Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Di chuyển dân ra khỏi vùng nguy hiểm ở Lào Cai: Không thể chậm trễ

Trọng Bảo - 17:27, 01/07/2021

Những năm qua, tỉnh Lào Cai đã quyết liệt thực hiện di chuyển các hộ dân ra khỏi vùng có nguy cơ cao về thiên tai. Tuy nhiên, do thiếu vốn, thiếu quỹ đất bố trí tái định cư,... nên trên địa bàn tỉnh hiện vẫn còn hàng trăm hộ dân đang sinh sống ở vùng nguy hiểm, thường xuyên đối diện với nỗi lo lắng, bất an trong mỗi mùa mưa bão.

Hơn 20 hộ dân thôn Vả Thàng nằm trong thung lũng bao quanh là núi đá
Hơn 20 hộ dân thôn Vả Thàng nằm trong thung lũng bao quanh là núi đá

Nơm nớp lo âu

Năm 2015, ngôi nhà của gia đình anh Vừ Seo Dín ở thôn Vả Thàng, xã Tung Chung Phố (huyện Mường Khương) bị đá từ dãy núi sau nhà lăn trúng; rất may không có thiệt hại về người. Tuy nhiên, từ đó đến nay, mỗi lần mưa xuống gia đình anh Dín lại nơm nớp lo sợ.

Theo anh Dín, nhà anh cũng như nhiều hộ khác trong thôn đều nằm tựa lưng vào dãy núi đá; thung lũng trước mặt là khu vực canh tác sản xuất nông nghiệp của bà con nhiều năm nay. Theo phong tục lâu nay thì đây là vị trí rất thuận lợi, vừa để ở vừa sản xuất. 

"Tuy nhiên, vài năm trở lại đây dãy núi đá không còn ổn định như trước, cứ sau một vài trận mưa to, những tảng đá trên núi lại đột ngột lăn xuống khu dân cư. Chỉ mong Nhà nước sớm hỗ trợ di chuyển đến nơi an toàn để bà con ổn định đời sống”, anh Dín tâm sự.

Thôn đã nhiều lần kiến nghị cấp trên di chuyển các hộ đang sinh sống ở vùng nguy hiểm, nhưng chưa được. Cứ hôm nào mưa to, nhiều nhà lại phải đi ở nhờ nơi khác vì sợ đá lăn.

Anh Thào Seo PaoTrưởng thôn Vả Thàng

Theo anh Thào Seo Pao, Trưởng thôn Vả Thàng, toàn thôn có 51 hộ, trong đó có 22 hộ cần phải di chuyển gấp vì ở dưới chân núi đá. Nhưng phần lớn, các hộ đang sinh sống ở vùng nguy hiểm đều là hộ nghèo (toàn thôn có 15/51 hộ nghèo - Pv). 

"Do đó, dù biết là nguy hiểm nhưng bà con cũng không có điều kiện để di chuyển đi nơi khác. Hơn thế nữa, muốn di chuyển thì cũng phải được xã, huyện bố trí đất ở, rồi còn các công trình phụ trợ như điện lưới quốc gia, đường giao thông…", Trưởng thôn Thào Seo Pao cho biết. 

Theo tìm hiểu của phóng viên, năm 2021, huyện Mường Khương còn 02 dự án sắp xếp dân cư chưa được đầu tư. Đó là dự án sắp xếp dân cư thiên tai thôn Vả Thàng, xã Tung Chung Phố với quy mộ 70 hộ, trong đó có 50 hộ thôn Vả Thàng và 20 hộ thôn Nàn Tiểu Hồ (cùng xã Tung Chung Phố); dự án sắp xếp dân cư thiên tai thôn Chúng Chải B, thị trấn Mường Khương với 21 hộ cần được di chuyển.

Trao đổi với phóng viên, ông Ứng Văn Phương, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mường Khương, cho biết, một trong những nguyên nhân khiến các dự án chưa thể triển khai, là do thiếu vốn để xây dựng cơ sở hạ tầng và hỗ trợ các hộ dân di chuyển. 

