Cuộc sống qua những chuyến đò tròng chành

Mặc dù, chỉ cách trung tâm xã chừng 8km, thế nhưng để đến được bản Vui, xã Phú Xuân - là một trong 4 bản khó khăn nhất của huyện Quan Hóa (Thanh Hóa), chúng tôi đã phải mất hơn 1 giờ đồng hồ di chuyển với cung đường trèo đèo, lội suối. Bản Vui  - ngôi làng nhỏ nép mình bên dòng sông Mã, được bao bọc bởi những ngọn núi cao ngút ngàn. Cảnh sắc yên bình như một bức tranh thủy mặc, nhưng đời sống bà con người dân tộc Mường ở đây vẫn còn nhiều khó khăn, trở ngại.

Bí thư kiêm Trưởng bản Hà Văn Tuấn cho biết: Bản Vui có gần 600 nhân khẩu, chủ yếu là đồng bào Mường, hệ thống giao thông bất tiện, cuộc sống mưu sinh của người dân khó khăn trăm bề, thu nhập chính vẫn phụ thuộc vào ít lúa, vầu, sản vật núi rừng như măng, mật ong. Ngoài ra, bà con nuôi thêm gà, ngan, vịt, lợn nhưng chủ yếu là tự cung tự cấp chứ không bán được do cách trở, cô lập. Còn, nếu tự vận chuyển ra trung tâm xã, huyện thì tiền bán được cũng chẳng bù lại tiền xăng, công sức bỏ ra. Rồi mọi chuyện lớn nhỏ từ ma chay, cưới hỏi, ốm đau, bệnh tật... người dân phải trông chờ vào chiếc đò nhỏ, nên thường rất bị động.

Bao năm qua, người dân muốn ra trung tâm xã làm việc, xin giấy tờ, giao thương, buôn bán, con trẻ đi học chỉ có một con đường duy nhất là đi qua đò vượt sông Mã. Chưa hết, con đường dẫn vào bản cũng gập ghềnh, chông gai với nhiều đoạn đường đất, dốc cao, qua nhiều con suối nhỏ, mỗi khi mùa mưa xuống, phương tiện không đi lại được vì đường sình lầy, trơn trượt. Từ xưa đến nay, người dân đều lựa chọn di chuyển bằng đò qua sông. 

"Cuộc sống “lụy đò” đã kìm hãm sự phát triển kinh tế, đời sống xã hội của 114 hộ dân tộc Mường nơi đây. Do vậy, bà con thường sống khép kín, quanh quẩn với mô hình “tự cung, tự cấp”, đói nghèo, lạc hậu cứ thế như một vòng luẩn quẩn. Bản có 114 hộ, nhưng còn 37 hộ nghèo",  ông Tuấn chia sẻ.

Đã hơn 4 năm làm nghề lái đò đưa người qua sông bất kể trời mưa hay nắng, ông Hà Văn Inh (xã Phú Xuân) cho biết, để phục vụ nhu cầu đi lại cho bà con, ngoài giờ đưa đò từ 6h sáng đến 6h tối, ai có nhu cầu hoặc công việc muốn qua sông ông đều tận tình đưa đón, không quản ngại thời tiết hay giờ giấc. 

Ông kể, có thời điểm giữa đêm cho đến tận sáng sớm, nhận được nhiều cuộc điện thoại cầu cứu của người dân, nửa đêm có người ốm đau đi bệnh viện, hay ai đó đi làm ăn xa trở về làng muộn, ông đều không thể từ chối được. Với ông Inh, nghề đưa đò không mang lại thu nhập đáng là bao, nhưng ông muốn phục vụ bà con bằng cái tâm của mình. Chịu khó và cần mẫn là vậy, nhưng vào mùa mưa bão, những ngày nước sông Mã dâng cao và dữ dội, con đò cũng phải gác lại chờ khi lũ qua đi, bởi những lúc như vậy, dòng nước vô cùng nguy hiểm. Khi đó, bản Vui thực sự bị cô lập với thế giới bên ngoài.

