Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Để người nghèo không bị bỏ lại phía sau: “Trao cần câu hay trao cá”? (Bài 2)

Tiêu Dao - Vĩnh Sơn - 17:38, 22/12/2023

Giúp người nghèo phát triển kinh tế có nhiều cách, nhưng vẫn có những ý kiến tranh luận về phương cách giúp người nghèo vươn lên trong cuộc sống. Chuyện trao “con cá” hay “cần câu” cũng đã gây nên nhiều ý kiến trái chiều khiến chính sách giảm nghèo bị ảnh hưởng.

(BCĐ - TT vận động nhân dân) Không để ai bỏ lại phía sau: “Trao cần câu hay trao cá”? (Bài 2)
Cần xóa tâm lý trông chờ ỷ lại vào sự hỗ trợ của nhà nước, để bà con tự vươn lên trong cuộc sống.

Trao cần câu hay trao con cá

Ai cũng mong muốn có cuộc sống tốt đẹp nhưng “Mỗi cây mỗi hoa - Mỗi nhà mỗi cảnh”, có những số phận kém may mắn rất cần tấm lòng của cộng đồng… Mỗi sự giúp đỡ không chỉ mang giá trị vật chất mà còn là suối nguồn tinh thần để giúp họ vượt qua những khó khăn, nghịch cảnh của cuộc sống. Hỗ trợ, giúp đỡ người nghèo không chỉ là hoạt động nhân văn, có ý nghĩa mà còn giúp xã hội ngày càng phát triển. Tuy nhiên vẫn có nhiều ý kiến tranh luận khá gay gắt, đó là nên trao “cần câu” hay trao “con cá” để giúp đỡ người nghèo?

Nhiều ý kiến cho rằng, nếu “trao con cá” thì người nghèo sẽ ỷ lại, không tự thân vận động. Đã từng xảy ra nhiều vụ việc liên quan tới vấn đề hỗ trợ “con cá” cho người nghèo, cho đồng bào DTTS xảy ra. Như trường hợp nhiều hộ dân ở huyện miền núi được nhận gạo, thực phẩm hỗ trợ, nhưng sau đó người dân mang đổi rượu để uống. Có nhiều trường hợp cha mẹ không chịu lao động, đưa những đứa con đứng bên đường để nhận hỗ trợ, tiền bạc của nhiều nhà hảo tâm qua lại. Có cả những trường hợp khi nhận hỗ trợ bằng trâu bò, dê hay heo để phát triển kinh tế thì người dân đã mang bán hay đổi lấy thực phẩm để ăn qua ngày...

Có nhiều nơi “đau đầu” chuyện hỗ trợ “cần câu” hay “con cá”. Hỗ trợ tiền mặt, sợ người dân sử dụng không đúng mục đích mà hỗ trợ nguồn giống (cây, con). Tuy nhiên, nếu chọn cây, con chưa phù hợp, việc hướng dẫn không tận tình, nhiều nơi lại làm không hiệu quả...

Tâm lý bằng lòng với cuộc sống thực tại, trông chờ vào hỗ trợ của Nhà nước và địa phương ở một số bộ phận người dân đã trở thành những rào cản khiến “cuộc chiến” chống nghèo tại địa phương vốn đã khó nay càng thêm khó. Nhiều giải pháp đặt ra, trong đó, việc hỗ trợ các mô hình, chương trình, dự án giúp người nghèo vươn lên thoát nghèo luôn được chú trọng. 

Thế nhưng, bên cạnh những mô hình hiệu quả, vẫn còn những câu chuyện “dở khóc dở cười”. Ngay cả với việc trao “cần câu” cũng có nhiều bất cập. Nhiều hộ nghèo khi được hỗ trợ con giống, cây giống, họ lại bỏ bê, không chú trọng vào chăm sóc. Người dân không đủ kiến thức, không chủ động nguồn phân bón, nước tưới để chăm sóc cây, không chủ động nguồn thức ăn, không xây dựng chuồng trại để chăn nuôi… Cây trồng, gia súc được hỗ trợ vì thế không phát triển, không hiệu quả là điều tất yếu. 

