Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Để nghệ thuật điêu khắc gỗ dân tộc Cơ-tu “sống” mãi

Tiên Sa - 21:33, 16/03/2020

Đồng bào dân tộc Cơ-tu ở vùng Trường Sơn- Tây Nguyên có một loại hình nghệ thuật đặc sắc, thể hiện nhân sinh quan, thế giới quan của đồng bào về vũ trụ, vạn vật, đó là nghệ thuật điêu khắc gỗ. Để loại hình nghệ thuật này, luôn “sống” mãi với người Cơ-tu, huyện Hòa Vang (TP. Đà Nẵng) đã triển khai nhiều hoạt động bảo tồn văn hóa thông qua tổ chức trại điêu khắc, lớp khôi phục nghề điêu khắc...

Những tượng gỗ sống động của người Cơ-tu
Những tượng gỗ sống động của người Cơ-tu

Cuối năm 2019, UBND huyện Hòa Vang phối hợp với Khu du lịch sinh thái Suối Hoa (thôn Phú Túc, xã Hòa Phú) tổ chức Hội trại sáng tác điêu khắc tượng gỗ người Cơ-tu, thu hút 18 nghệ nhân đến từ các huyện Nam Giang, Tây Giang, Đông Giang (tỉnh Quảng Nam) và huyện Hòa Vang (TP. Đà Nẵng) tham dự.

Nghệ nhân Ca Lâu Nhím (66 tuổi) trú tại thôn Gừng, thị trấn Prao, huyện Đông Giang chia sẻ, điêu khắc của người Cơ-tu có từ lâu đời. Ở các Gươl làng hay trong từng nếp nhà của đồng bào đều được trang trí bằng những hình tượng điêu khắc đủ loại về con người, loài vật hoặc sinh hoạt cộng đồng... Những bức tượng, tranh điêu khắc gỗ là biểu tượng, niềm tự hào của người Cơ-tu.

Trao đổi với chúng tôi, nghệ nhân Bhriu Pố (71 tuổi, trú thôn Arớh, xã Lăng, huyện Tây Giang), người được nhận giải Nhất cho tác phẩm “Mẹ rừng” cho biết: Người Cơ-tu sinh sống dọc dãy Trường Sơn hùng vĩ từ xa xưa đã gắn bó mật thiết với rừng; coi rừng như một phần ruột thịt của mình. Khi rừng không bị tàn phá, bầu sữa của mẹ rừng sẽ nuôi dân làng sinh sống ấm no, hạnh phúc. Tác phẩm “Mẹ rừng” của tôi dựa theo ý tưởng đó nhằm gửi đến thông điệp về việc bảo vệ rừng.

Nghệ nhân Bh’riu Pố giới thiệu tác phẩm “Mẹ rừng” do anh sáng tác
Nghệ nhân Bh’riu Pố giới thiệu tác phẩm “Mẹ rừng” do anh sáng tác

Ông Đỗ Thanh Tân, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Hòa Vang cho hay, hiện nay, cộng đồng người Cơ-tu trên địa bàn huyện Hòa Vang có khoảng 1.200 người, sống ở 3 thôn: Tà Lang, Giàn Bí (xã Hòa Bắc) và thôn Phú Túc (xã Hòa Phú). Trong quá trình sinh sống, đồng bào Cơ-tu đã không ngừng sáng tạo, bảo tồn và phát triển những nét văn hóa độc đáo, đặc sắc trong đời sống sinh hoạt của dân tộc mình. Nhìn chung, các bức tranh điêu khắc gỗ của người Cơ-tu là những phác họa đơn giản, những nhát gọt, đẽo không cầu kỳ về đường nét song đã phản ánh được nhân sinh quan, thế giới quan của dân tộc mình về vũ trụ, trời đất, vạn vật, vẻ đẹp trong phong tục, tập quán và lao động, sản xuất...

Ông Đặng Thương, Phó Bí thư, Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang cho hay, trong suốt 16 năm qua, UBND huyện Hòa Vang đã không ngừng nỗ lực trong việc xây dựng đời sống văn hóa, dựng lại các nhà Gươl, tổ chức các hoạt động văn hóa - thể thao và hỗ trợ phục dựng lễ hội truyền thống, mở ra sân chơi giao lưu, trình diễn và thực hành văn hóa... Trại sáng tác nghệ thuật điêu khắc tượng gỗ người Cơ-tu năm 2019 là một trong những hoạt động mới trong chương trình bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa của người Cơ-tu. Hoạt động làm sống lại loại hình nghệ thuật truyền thống độc đáo của người Cơ-tu. Qua đây, huyện Hòa Vang mong muốn, hình thành trên địa bàn huyện khu công viên vườn tượng, góp phần nâng cao hiệu quả quảng bá một loại hình nghệ thuật, một nét đẹp trong đời sống văn hóa đồng bào.

Cuối năm 2019, UBND huyện Hòa Vang đã tổ chức khóa học đào tạo, truyền nghề điêu khắc gỗ truyền thống của người Cơ-tu với kinh phí khoảng 200 triệu đồng. Đây được coi là một trong những giải pháp quan trọng bảo tồn loại hình nghệ thuật độc đáo này.

Tin cùng chuyên mục
Quảng Nam: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong vùng đồng bào DTTS

Quảng Nam: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong vùng đồng bào DTTS

Xác định tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nâng cao giáo dục pháp luật cho người dân, nhất là vùng đồng bào DTTS và miền núi có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, Quảng Nam đã tích cực triển khai và bước đầu đạt được những kết quả đáng khích lệ.