Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Khởi nghiệp từ điêu khắc gỗ

PV - 15:48, 03/07/2018

Với đôi bàn tay khéo léo, trí tưởng tượng phong phú, chàng trai trẻ Bùi Văn Tự, dân tộc Mường, ngụ xóm Chiềng 3, xã Vĩnh Đồng, huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình đã tạo ra những sản phẩm gỗ độc đáo, mang giá trị nghệ thuật cao, từng bước có chỗ đứng trên thị trường…

Sinh năm 1985, ngay từ thuở học sinh (lớp 7, lớp 8), chàng trai Bùi Văn Tự đã làm quen với những chiếc đục, chiếc bào của gia đình (Bố Tự làm nghề mộc, chuyên đóng giường, tủ, bàn ghế). Ngày ấy, Tự tìm nhặt những mẩu gỗ thừa rồi đem đục đẽo, gọt giũa thành những con vật ngộ nghĩnh trong phim Tây Du ký và các bộ phim hoạt hình, sách, truyện tranh. Những con trâu, con ngựa… dưới bàn tay khéo léo của Tự đã dần thành hình hài, như có sức sống. Niềm đam mê với gỗ đến với Tự từ đó.

 “Khởi nghiệp” từ gỗ, Bùi Văn Tự đã và đang có những thành công bước đầu. “Khởi nghiệp” từ gỗ, Bùi Văn Tự đã và đang có những thành công bước đầu.

 

Học hết Trung học phổ thông, năm 2004, Tự tìm hiểu và nộp đơn theo học chuyên ngành chạm khắc tại Trường Công nhân Kỹ thuật Chế biến gỗ Trung ương ở Hà Nam. Sau hai năm rèn luyện, Tự tìm đến các tỉnh phía Nam xin làm nghề tại các xưởng điêu khắc gỗ.

Được tiếp xúc, gặp gỡ nhiều thợ giỏi, lành nghề, sau ba năm, với kinh nghiệm tích lũy từ những ngày bôn ba, Tự trở về quê nhà. Với chút vốn giắt lưng từ những ngày làm thuê, Tự vay thêm anh em họ hàng được gần 10 triệu đồng, thuê đất mở xưởng chạm khắc gỗ với tên gọi “Xưởng điêu khắc gỗ tự tâm”. Tự lên rừng tìm các gốc cây cũ về cắt bỏ rễ và tạo thành những đồ vật theo ý tưởng đã học được. Còn chút tiền, Tự đầu tư thêm mấy chiếc máy cắt, máy bào, máy tiện. Tự nhớ lại: “Sản phẩm đầu tiên là bức tượng Phật to bằng bàn tay, Tự làm trong hai ngày theo đơn đặt hàng của một người quen, bán được 200 ngàn đồng”.

Những ngày đầu tự mình làm chủ một xưởng sản xuất, dù nhỏ nhưng Tự mới thấm thía rằng: Không có gì là dễ dàng và đơn giản. Mấy tháng đầu, sản phẩm do Tự làm ra còn đơn điệu, mới chỉ dừng lại ở những bức tượng nhỏ, đôi lọ lục bình… nên xưởng sản xuất vắng khách; thu không đủ bù chi. Nhưng không vì thế mà nản chí, Tự đã nghiên cứu sách báo, internet, học hỏi từ bạn đồng nghiệp trong và ngoài tỉnh để tìm kiếm và đưa ra ý tưởng mới để các sản phẩm của xưởng độc đáo và lạ mắt.

Bùi Văn Tự và tác phẩm khắc gỗ của mình. Bùi Văn Tự và tác phẩm khắc gỗ của mình.

 

Với những nỗ lực thay đổi mẫu mã, trăn trở tìm kiếm, đầu tư, các sản phẩm của “Xưởng điêu khắc gỗ tự tâm” dần được trau chuốt, đa dạng hơn. Nhờ đó, tiếng lành đồn xa, khách hàng tìm đến cơ sở của Tự đặt hàng ngày càng nhiều. Tự chia sẻ: “Nghề điêu khắc gỗ rất vất vả, đòi hỏi người thợ phải kiên trì, sáng tạo để thổi hồn vào tác phẩm, đưa khối gỗ vô tri trở nên sống động và có hồn. Thành công sẽ đến với ai có ý chí, biết vượt qua khó khăn, gian khổ”.

Tự khẳng định: Hiện nay, hầu hết các sản phẩm của “Xưởng điêu khắc gỗ tự tâm” đều được chế tác theo đơn đặt hàng. Bình quân mỗi tháng, xưởng nhận được khoảng 20-30 đơn hàng. Các sản phẩm chế tác cũng đa dạng, tùy theo yêu cầu của khách. Có những sản phẩm giá vài trăm ngàn đến vài chục triệu đồng như: Tượng Phật loại nhỏ đặt trên ô tô; lọ lục bình; linh vật… Tự nhẩm tính: Một năm “Xưởng điêu khắc gỗ tự tâm” chế tác khoảng 200 đơn hàng lớn, nhỏ cho khách hàng trong, ngoài tỉnh. Sau khi trả công thợ, vật tư, chi phí sản xuất, mỗi tháng, Tự có thể thu về từ 15-20 triệu đồng.

Sau nhiều năm gắn bó, trăn trở, đam mê và tìm tòi, “Xưởng điêu khắc gỗ tự tâm” do chàng thành niên trẻ Bùi Văn Tự đã bước đầu thành công, sản phẩm làm ra có chỗ đứng trên thị trường. Không những vậy, “Xưởng điêu khắc gỗ tự tâm” còn tạo việc làm ổn định cho 7 thanh niên trong và ngoài huyện Kim Bôi với mức thu nhập bình quân 5-7 triệu đồng/người/tháng.

Với ước mơ khởi nghiệp, dám nghĩ, dám làm, chàng trai trẻ Bùi Văn Tự và xưởng điêu khắc gỗ do anh làm chủ đã và đang phát triển, tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương; chế tác ra nhiều sản phẩm làm đẹp cho đời. Mong muốn của Tự cũng thật giản đơn: Được vay vốn từ các ngân hàng để đầu tư, mở rộng xưởng sản xuất; thành lập được Hợp tác xã để phát triển nghề và tạo được nhiều việc làm hơn nữa.

MINH THU

Tin cùng chuyên mục
Quảng Nam: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong vùng đồng bào DTTS

Quảng Nam: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong vùng đồng bào DTTS

Xác định tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nâng cao giáo dục pháp luật cho người dân, nhất là vùng đồng bào DTTS và miền núi có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, Quảng Nam đã tích cực triển khai và bước đầu đạt được những kết quả đáng khích lệ.