Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Đi tìm truyền nhân tiếng khèn Mông xứ Nghệ

An Yên - 00:09, 18/06/2023

Khi réo rắt, khoan thai; khi dồn dập, hào hùng; cũng có khi bi ai, luyến tiếc…; tiếng khèn với hàng chục làn điệu mang âm hưởng núi rừng, mang tâm tình, cốt cách của cộng đồng người Mông nơi miền biên viễn xứ Nghệ. Tiếng khèn đã có mặt từ những ngày dựng bản, lập mường, đã thành vật “bất ly thân” trong đời sống thường ngày của cộng đồng dân tộc này…

Chiếc khèn của người Mông xứ Nghệ do 6 ống nứa kết với nhau - ảnh CTV
Chiếc khèn của người Mông xứ Nghệ do 6 ống nứa kết với nhau - ảnh CTV

Sự tích khèn Mông qua lời kể của già làng

Trong những phiên chợ, những buổi lên nương, hay những ngày lễ, ngày hội, trong dịp năm mới, hay khi kết thúc mùa vụ… người Mông thường sử dụng tiếng khèn để bày tỏ tâm tư, tình cảm, ước muốn bản thân. Tiếng khèn, mang âm hưởng núi rừng cứ thế vang xa, len lỏi qua mọi ngõ ngách thung sâu của đại ngàn như tâm tình, thủ thỉ… về một câu chuyện nhuốm màu liêu trai.

Những già làng ở miền Tây xứ Nghệ kể lại rằng, một năm nọ, lũ lụt, mùa màng mất hết, đói kém xảy ra khắp nơi, 6 anh em cùng dân làng di tản lên vùng núi cao để tránh lũ và kiếm cái ăn. Tuy nhiên, 4 trong số 6 anh em đã không thể vượt qua được cơn lũ tàn khốc nơi rừng núi. Trong cảnh chia lìa, không thức ăn, nước uống, 2 anh em tưởng đã đến bước đường cùng, họ nghĩ đến cái chết đang đợi mình phía trước. Nhưng trước lúc chết, người anh muốn gửi những lời yêu thương đến với người em của mình đang ở bên kia dòng lũ. Anh bèn cắt một cây nứa làm sáo.

Khi cây sáo được làm xong, anh thổi lên nhưng cảm thấy thiếu mất một thứ gì đó rất thiêng liêng. Tiếng sáo của anh vút lên chỉ nói được tiếng nói của bản thân mà chưa hòa nhịp được với tiếng nói của những anh em mình. Sau một hồi suy nghĩ, anh làm tiếp 5 cái nữa tượng trưng cho tiếng nói của 5 anh em còn lại.

Sau khi gắn kết 6 cây sáo với nhau, người anh cả thổi lên thấy nỗi lòng mình hòa nhịp với tiếng nói của các em. Tiếng khèn vang trong rừng núi nói lên nỗi niềm của người Mông từ khi sinh ra cho đến lúc về thế giới bên kia. Cái ngắn nhưng to nhất gọi là “đí lua” tượng trưng cho người anh cả, cái dài nhất là “đí bùa” tượng trưng cho anh thứ hai, cái thứ 3 là “đí từ”, cái thứ 4 là “đí sờ”, cái thứ 5 là “đí tờ”, cái nhỏ nhất là em út “đí trồ”.

Tiếng khèn Mông làm say đắm lòng người, trở thành trung tâm của lễ hội - ảnh CTV
Tiếng khèn Mông làm say đắm lòng người, trở thành trung tâm của lễ hội - ảnh CTV

Có phải bắt nguồn từ câu chuyện ấy hay không, mà ở Nghệ An, chiếc khèn của người Mông được cấu tạo gồm 6 ống trúc lớn nhỏ, dài ngắn khác nhau như 6 anh em trong câu chuyện sự tích về nhạc cụ này vậy. Và cũng có phải bắt nguồn từ câu chuyện ấy hay không, mà tiếng khèn Mông xứ Nghệ thường được sử dụng rất nhiều trong tang lễ, trong hội hè… gắn với sinh hoạt tâm linh, tinh thần của cả một cộng đồng.

Có một điều lạ, là chỉ có đàn ông người Mông mới sử dụng khèn. Người Mông xứ Nghệ, tiếng khèn có hàng chục bài điệu nhạc và điệu múa khác nhau được sử dụng trong mỗi trường hợp nhất định. Các điệu múa cũng từ đơn giản đến phức tạp vẫn xuất hiện trong hội Xuân và các cuộc liên hoan văn nghệ ở địa phương. Mỗi khi bản, mường có ai đó mất đi, người ta tấu lên những điệu khèn ai oán. Trong đó có những bài mời linh hồn người quá cố dùng các bữa cơm sáng, trưa, chiều. Có cả điệu mời lên ngựa để cưỡi về trời. Còn trong lễ hội, ngày tết người ta sẽ được thưởng thức những điệu khèn vui tươi đi kèm những tiết mục múa uyển chuyển làm say đắm lòng người.

