Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Lão nông làm nông nghiệp sạch

Giang Lam - 07:55, 04/07/2024

Gần 20 năm công tác trong ngành Kiểm lâm, ông Hoàng Thế Dư luôn nung nấu ước mơ làm nông nghiệp sạch. Đó chính là động lực thôi thúc ông xin nghỉ việc Nhà nước để trở về địa phương phát triển kinh tế bằng con đường làm nông nghiệp sạch.

Ông Hoàng Thế Dư, Giám đốc HTX Liên, thôn Thanh Tương, xã Thanh Tương (Na Hang) chăm sóc vườn bí thơm bằng tất cả niềm đam mê.
Ông Hoàng Thế Dư, Giám đốc HTX Liên, thôn Thanh Tương, xã Thanh Tương (Na Hang) chăm sóc vườn bí thơm bằng tất cả niềm đam mê

Hiện thực ước mơ

Xác định bản thân sẽ đi theo con đường làm nông nghiệp sạch, vì vậy ông đã mạnh dạn đứng ra thành lập Hợp tác xã (HTX) Liên (thôn Thanh Tương, xã Thanh Tương, huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang). Ông cùng với 7 thành viên xác định lựa chọn sản phẩm lợn đen làm chủ lực phát triển. Để đảm bảo nguồn thịt lợn, HTX đã liên kết với hơn 70 hộ gia đình của 5 xã trên địa bàn huyện gồm: Thanh Tương, Năng Khả, Yên Hoa, Đà Vị và Sinh Long.

Anh Bàn Tiến Trình, thôn Bản Lục, xã Đà Vị cho biết, gia đình anh liên kết với HTX Liên nuôi lợn đen. Sau khi ký kết liên kết, gia đình anh đã thực hiện đúng theo quy trình chăn nuôi trong hợp đồng. HTX cũng đã bao tiêu sản phẩm khi lợn được xuất bán. Mỗi năm, gia đình anh liên kết, tiêu thụ được gần 100 con lợn đen.

Ông Dư chia sẻ, thời điểm đầu vì chưa được nhiều người biết đến nên sản phẩm thịt chua lợn đen làm ra tiêu thụ chậm. Nhìn những hộp thịt chua xếp gọn trong tủ, lòng ông như lửa đốt. Sau nhiều đêm trăn trở, mất ngủ, ông quyết định mang những hộp thịt chua rong ruổi trên từng con đường để giới thiệu đến tay người tiêu dùng. Ông còn ký gửi ở các cửa hàng thực phẩm sạch và tìm kiếm cộng tác viên bán hàng trên các nền tảng mạng xã hội.

Thịt chua được ông Dư làm từ thịt lợn đen, miếng thịt lẫn nạc, mỡ, bì cho độ giòn, ngậy, thơm đặc trưng. Qua các bước tẩm ướp bằng những gia vị đặc trưng của địa phương, thịt được ủ lên men bằng nhiệt độ thường, sau đó bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh. Thịt chua đủ độ chín sẽ có màu hồng đẹp mắt. Tuy nhiên, thịt được bảo quản trong tủ lạnh cần có nhiệt độ thích hợp, nếu để lạnh quá cũng sẽ làm mất màu thịt. Chính vì vậy, mỗi chuyến hàng xuất bán, ông và các thành viên HTX đều tỉ mỉ trong từng khâu: từ đóng gói, vận chuyển đến hướng dẫn các điểm bán cũng như người tiêu dùng cách bảo quản để thịt chua giữ nguyên được chất lượng, màu sắc.

Khách hàng lựa chọn sản phẩm thịt chua lợn đen Thanh Tương tại cửa hàng Nông sản xanh Sáng Nhung (TP. Tuyên Quang).
Khách hàng lựa chọn sản phẩm thịt chua lợn đen Thanh Tương tại cửa hàng Nông sản xanh Sáng Nhung (TP. Tuyên Quang).

Trải qua nhiều khó khăn, thách thức khi xây dựng, tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm thịt chua lợn đen Thanh Tương, năm 2022, thịt chua lợn đen Thanh Tương của ông Dư đã đạt sản phẩm OCOP 3 sao và hiện đang có mặt tại một số hệ thống cửa hàng sản phẩm sạch trong và ngoài tỉnh. Hằng năm, HTX Liên xuất bán ra thị trường khoảng 1.000 hộp thịt chua lợn đen.

“Chắp cánh” cho nông sản sạch địa phương

Ngoài việc sản xuất thịt chua, ông Dư cùng 4 thành viên trong HTX thực hiện mô hình trồng nấm hương. Ông chủ động lên mạng tìm hiểu phương pháp trồng nấm hương, tìm thân cây và thực hiện cấy phôi nấm. Đồng thời hướng dẫn cho các thành viên cách chăm sóc nấm để cho hiệu quả cao nhất.

Ông Dư cho biết, phôi nấm sau khi cấy từ 6 tháng đến 1 năm sẽ bắt đầu cho ra nấm con. Năm đầu tiên nấm ra ít,, sang năm thứ 2, nấm phát triển mạnh và cho thu hoạch ổn định. Mỗi một lần cấy phôi nấm sẽ cho thu hoạch trong 3 năm.

Anh Bàn Văn Liều, thôn Bản Bung, xã Thanh Tương cho biết, được ông Dư hỗ trợ kỹ thuật chăm sóc và phôi nấm tốt, anh đã tham gia mô hình trồng nấm hương từ năm 2022. Trồng nấm hương không mất nhiều thời gian chăm sóc, chỉ cần duy trì độ ẩm ổn định là phôi nấm sẽ cho ra nhiều nấm con, có thể tranh thủ những lúc nông nhàn mà lại cho thu nhập ổn định.

Ông Hoàng Đức Tâm, Chủ tịch Hội Nông dân xã Thanh Tương cho biết, với vai trò là Giám đốc HTX, ông Dư hiện đang làm tốt việc liên kết với các hội viên trong và ngoài xã để phát triển chăn nuôi lợn đen, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho hội viên. Đặc biệt, ông Dư cũng thường xuyên tìm tòi, đưa các giống cây trồng mới về thử nghiệm tại địa phương. Mới đây nhất, ông đã liên kết với 6 hội viên trong xã đưa cây gấc về trồng với diện tích hơn 1ha. Hiện nay, cây gấc đang phát triển rất tốt, dự kiến sẽ mở rộng thêm diện tích trồng trong thời gian tới.

Không chỉ dừng lại ở sản xuất thịt chua lợn đen, trồng nấm hương tươi, ông Dư còn trồng thêm bí thơm, măng tây, sâm Hàn Quốc lấy củ và lá. Tình yêu với sản phẩm nông nghiệp sạch của địa phương được ông gieo vào từng gốc bí, từng ngọn măng tây...

Tin cùng chuyên mục
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Sáng 9/11, tại Tp. Pleiku, tỉnh Gia Lai, Ủy ban Dân tộc phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719) khu vực miền Trung - Tây Nguyên và đề xuất nội dung Chương trình MTQG 1719 giai đoạn II từ năm 2026 - 2030.