Đơn cử như câu chuyện ở huyện Kon Plông (Kon Tum), sau quá trình triển khai thực hiện, Dự án hỗ trợ phát triển heo địa phương năm 2020 đã thất bại. Heo chết hàng loạt, lãng phí nguồn kinh phí hỗ trợ. Mà đâu chỉ dự án này, trước đó, nhiều chương trình, dự án thông qua một số mô hình ở nhiều nơi trên địa bàn một số tỉnh cũng từng phải xem xét lại cho phù hợp.

(BCĐ - TT vận động nhân dân) Không để ai bỏ lại phía sau: “Trao cần câu hay trao cá”? (Bài 2) 1
Bên cạnh việc hỗ trợ cấp thiết, việc định hướng các phương cách làm ăn phát triển kinh tế cho hộ nghèo cũng hết sức cần thiết.

Các nguồn vốn từ Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, Chương trình 135, Đề án 167, cùng với đó là rất nhiều dự án phát triển sản xuất, hạ tầng, cải thiện nhà ở đã được triển khai đến các hộ nghèo. Không thể phủ nhận dưới sự hỗ trợ đắc lực này, nhiều hộ nghèo đã vươn lên thoát nghèo thành công. Tuy nhiên, quá nhiều hỗ trợ theo kiểu “trao con cá” có lẽ cũng sẽ gây hiệu ứng “con dao 2 lưỡi” khiến không ít hộ nghèo có tâm lý ỷ lại vào hỗ trợ của Nhà nước, hoàn toàn không có mong muốn thoát nghèo.

Phải làm sao “gỡ nút thắt”, để việc giảm nghèo, tạo sinh kế thoát nghèo bền vững cho người dân thực sự hiệu quả, tránh lãng phí nguồn kinh phí hỗ trợ. Cần một cách nhìn tổng quan hơn, nhân văn hơn đó là trao cả “con cá” và “cần câu”. Chúng ta cần giúp đỡ vật chất để người nghèo giải quyết được cuộc sống trước mắt, nhưng ở tầm nhìn xa, chúng ta cần tạo cơ chế, chính sách phù hợp, hiệu quả được ví như “cần câu” phù hợp để người nghèo thoát nghèo bền vững. 

Với mục tiêu giúp đỡ người nghèo, đồng bào DTTS miền núi thay đổi nếp nghĩ, cách làm, vươn lên thoát nghèo bền vững, hiện nay các cấp, các ngành, các đơn vị đã và đang thực hiện nhiều mô hình giúp dân. Việc hỗ trợ, giúp dân thật sự cần thiết. Tuy nhiên, cùng với triển khai, cần nắm nguyên nhân, rút kinh nghiệm, xây dựng phương án, giải pháp cụ thể. Kỹ càng trong các khâu, đồng hành trong suốt quá trình thực hiện, để người dân đón nhận chính sách hỗ trợ bằng sự phấn khởi, niềm tin về sự đổi thay, phát triển.

(BCĐ - TT vận động nhân dân) Không để ai bỏ lại phía sau: “Trao cần câu hay trao cá”? (Bài 2) 2
Các nguồn vốn từ Chương trình MTQG đã được triển khai đến các hộ nghèo

Gỡ nút thắt giảm nghèo

Có nhiều địa phương đã thực hiện việc hỗ trợ vật chất và định hướng thoát nghèo phù hợp với từng khu vực. Đơn cử như tại huyện miền núi Sơn Hà (Quảng Ngãi), sau quá trình hỗ trợ heo giống, bò cái sinh sản đã giúp nhiều hộ gia đình thực hiện mục tiêu thoát nghèo nhưng không hiệu quả, các ngành đoàn thể địa phương đã chuyển hướng thực hiện mô hình nuôi bò heo xoay vòng. 

Theo đó, từ việc hỗ trợ hoàn toàn, bây giờ, mỗi hộ sẽ được hỗ trợ 1 con bò cái và ký cam kết sẽ tích cực chăm sóc. Khi bò đẻ, sẽ nhận bê con và chuyển bò mẹ sang cho hộ khác. Với mô hình này đã đạt nhiều hiệu quả. Từ nhiều kinh nghiệm đúc rút, chính quyền huyện Sơn Hà đã rút ra rằng, việc cho không hoàn toàn khiến người dân chưa thực sự trách nhiệm với cây trồng, vật nuôi. Chính vì thế, việc thay đổi phương thức hỗ trợ cần được chú trọng, khi đặt lợi ích đi kèm với trách nhiệm, hiệu quả lại tăng cao. 