“Dự án sắp xếp dân cư thôn Vả Thàng, chúng tôi đã đề xuất từ năm 2014 với tổng kinh phí trên 20 tỷ đồng. Xã cùng với huyện cũng đã bố trí được địa điểm tái định cư, với diện tích hơn 2ha cách không xa nơi ở cũ để bà con có thể thuận tiện đi lại sản xuất canh tác. Tuy nhiên, tỉnh vẫn chưa bố trí được nguồn vốn để triển khai dự án”, ông Phương dẫn chứng.

Hàng trăm hộ dân trên địa bàn tỉnh Lào Cai vẫn đang ngày đêm mong ngóng được di chuyển ra khỏi vùng nguy hiểm
Hàng trăm hộ dân trên địa bàn tỉnh Lào Cai vẫn đang ngày đêm mong ngóng được di chuyển ra khỏi vùng nguy hiểm

Tiến độ ì ạch!

Không riêng huyện Mường Khương, mà tính chung trên địa bàn tỉnh Lào Cai, hiện vẫn còn hàng trăm hộ dân đang rất cần di chuyển đến nơi an toàn. Theo ông Chu Hoàng Nguyện, Chi cục trưởng Chi cục phát triển nông thôn tỉnh Lào Cai, năm 2021, tổng kế hoạch sắp xếp các hộ dân cư của tỉnh Lào Cai là 803 hộ. 

Trong đó, sắp xếp dân cư vùng thiên tai là 423 hộ, sắp xếp dân cư đặc biệt khó khăn là 341 hộ và sắp xếp dân cư biên giới là 39 hộ. Nhưng đến thời điểm này, toàn tỉnh mới thực hiện di chuyển được 30 hộ ở các huyện Mường Khương, Sa Pa và Si Ma Cai.

Theo ông Nguyện, ngoài hạn chế về nguồn lực, thì khó khăn trong công tác di dời dân cư ra khỏi vùng thiên tai nguy hiểm đối với tỉnh Lào Cai, là việc bố trí quỹ đất tái định cư cho bà con. Cùng với đó, phong tục tập quán của đồng bào các dân tộc cũng ảnh hưởng rất nhiều tới tiến độ triển khai di dân. 

"Cụ thể như, khi di chuyển nhà ở bà con thường phải chọn tuổi, chọn ngày, kiêng kị nhiều vấn đề khác… rất nhiều hộ gia đình khi chính quyền đến vận động di chuyển, thì đề nghị để cuối năm mới đi vì chưa được tuổi. Trong khi đó, theo quy định việc di chuyển phải thực hiện trước mùa mưa bão nên giải pháp của chúng tôi, vẫn là kiên trì vận động để bà con đồng ý di chuyển”, ông Nguyện cho biết.

Những chia sẻ của đại diện chính quyền địa phương và cơ quan chuyên trách di dời, tái định cư các hộ dân ra khỏi vùng có nguy cơ cao về thiên tai, đã cho thấy một thực tế, tỉnh Lào Cai thực sự đang rất lúng túng trong quá trình thực hiện. Nhưng phải nhấn mạnh rằng, dù là nguyên nhân nào, khó khăn gì đi chăng nữa, thì Lào Cai phải nỗ lực hơn để bảo đảm an toàn cho hàng trăm hộ dân đang ở vùng nguy hiểm. 

Thiết nghĩ, cấp ủy, chính quyền các cấp của tỉnh Lào Cai cần sớm có giải pháp quyết liệt hơn nữa, cũng như việc ưu tiên bố trí nguồn lực di dời người dân ra khỏi vùng nguy hiểm, nhằm giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra, nhất là khi mùa mưa bão đang đến gần.

Tin cùng chuyên mục
Hiệu quả giảm nghèo trong đồng bào DTTS nhìn từ An Lão

Hiệu quả giảm nghèo trong đồng bào DTTS nhìn từ An Lão

Nhờ sử dụng đạt hiệu quả cao nguồn lực từ các Chương trình mục tiêu quốc gia, đặc biệt là Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 (Chương trình MTQG 1719), huyện An Lão (Bình Định) đang có những bước chuyển mình mạnh mẽ trong công tác giảm nghèo.