Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

An Lão (Bình Định): Trao sinh kế cho đồng bào DTTS

Minh Thu - 09:02, 25/12/2023

An Lão là huyện miền núi khó khăn của tỉnh Bình Định và cũng là huyện nghèo duy nhất của tỉnh. Nhờ nguồn lực từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030 (Chương trình MTQG 1719), công tác giảm nghèo cho vùng đồng bào DTTS và miền núi được chú trọng và đã đạt những kết quả đáng mừng.

Lớp tập huấn kỹ thuật trồng bưởi da xanh tại xã An Tân, huyện An Lão
Lớp tập huấn kỹ thuật trồng bưởi da xanh tại xã An Tân, huyện An Lão

Chính quyền địa phương đã sử dụng nguồn kinh phí được phân bổ để hỗ trợ cây trồng, vật nuôi cho nhiều hộ gia đình đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo.

Xã An Hưng có tới 98% dân số là đồng bào dân tộc H’re, tỷ lệ hộ nghèo của xã còn cao, đời sống của người dân còn nhiều khó khăn. Người dân nơi đây chỉ dựa vào nông nghiệp và kiếm thêm thu nhập bằng việc đi làm thuê. Chính quyền địa phương đã hỗ trợ vốn và kiến thức chăn nuôi để giúp các hộ dân có thêm sinh kế mới. Như gia đình chị Đinh Thị Mum, chồng mất sớm, gia đình nhiều năm nay thuộc diện hộ nghèo của thôn, nay gia đình chị được hỗ trợ heo giống (2 heo cái và 1 heo đực) cùng thức ăn chăn nuôi và chuồng trại. Chị Mum đã tận dụng đất sau vườn để chăn nuôi theo hướng bán chăn thả và nguồn thức ăn từ tự nhiên như rau cỏ, chuối… Nhờ được cán bộ thú y tư vấn và hỗ trợ tận tình cách chăm sóc, phòng bệnh nên đàn heo của gia đình sinh trưởng tốt, thu nhập đủ để chị xoay vòng vốn đầu tư chăn nuôi và chăm lo cho đời sống gia đình.

Huyện An Lão cùng là nơi tập trung sinh sống của bà con dân tộc Ba Na, người dân nơi đây có thói quen chăn nuôi heo thả rông với nguồn thức ăn tự nhiên. Theo kinh nghiệm của các hộ chăn nuôi, giống heo đen ở An Lão rất phù hợp với điều kiện chăn nuôi ở các xã miền núi bởi heo đen có sức đề kháng tốt, ít bị nhiễm dịch bệnh và thức ăn có thể tận dụng từ thiên nhiên như chuối rừng, rau dại và các chế phẩm nông nghiệp nhưng đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Gia đình ông Đinh Văn Rơm vốn khó khăn nhiều năm nay. Được sự tư vấn, động viên của chính quyền, ông mạnh dạn chuyển đổi 2 ha đất vườn đồi kém hiệu quả sang mô hình trang trại tổng hợp nuôi heo đen, gà thả đồi, nuôi cá và trồng bưởi da xanh. Kinh nghiệm từ việc chăn nuôi, làm chuồng trại, trồng trọt… của các buổi tập huấn đều được ông áp dụng hiệu quả. Đến nay, mỗi năm ông thu nhập hơn 100 triệu đồng, cuộc sống ổn định hơn trước rất nhiều.

Anh Đinh Ri, xã Vĩnh An là một trong những gia đình thoát nghèo nhờ mô hình nuôi heo đen cho biết heo đen là một trong những giống heo có sức đề kháng tốt, không kén ăn, dễ nuôi. Heo đen tuy lớn chậm hơn so với heo trắng nhưng thịt thơm ngon và giá cả rất ổn định. Sau khi chuyển đổi sang mô hình trồng heo đen và áp dụng các kiến thức chăm sóc, phòng bệnh, hiện đàn heo đen của gia đình anh Ri có 2 con heo nái và 7 con heo thịt, mỗi lứa heo nái đẻ anh bán với giá 1 - 1,5 triệu đồng/heo con.

Cùng với mô hình chăn nuôi heo, huyện An Lão cũng đã hướng dẫn, hỗ trợ người dân chuyển đổi mô hình nuôi gà thả đồi trên địa bàn. Các hộ dân tham dự sẽ được tập huấn miễn phí kỹ năng chăn nuôi đồng thời hỗ trợ 50% chi phí con giống. Trong quá trình chăn nuôi, cán bộ thú y sẽ hướng dẫn bà con cách chăn nuôi đúng quy trình kỹ thuật, thực hiện các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi đảm bảo an toàn dịch bệnh.

Để bảo đảm thực hiện thành công Chương trình MTQG 1719, trong năm 2023 huyện An Lão đã mở các lớp đào tạo nghề nông nghiệp và phi nông nghiệp cho người dân trên địa bàn. Huyện đã mở 14 lớp dạy nghề nông nghiệp với sự tham gia của 455 học viên. Các lớp học chủ yếu về nuôi heo rừng, heo thả, cách nuôi và phòng bệnh cho trâu, bò, trồng bưởi da xanh… Nhờ các kiến thức hữu ích và áp dụng thành công, việc chăn nuôi, trồng trọt của bà con ở An Lão ngày một năng suất.

Mô hình nuôi heo đen đã góp phần giúp người dân có cơ hội phát triển kinh tế.
Mô hình nuôi heo đen đã góp phần giúp người dân có cơ hội phát triển kinh tế.

Với Chương trình MTQG 1719, tỉnh Bình Định đã và đang tập trung đầu tư phát triển các công trình hạ tầng thiết yếu phục vụ đời sống người dân vùng đồng bào DTTS và miền núi như: đường giao thông, công trình thủy lợi phục vụ sản xuất, công trình phúc lợi xã hội về nhà ở, y tế, giáo dục… Bên cạnh đó địa phương cũng chú trọng trong việc đào tạo nghề, hỗ trợ việc làm nhằm giải quyết lực lượng lao động trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra thông qua các dự án đầu tư và hỗ trợ phát triển sản xuất và sinh kế để nâng cao thu nhập cho người dân cũng được tỉnh Bình Định được quan tâm.

Cùng với việc thực hiện các chính sách dân tộc và các Chương trình MTQG giai đoạn 2021 - 2025, các huyện miền núi của tỉnh Bình Định đã thực hiện tốt công tác tăng cường chất lượng đời sống vật chất và tinh thần cho bà con vùng đồng bào DTTS.


Tin cùng chuyên mục
Thanh Hóa: Biểu dương, tôn vinh 150 điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi

Thanh Hóa: Biểu dương, tôn vinh 150 điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi

Ngày 27/12, UBND tỉnh Thanh Hóa tổ chức Hội nghị biểu dương, tôn vinh các điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi của tỉnh năm 2023. Dự hội nghị có: Vụ trưởng Vụ Chính sách Dân tộc (Ủy ban Dân tộc) Lưu Xuân Thủy; Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Trịnh Tuấn Sinh; Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Thanh Hóa Phạm Thị Thanh Thủy; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đầu Thanh Tùng; lãnh đạo Ban Dân tộc tỉnh, một số sở, ngành, đơn vị của tỉnh, UBND 11 huyện miền núi và 6 huyện, thị xã giáp ranh có xã, thôn, bản miền núi cùng 150 đại biểu điển hình tiên tiến đại diện cho trên 701.000 người DTTS toàn tỉnh.