Bên cạnh nếp nghĩ của người dân còn nhiều hạn chế, việc thiếu giám sát cũng là một trong những nguyên nhân gây thất bại. Bởi nếu không giám sát, kiểm tra thường xuyên, cơ quan, đơn vị hỗ trợ sẽ không nắm được tình hình thực hiện để có sự điều chỉnh, giúp đỡ người dân tháo gỡ kịp thời những bất cập trong quá trình sản xuất. Vì không giám sát, kiểm tra thường xuyên nên mới có chuyện, heo hỗ trợ, từ việc chết một vài con đến chết hàng loạt, sau mấy tháng trời vẫn chưa nắm hết nguyên nhân.

(BCĐ - TT vận động nhân dân) Không để ai bỏ lại phía sau: “Trao cần câu hay trao cá”? (Bài 2) 3
Hỗ trợ hộ nghèo cách thức làm ăn là định hướng lâu dài để giảm nghèo bền vững

Ngoài ra, việc chú trọng hỗ trợ con gì, cây gì cho phù hợp với điều kiện khí hậu, tập quán sản xuất tại từng địa phương cũng là một trong những yếu tố quyết định đến sự thành công của một chương trình, mô hình, dự án giảm nghèo. Khảo sát thực tế, hỗ trợ người dân chuẩn bị đầy đủ chuồng trại chăn nuôi, chuẩn bị làm đất trồng trọt, hướng dẫn kỹ càng cách thức thực hiện; giúp người dân thông tư tưởng, nhiệt tình trong quá trình thực hiện; thường xuyên giám sát và việc cung cấp giống đảm bảo sẽ góp phần sản xuất hiệu quả. Có nhiều hoạt động, dự án đạt hiệu quả cao nhờ việc thực hiện các khâu chặt chẽ, kỹ càng.

Ở tầm nhìn xa hơn, Chính phủ và các Bộ ngành đã và đang tạo cơ chế, chính sách được ví như “cần câu” lâu dài để người nghèo thoát nghèo bền vững. Bên cạnh sự hỗ trợ trực tiếp, Chính phủ và các Bộ ngành vẫn đang tiếp tục triển khai đồng bộ, hiệu quả các chủ trương, chính sách về giảm nghèo, nhất là 3 Chương trình mục tiêu quốc gia. Việc giúp đỡ vật chất để người nghèo giải quyết được cuộc sống trước mắt cũng cần thiết. Nhưng ở tầm nhìn xa, cần tạo cơ chế, chính sách để người nghèo thoát nghèo bền vững. Đó là các chính sách giảm nghèo đặc thù, ưu tiên đối với các đối tượng yếu thế, vùng đồng bào dân tộc, vùng đặc biệt khó khăn, từng bước giảm dần và bãi bỏ những chính sách hỗ trợ “cho không”, tăng chính sách hỗ trợ có điều kiện để người nghèo có thể vươn lên.

Tin cùng chuyên mục
Thanh Hóa: Biểu dương, tôn vinh 150 điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi

Thanh Hóa: Biểu dương, tôn vinh 150 điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi

Ngày 27/12, UBND tỉnh Thanh Hóa tổ chức Hội nghị biểu dương, tôn vinh các điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi của tỉnh năm 2023. Dự hội nghị có: Vụ trưởng Vụ Chính sách Dân tộc (Ủy ban Dân tộc) Lưu Xuân Thủy; Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Trịnh Tuấn Sinh; Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Thanh Hóa Phạm Thị Thanh Thủy; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đầu Thanh Tùng; lãnh đạo Ban Dân tộc tỉnh, một số sở, ngành, đơn vị của tỉnh, UBND 11 huyện miền núi và 6 huyện, thị xã giáp ranh có xã, thôn, bản miền núi cùng 150 đại biểu điển hình tiên tiến đại diện cho trên 701.000 người DTTS toàn tỉnh.