Điểm chuẩn trúng tuyển dựa vào kết quả học tập THPT (xét học bạ) vào các trường ĐH tiếp tục tăng mạnh trong năm nay. Ở những ngành nhiều thí sinh quan tâm, trung bình trên 9 điểm/môn vẫn không trúng tuyển. Ở những ngành và trường có mức cạnh tranh thấp hơn, điểm chuẩn xét bằng điểm học bạ các năm gần đây cũng tăng liên tục mỗi năm 2 - 3 điểm.
Cụ thể như: Học viện Ngoại giao vừa thông báo điểm trúng tuyển vào đại học hệ chính quy theo phương thức xét kết quả học bạ bậc THPT. Với khối C00, ngành Truyền thông quốc tế có điểm chuẩn cao nhất 32,18 điểm - đây là mức điểm chuẩn cao nhất cả nước ở phương thức xét học bạ; ngành thấp nhất là Nhật bản học với 31,61 điểm. Các khối A01, D01, D06, D07 điểm chuẩn ngành Truyền thông quốc tế cũng cao nhất với 31,18 điểm, thấp nhất là ngành Hoa Kỳ học với 30,63 điểm.
Trường Đại học Ngoại thương công bố điểm chuẩn xét tuyển sớm của ba phương thức. Một số chương trình đào tạo của Đại học Ngoại thương (FTU) lấy điểm chuẩn học bạ 30 - 30,5 điểm (đã bao gồm điểm ưu tiên giải học sinh giỏi).
Trường Đại học Ngoại thương cơ sở TP Hồ Chí Minh có hai ngành nhóm Marketing và Kinh doanh quốc tế lấy điểm chuẩn 30 và 30,5; đều áp dụng với thí sinh xét học bạ và có giải học sinh giỏi. Ngưỡng trúng tuyển thấp nhất là 24 điểm của Trường là ở một số chương trình như Tiếng Nhật thương mại (trụ sở Hà Nội), Kinh doanh quốc tế, Kế toán - Kiểm toán (cơ sở Quảng Ninh). Các ngành và phương thức khác chủ yếu lấy điểm chuẩn 25 - 29 điểm.
Theo thông báo của Trường ĐH Văn hóa Hà Nội, có 3 ngành là Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành, Báo chí, Luật có điểm đủ điều kiện xét tuyển bằng phương thức kết hợp tới 30,5 (thang điểm 30) ở tổ hợp C00 và 29,5/30 điểm đối với hai tổ hợp D01 và A00. Ngoài ra, ngành Văn hóa học - Văn hóa truyền thông cũng lấy mức điểm đủ điều kiện trúng tuyển là 30 ở tổ hợp C00 và 29 ở 2 tổ hợp còn lại. Nhiều ngành học khác cũng có mức điểm đủ điều kiện từ 27 điểm trở lên.
Đại học Kinh tế Quốc dân, ngành Logistics và quản lý chuỗi cung ứng tích hợp chứng chỉ quốc tế (LSIC) lấy 28,33 điểm với thí sinh nhóm 3, cao nhất trong 60 ngành và chương trình ở cả ba nhóm. Ở chiều ngược lại, hai ngành Quản trị chất lượng và đổi mới, Quản trị lữ hành lấy điểm chuẩn ở ngưỡng 18 (nhóm 2). Không ngành nào khác thấp hơn mức 18 điểm này.
Trường Đại học Luật Hà Nội có mức điểm chuẩn cao khi các ngành hầu hết trên 26 điểm. Ngành luật kinh tế có mức điểm chuẩn cao nhất khối A01 là 29,52 điểm.
Năm 2022, Đại học Cần Thơ có điểm chuẩn học bạ tăng 2 - 4 điểm so với năm 2021. Nếu như năm 2021, điểm chuẩn cao nhất là vào Đại học Cần Thơ là 29 điểm thì năm nay trường có tới 5 ngành có điểm chuẩn từ 29 điểm trở lên, trong đó ba ngành 29,25 điểm.
Trường ĐH Sư phạm – ĐH Đà Nẵng có điểm chuẩn học bạ ngành SP Giáo dục công dân tăng 6,5 điểm, SP Sinh học tăng 7,5 điểm, SP Lịch sử và SP Địa lý tăng 6,75 điểm, SP Khoa học tự nhiên tăng 8 điểm...
Các ngành sư phạm của Đại học Sư phạm (Đại học Huế) năm nay có điểm chuẩn xét học bạ dao động từ 23 điểm đến 27 điểm. Trong đó, một số ngành tăng điểm chuẩn rất nhiều so với năm trước như Sư phạm hóa học tăng từ 18 điểm lên 26,5 điểm.
Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM có 4 ngành điểm chuẩn ở mức 29,75 (thí sinh cần đạt trung bình trên 9,9 điểm mỗi môn) mới trúng tuyển. Nhiều ngành khác, điểm chuẩn cũng ở mức 29 điểm. Trước đó, năm 2021 trường này chỉ có 2 ngành điểm chuẩn đạt 29 điểm.
Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM cũng có ngành điểm chuẩn xét học bạ từ 26 - 27 điểm. So với năm ngoái, điểm chuẩn các ngành này đều tăng từ 3,5 - 4 điểm.
Trong số 34 ngành chương trình đại trà của Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, có tới 32 ngành có điểm chuẩn xét học bạ từ 24 điểm trở lên (mỗi môn trung bình 8 điểm). Trong số 34 ngành này cũng một nửa có điểm chuẩn từ 27 điểm trở lên.../.