“Mong sao, Nhà nước sớm đầu tư cho bà con cây cầu, để cuộc sống đỡ khó khăn hơn”, ông Inh nói.

Sự học cũng bị... đứt đoạn  

Ở bản Vui có 2 điểm trường lẻ ở bậc mầm non và tiểu học với tổng gần 45 học sinh. Đối với các cháu bậc THCS, THPT nếu muốn đến trường hằng ngày phải đi qua sông, vào mùa mưa bão hoặc khi Nhà máy Thủy điện Trung Sơn xả lũ, mực nước sông Mã dâng cao, chảy xiết khiến các cháu phải nghỉ học do không thể qua sông. Do đó, ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng học tập của học sinh trong bản. Vất vả nên nhiều em đã bỏ học từ những năm cấp 2 để phụ giúp gia đình kiếm sống.

Người dân mong muốn Nhà nước sớm đầu tư cho bà con cây cầu, để cuộc sống đỡ khó khăn hơn
Người dân mong muốn Nhà nước sớm đầu tư cho bà con cây cầu, để cuộc sống đỡ khó khăn hơn

 Hơn 10 năm công tác ở điểm trường bản Vui (Trường Tiểu học Thanh Xuân, xã Phú Xuân) hơn ai hết thầy giáo Hà Văn Tùng hiểu rõ về nỗi nhọc nhằn của bà con. Điểm trường có 32 học sinh/5 lớp, dù chỉ cách nhà chừng hơn 10km, thế nhưng thầy cùng đồng nghiệp thường xuyên phải sống xa gia đình. Theo thầy Tùng, vì giao thông cách trở, đi lại bất tiện nên thầy cô phải ở lại nhiều ngày, gặp mưa gió có khi cả tháng mới được về. 

"Vất vả nhất là các em đang theo học ở các trường THCS, THPT, mỗi khi đi học phải dậy từ rất sớm rồi ra đợi bến đò, nhiều lúc đò hư hỏng thì các em phải nghỉ học vì không còn con đường nào khác. Công tác xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng giáo dục... của địa phương vì thế hết sức gian nan", thầy Tùng bộc bạch.

Chia sẻ về điều này, ông Cao Hồng Được, Chủ tịch UBND xã Phú Xuân cho biết: Mặc dù, hằng năm cấp ủy, chính quyền địa phương luôn quan tâm, tranh thủ các nguồn lực, thực hiện chế độ, chính sách cho Nhân dân, nhưng do đặc thù địa hình cách trở bởi dòng sông Mã nên về mùa mưa, lũ là nơi này bị cô lập hoàn toàn. Điều này, cản trở rất nhiều đến đời sống sinh hoạt và sản xuất của bà con. 

"Bất cập nhất không chỉ đến từ đi lại, giao thương mà liên quan đến nhiều lĩnh vực khác, đặc biệt là chất lượng học tập của các em học sinh. Chính quyền cũng đã nhiều lần kiến nghị lên các cấp, các ngành quan tâm xây dựng cầu treo. Tuy nhiên, do nguồn ngân sách còn hạn chế, nên niềm mong mỏi từ bao đời nay của người dân vẫn chưa thành hiện thực...", Chủ tịch xã Cao Hồng Được cho hay.

Tin cùng chuyên mục
Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Dù mới được thành lập nhưng các Câu lạc bộ (CLB) “Thủ lĩnh của sự thay đổi” tại huyện Đak Đoa (tỉnh Gia Lai) đã góp phần trang bị cho học sinh nhiều kiến thức, kỹ năng bổ ích để các em nói lên tiếng nói của mình và thay đổi nhận thức của thế hệ trẻ đồng bào DTTS ngay từ trên ghế nhà trường. Đặc biệt, các em còn là những hạt nhân tiên phong thay đổi nhận thức, xóa bỏ định kiến giới, từ đó dần xóa bỏ thói quen, tập tục lạc hậu ở thôn ấp, bản làng để cùng nhau vươn lên phát triển.