Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Đêm trên bản Hồ Thầu

THANH HUYỀN - 09:33, 10/10/2019

Cuối tháng 9, đầu tháng 10, lúa chín vàng khắp nơi trên rẻo cao huyện Hoàng Su Phì (Hà Giang). Thời gian này, mảnh đất biên cương đón khách thập phương đến thăm quan, trẩy hội. Cũng trong thời gian này, khắp các bản làng mở hội trưng bày, giới thiệu sản vật địa phương, thi nấu ăn, thi thiếu nữ dân tộc duyên dáng và cùng nhau múa hát mừng ngày hội lớn, mừng quê hương đổi mới.

Ban Giám khảo chấm thi mâm cỗ của người dân Hồ Thầu.
Ban Giám khảo chấm thi mâm cỗ của người dân Hồ Thầu.

Xã Hồ Thầu có trên 2 nghìn nhân khẩu, trong đó gần 100% đồng bào DTTS sinh sống, chiếm phần lớn là dân tộc Dao. Chừng 14h chiều chúng tôi có mặt tại trung tâm xã. Khoác trên mình những bộ trang phục dân tộc lộng lẫy, đồng bào các dân tộc ở Hồ Thầu đã tập trung đông đủ. Họ thi nấu ăn, trưng bày sản vật địa phương, những thiếu nữ chuẩn bị cho cuộc thi thiếu nữ dân tộc duyên dáng. Nơi đây hầu như còn giữ được nguyên vẹn những nét văn hóa truyền thống đặc sắc của dân tộc.

Tại sân UBND xã là các gian trưng bày, giới thiệu sản vật địa phương. Rượu, gạo nếp nương, nông sản, dược liệu, trang phục thổ cẩm... tất cả được người dân trưng bày, giới thiệu, bán cho khách du lịch. Vừa trưng bày sản vật địa phương, đồng bào cùng nhau nấu những món ăn dân tộc để tham gia cuộc thi nấu ăn. 

Điều đặc biệt ở mảnh đất vùng cao này, phong trào chống rác thải nhựa đã và đang được Nhân dân hưởng ứng rất nhiệt tình. Mâm cỗ của các thôn hoàn toàn sử dụng bát đĩa, cốc chén bằng tre, gỗ do người dân tự tạo. Giản dị, dân dã, sạch sẽ... đó là điều chúng tôi nhìn thấy được ở mâm cỗ của đồng bào. 

Đêm xuống, những cơn gió nhẹ, Hồ Thầu phủ đầy sương, cái se lạnh cuối thu làm cho chúng tôi cảm nhận rõ thời tiết se lạnh ở mảnh đất vùng cao này. Sau bữa cơm tối, cùng nhau phá cỗ, các thiếu nữ dân tộc chuẩn bị bước vào cuộc thi thiếu nữ dân tộc duyên dáng. Từ khắp các bản làng, các ngôi nhà đều đóng kín cửa, đồng bào từ già trẻ, gái trai đã tụ tập đông đủ tại sân khấu trung tâm xã để cổ vũ cho các thí sinh. Bầu trời đêm Hồ Thầu rực sáng hẳn lên, người dân bảo rằng, lâu lắm rồi, làng quê mới đông vui như thế. 

Thiếu nữ các dân tộc ở Hồ Thầu ngày nay tuy vẫn còn chút rụt rè, nhưng các em đã rất cố gắng thể hiện mình. Trong tiếng hò reo, cổ vũ của khán giả bản làng, trải qua các phần thi: Trình diễn trang phục dân tộc, năng khiếu, ứng xử... Ban Tổ chức đã trao giải Nhất cho em Triệu Mùi Pham, dân tộc Dao. 

“Em rất vui được đại diện cho thôn bản tham dự cuộc thi và cũng bất ngờ khi đạt giải Nhất. Em sẽ cố gắng hơn nữa trong cuộc sống để không phụ lòng tin của các cấp lãnh đạo và bà con Nhân dân”, Triệu Mùi Pham chia sẻ. 

 Tàn cuộc thi, đồng bào lại cùng nhau quây quần bên bếp lửa, cùng hát đối đáp, những bài hát tiếng Dao, tiếng Mông, tiếng Tày... ca ngợi Đảng, ca ngợi Bác Hồ, mừng đất nước, quê hương đổi mới vang lên khắp núi rừng. Có lẽ đêm trắng Hồ Thầu đã là một trong những ngày hội lớn của người dân nơi đây. 

Trong trang phục dân tộc Dao lộng lẫy, đỏ rực, chị Lý Mùi Cói, xã Hồ Thầu chia sẻ: “Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, đời sống của người dân có nhiều đổi thay. Chúng tôi mong muốn, quê hương ngày càng đổi mới, cuộc sống no đủ, giàu có, bình an”. 

Ông Trương Công Định, Chủ tịch UBND xã Hồ Thầu chia sẻ: Hồ Thầu hiện còn trên 30% hộ nghèo. Thu nhập bình quân đầu người 28 triệu đồng/người/năm. Đời sống của người dân so với trước đây được cải thiện đáng kể. Việc tổ chức những hoạt động văn hóa, văn nghệ đã thắt chặt tình đoàn kết, gắn bó, tạo không khí vui tươi, khích lệ tinh thần người dân nỗ lực vươn lên.  

Tin cùng chuyên mục
Thách thức nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây Nghệ An: Tăng cường truyền thông về chăm sóc sức khỏe cho người dân (Bài 2)

Thách thức nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây Nghệ An: Tăng cường truyền thông về chăm sóc sức khỏe cho người dân (Bài 2)

Hàng loạt tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra, trong đó nổi cộm là địa bàn sinh sống của đồng bào DTTS chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa, điều kiện kinh tế khó khăn; trình độ dân trí, hiểu biết pháp luật của một bộ phận người dân còn hạn chế..., đã tạo "đất sống" cho những hủ tục, tập quán lạc hậu tồn tại. Đây chính là những thách thức lớn làm ảnh hưởng đến quá trình nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây xứ Nghệ. Thực tế, đã có nhiều giải pháp khắc phục hạn chế được đưa ra, trong đó là việc tổ chức các hoạt động truyền thông nhằm thay đổi tư duy; đồng thời lồng ghép cung cấp các dịch vụ khám sức khỏe, sàng lọc một số bệnh trong Nhân dân.