Năm 2022, Đại học Kinh tế Quốc dân tuyển 6.100 chỉ tiêu. Bên cạnh việc giữ ổn định 3 phương thức tuyển sinh như năm 2021, gồm tuyển thẳng theo quy chế của Bộ GD&ĐT, xét tuyển kết hợp theo đề án riêng của trường (tổng 63% chỉ tiêu), xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp THPT 2022 (35%), trường dành 2% chỉ tiêu để xét tuyển theo kết quả thi đánh giá tư duy.
Theo quy chế các thí sinh trúng tuyển theo phương thức xét tuyển kết hợp với thí sinh không dùng điểm thi tốt nghiệp THPT, phương thức xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển phải xác nhận nhập học trên hệ thống của Bộ GD&ĐT từ ngày 22/7 - 20/8.
Sau khi xác nhận nhập học, thí sinh phải nhập học theo hình thức trực tuyến trên hệ thống của Trường từ ngày 10/8 đến 20/8. Quá thời hạn này, thí sinh không thực hiện yêu cầu trên coi như từ chối nhập học.
Hội đồng tuyển sinh Trường Đại học Kinh tế Quốc dân đã thông báo điểm chuẩn đủ điều kiện trúng tuyển (trừ điều kiện tốt nghiệp THPT) vào đại học chính quy năm 2022 theo phương thức xét tuyển kết hợp cụ thể như sau:
Năm 2022, Trường ĐH Kinh tế quốc dân tiếp tục chia thí sinh thành 6 nhóm, mỗi nhóm có công thức tính điểm xét tuyển (ĐXT) riêng, nhưng đều được quy đổi về thang 30. Hôm nay, 20/7, trường công bố điểm chuẩn cho 3 nhóm thí sinh (1, 2 và 3) của phương thức xét tuyển kết hợp này.
Cụ thể: Nhóm 1 là những thí sinh có chứng chỉ SAT 1200/1600 hoặc ACT 26/36 trở lên. ĐXT = SAT * 30/1600 (hoặc ACT *30/36) + điểm ưu tiên.
Nhóm 2 tham gia thi đánh giá năng lực của một trong hai ĐH Quốc gia Hà Nội và ĐH Quốc gia TPHCM, đạt tối thiểu 85 hoặc 700 điểm. ĐTX = Điểm thi * 30/150 (hoặc 30/1200) + điểm ưu tiên.
Nhóm 3 sử dụng kết hợp chứng chỉ tiếng Anh và điểm thi đánh giá năng lực. ĐXT = điểm quy đổi chứng chỉ + (điểm thi *30/150; hoặc *30/1200) * 2/3 + điểm ưu tiên.
Trong cách tính điểm xét tuyển của nhóm 2 và 3, thí sinh dùng công thức chia 150 nếu thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội, chia 1200 nếu tham gia kỳ thi của ĐH Quốc gia TP.HCM.
Xét mặt bằng chung, điểm chuẩn với thí sinh nhóm 2 (sử dụng điểm thi đánh giá năng lực) thấp nhất trong 3 nhóm khi có nhiều ngành lấy ngưỡng trúng tuyển dưới 20. Trong khi đó, những thí sinh nhóm 3 (kết hợp chứng chỉ tiếng Anh và điểm thi đánh giá năng lực) được áp dụng mức điểm chuẩn cao hơn, phổ biến mức 24-26.
Ngành logistics và quản lý chuỗi cung ứng tích hợp chứng chỉ quốc tế (LSIC) lấy 28,33 điểm với thí sinh nhóm 3, cao nhất trong 60 ngành và chương trình ở cả 3 nhóm.
Điểm thấp nhất là 2 ngành là quản trị chất lượng và đổi mới, quản trị lữ hành - lấy điểm chuẩn ở ngưỡng 18 (nhóm 2). Không ngành nào khác thấp hơn mức 18 điểm này./.