Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Để sản phẩm khoa học công nghệ đi vào cuộc sống

Minh Thu - 16:29, 23/07/2024

Cùng chung xu thế trên thế giới, hiện nay khoa học công nghệ (KHCN) đã và đang tạo động lực lớn, góp phần thúc đẩy gia tăng giá trị trên các lĩnh vực ở Việt Nam, đặc biệt trong sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, những đóng góp của KHCN đối với sự phát triển nông nghiệp ở nước ta vẫn khiêm tốn.

Các doanh nghiệp và các hợp tác xã nông nghiệp hiện rất cần những sản phẩm KHCN.
Các doanh nghiệp và các hợp tác xã nông nghiệp hiện rất cần những sản phẩm KHCN

Những “điểm nghẽn” trong phát triển KHCN hiện nay, còn bao gồm cả Luật Sở hữu trí tuệ, bản quyền giống, hay cơ chế hoàn vốn đối với ngân sách đầu tư cho nghiên cứu. Đây là những “nút thắt” cần sớm được tháo gỡ để khuyến khích các nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành và các cơ quan nghiên cứu tham gia tích cực vào công cuộc thúc đẩy phát triển KHCN.

Lê Minh Hoan Bộ trưởng Bộ NN&PTNT

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), thời gian qua, hoạt động chuyển giao KHCN được triển khai mạnh mẽ trong lĩnh vực nông nghiệp, góp phần giảm chi phí đầu tư, tăng lợi nhuận, mang lại hiệu quả kinh tế cao trong sản xuất. Nhờ đó, góp phần duy trì tốc độ tăng trưởng ngành Nông nghiệp đạt bình quân 3,35%/năm trong 3 năm (2021 - 2023). Tuy nhiên, những đóng góp của KHCN đối với sự phát triển nông nghiệp ở nước ta vẫn khiêm tốn, đạt khoảng 30%, trong khi các nước phát triển có mức đóng góp lên tới trên 50%.

Đơn cử như, nhờ ứng dụng mạnh mẽ KHCN, việc tạo ra giống lúa mới đã trở nên hiệu quả hơn. Hiện nay, các nhà khoa học chỉ cần 30 - 50 tổ hợp lai để chọn tạo ra một giống lúa mới, giảm 50% so với trước đây. Đồng thời, rút ngắn thời gian chọn giống xuống còn khoảng 5 năm. Hay như cây cà phê Việt Nam đã có những đột phá về năng suất, khi đang cao gấp 3 lần so với năng suất cà phê thế giới. Cùng với đó, nhờ ứng dụng KHCN, cây điều đạt năng suất cao, chất lượng tốt đã cung cấp khoảng 40% tổng nguyên liệu cho công nghiệp chế biến điều của Việt Nam.

Thời gian qua, hoạt động chuyển giao KHCN được triển khai mạnh mẽ trong lĩnh vực nông nghiệp.
Thời gian qua, hoạt động chuyển giao KHCN được triển khai mạnh mẽ trong lĩnh vực nông nghiệp

Bên cạnh đó, dấu ấn của KHCN trong chăn nuôi, thú y, lâm nghiệp cũng được thể hiện rõ nét. Như ngành Lâm nghiệp, thời gian qua đã có 78 giống cây trồng, 35 tiến bộ kỹ thuật, 11 sáng chế và các giải pháp hữu ích được công nhận…

Có thể thấy, những ứng dụng của KHCN bao trùm trên tất cả các lĩnh vực từ trồng trọt, bảo vệ thực vật, chăn nuôi, thú y, cho đến thủy sản, lâm nghiệp, thủy lợi, công nghệ sau thu hoạch… Nhờ ứng dụng mạnh mẽ KHCN, xuất khẩu nông sản của Việt Nam liên tục tăng trong những năm qua.

Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan, thời gian qua, các nhà khoa học đã tập trung nghiên cứu và phát triển các sản phẩm KHCN hữu ích trong lĩnh vực nông nghiệp. Tuy nhiên, các sản phẩm KHCN này chưa đến được nhiều với những đơn vị ứng dụng do còn thiếu thông tin. Các doanh nghiệp và các hợp tác xã nông nghiệp hiện rất cần những sản phẩm KHCN, song chưa nắm được thông tin để tiếp cận.

Cán bộ Viện Thổ nhưỡng nông hóa tiến hành lấy mẫu đất ở huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên để xây dựng cơ sở dữ liệu số về đất sản xuất nông nghiệp (Ảnh: Lệ Văn).
Cán bộ Viện Thổ nhưỡng nông hóa tiến hành lấy mẫu đất ở huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên để xây dựng cơ sở dữ liệu số về đất sản xuất nông nghiệp (Ảnh: Lệ Văn).

Trước đây, khi có một sản phẩm KHCN, chúng ta thường tổ chức hội đồng để nghiệm thu. Tuy nhiên, từ quá trình nghiệm thu đến thực tế vẫn còn nhiều khoảng cách. Vì vậy, sự tăng cường trao đổi là cần thiết, nhằm đảm bảo cho các đề tài nghiên cứu không chỉ có giá trị về mặt lý thuyết, mà còn phù hợp với điều kiện thực tế với chi phí hợp lý.

“Những “điểm nghẽn” trong phát triển KHCN hiện nay, còn bao gồm cả Luật Sở hữu trí tuệ, bản quyền giống, hay cơ chế hoàn vốn đối với ngân sách đầu tư cho nghiên cứu. Đây là những “nút thắt” cần sớm được tháo gỡ để khuyến khích các nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành và các cơ quan nghiên cứu tham gia tích cực vào công cuộc thúc đẩy phát triển KHCN” - Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan nhìn nhận.