Học sinh trường PTCS - DTBT xã Tây Sơn huyện Kỳ Sơn trong một tiết mục múa và thổi khèn - ảnh CTV
Học sinh trường PTCS - DTBT xã Tây Sơn huyện Kỳ Sơn trong một tiết mục múa và thổi khèn - ảnh CTV

Đi tìm truyền nhân

Chúng tôi đã từng băng rừng, vượt suối trên khắp các bản làng miền Tây xứ Nghệ chỉ để… tìm truyền nhân của tiếng khèn Mông.

Trong những nỗ lực trao truyền cho thế hệ trẻ, nghệ nhân Vừ Lầu Phổng, 51 tuổi ở xã Tây Sơn (Kỳ Sơn) là người đầy tâm huyết và trách nhiệm. Ông là một trong những người gần như dành trọn cả cuộc đời với tiếng khèn Mông của cộng đồng. Hiện nay, ông Phổng là nòng cốt của Câu lạc bộ Văn hóa Mông của Trường PTCS - DTBT xã Tây Sơn; trở thành người tham gia truyền bá cũng như phổ biến nghệ thuật khèn Mông trong cộng đồng.

Cứ mỗi cuối tuần, trong khi các nữ sinh học múa, hát, thì các cậu con trai yêu thích thổi khèn, múa khèn lại được ông Phổng hướng dẫn các bài khèn, điệu múa. Ông uốn nắn cho các em từ cách bấm lỗ trên các ống khèn cho đến các động tác múa sao cho đúng nhịp và uyển chuyển. Ông Phổng chia sẻ, ngoài những giờ lên nương rẫy, ông chỉ có thời gian rỗi vào buổi tối và những lúc Câu lạc bộ sinh hoạt thường phải sắp xếp công việc gia đình để tham gia. Ông cũng dành ra từ 1 - 2 buổi tối mỗi tuần tìm đến nhà những em học sinh, người trẻ đam mê thổi khèn để hướng dẫn họ.

Là thế hệ trẻ của cộng đồng người Mông, cậu bé Hạ Bá Chênh đến từ bản Đống Trên, xã Tây Sơn cho biết từ năm lớp 5 đã được bố truyền dạy cách thổi khèn. Thế nhưng vì bận học các môn chính khóa nên vẫn chưa thuần thục. Chênh nói thêm, phải đến khi sinh hoạt trong Câu lạc bộ văn hóa Mông của Trường PTCS - DTBT xã Tây Sơn thì mới được tập luyện thường xuyên và khá hơn. Chênh khoe bản thân đã biết thổi và múa những bài cơ bản để tham gia các hội diễn do nhà trường và huyện tổ chức.

Chàng trai người Mông ở bản Huồi Cọ trổ tài bằng một bài múa khèn - ảnh CTV
Chàng trai người Mông ở bản Huồi Cọ trổ tài bằng một bài múa khèn - ảnh CTV

Rời Tây Sơn, chúng tôi đến bản Huồi Cọ, xã Nhôn Mai (Tương Dương). Ở đây, nghệ nhân Và Bá Đùa được biết đến là người thổi khèn hay nhất ở huyện Tương Dương. Từ tháng 4/2020, Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An mở lớp dạy khèn Mông ngay tại bản Huồi Cọ để mọi người được theo học và nghệ nhân Và Bá Đùa là lựa chọn đầu tiên trong hành trình truyền dạy thổi khèn Mông. Lớp học được mở ra tại Nhà văn hóa bản, thu hút hàng chục người tham gia, nhưng đa phần là người trẻ.

“Tôi là người Mông mà không biết thổi khèn Mông, múa khèn Mông thì ngại lắm. Được cụ Và Bá Đùa dạy cho mọi người đều rất hào hứng. Sau mấy tháng, chúng mình đã biết thổi khèn, múa khèn rồi. Còn muốn thổi hay, múa đẹp nữa thì còn phải luyện nhiều nữa”, Và Bá Xểnh, một chàng trai ở Huồi Cọ khoe.

Những lớp học trong sương mờ - ảnh CTV chụp tại xã Nhôn Mai (Tương Dương)
Những lớp học trong sương mờ - ảnh CTV chụp tại xã Nhôn Mai (Tương Dương)

Ngoài những lớp truyền dạy tiếng khèn Mông tại thôn bản, loại hình nghệ thuật này còn được truyền dạy trong cả trường học vào mỗi dịp cuối tuần. Và, người đứng lớp không ai khác chính là những nghệ nhân trọn đời với tiếng khèn Mông. Chúng tôi đã tham dự nhiều buổi tập như thế và thấy được bao niềm vui trong đôi mắt của những nghệ nhân ấy. Phải chẳng là họ đã tìm được cho mình những truyền nhân.

Tin cùng chuyên mục
Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024

Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024

Ngày 22/11, tại TP. Phan Rang-Tháp Chàm, UBND tỉnh Ninh Thuận long trọng tổ chức Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024 với chủ đề: “Các dân tộc tỉnh Ninh Thuận đoàn kết, đổi mới sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập và phát triển bền vững”. Đến dự có Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc (UBDT) Nông Thị Hà; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Phạm Văn Hậu; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Minh Hoàng, lãnh đạo các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố cùng 250 đại biểu đại diện cho gần 170.000 đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.