Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Để Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” vươn xa: Đẩy mạnh hơn nữa sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị

Hoài Dương (Lược ghi) - 21:32, 16/03/2020

Hơn 10 năm thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, đã mang lại nhiều kết quả to lớn, góp phần tạo sự chuyển biến về nhận thức trong xã hội, đã dần trở thành động lực thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng hàng Việt một cách mạnh mẽ. Tuy nhiên, để Cuộc vận động ngày càng hiệu quả, nhiều đại biểu tham dự Hội nghị triển khai nhiệm vụ trọng tâm Cuộc vận động năm 2020 vừa diễn ra ngày 28/2 tại Hà Nội, đã đề xuất nhiều giải pháp để Cuộc vận động tiếp tục phát huy những thành tựu đã đạt được. Báo Dân tộc và Phát triển đã lược ghi một số ý kiến thảo luận tại Hội nghị.

Để Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” vươn xa: Đẩy mạnh hơn nữa sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị

Ông Võ Thành Thống, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư:

Thời gian qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có nhiều giải pháp nhằm phát triển doanh nghiệp và hỗ trợ doanh nghiệp (DN) đăng ký kinh doanh, phát triển thương hiệu, thị trường. Đặc biệt, trong hoạt động quản lý nhà nước về đấu thầu đối với những dự án đầu tư công, Bộ cũng đã có những chính sách ủng hộ hàng Việt và hỗ trợ các DN trong hoạt động đầu tư, sản phẩm kinh doanh. Theo đó, để nâng cao hơn nữa kết quả Cuộc vận động, năm 2020 cần quan tâm thúc đẩy mạnh mẽ, thực chất ngành Công nghiệp phụ trợ, từ đó phát triển sản xuất trong nước một cách bền vững, tránh phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu từ nước ngoài. Đồng thời, thực hiện hiệu quả các đề án phát triển thương hiệu quốc gia, qua đó nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của hàng hóa trong nước để hàng Việt không chỉ chinh phục người Việt Nam, mà còn chinh phục thị trường thế giới.

Để Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” vươn xa: Đẩy mạnh hơn nữa sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị 1

Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI):

Bằng nhiều giải pháp khác nhau, hàng Việt của chúng ta đã khẳng định được thương hiệu, hơn nữa còn có hiện tượng đội lốt hàng Việt. Do đó, để bảo vệ thương hiệu hàng Việt, Bộ Công Thương cần rà soát hành lang pháp lý để tránh tình trạng trong DN vô tình mắc lỗi và vi phạm hướng dẫn của hành lang pháp lý. Đồng thời, cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là chính quyền địa phương, nơi có sản phẩm hàng Việt được sản xuất và xuất khẩu. Tăng cường những giải pháp tuyên truyền, như: Sân khấu hóa để hàng Việt ngấm sâu vào ý thức, trách nhiệm của người dân, của cán bộ, đảng viên, DN về Cuộc vận động. Việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, kết nối địa phương, DN, hiệp hội… cũng là giải pháp cần được tăng cường hơn nữa để công tác phát triển thương hiệu đạt hiệu quả.

Để Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” vươn xa: Đẩy mạnh hơn nữa sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị 2

Ông Lê Mạnh Hùng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương:

Hàng Việt ngày càng được người Việt Nam yêu thích, lựa chọn có sự đóng góp rất lớn từ truyền thông. Thời gian tới, Ban Tuyên giáo Trung ương và Bộ Thông tin - Truyền thông sẽ ban hành tài liệu tuyên truyền về Cuộc vận động phù hợp với đối tượng tuyên truyền. Đặc biệt, khi Hiệp định Thương mại tự do và Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam - EU (EVFTA và IPA) được ký kết và dự kiến có hiệu lực từ tháng 7/2020, chúng ta không thể tuyên truyền một chiều, mà phải đề cập thẳng thắn vào thực tế hàng Việt Nam làm được đến đâu, đáp ứng thị trường như thế nào.

Ông Đặng Minh Khôi, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao:

Để thúc đẩy quảng bá hàng Việt, Bộ Ngoại giao đã yêu cầu các Đại sứ quán sử dụng sản phẩm hàng Việt làm quà tặng ngoại giao và tổ chức các gian hàng giới thiệu hàng Việt trong các cuộc chiêu đãi, gặp gỡ mà Đại sứ quán tổ chức.

Để Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” vươn xa: Đẩy mạnh hơn nữa sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị 3

Theo thống kê, có hơn 4 triệu người Việt Nam ở nước ngoài, đây là một kênh thông tin tuyên truyền quảng bá sản phẩm Việt Nam hiệu quả, thiết thực nhất để đưa sản phẩm Việt đến với bạn bè thế giới. Hơn nữa, thực tế hiện nay, tại mỗi chợ của người Việt ở nước sở tại, sản phẩm hàng Việt được bày bán rất nhiều và nhận được sự đón nhận nhiệt thành của người dân nước sở tại. Do đó, chúng ta cần tận dụng tốt các kênh hội chợ ở nước ngoài, để quảng bá sản phẩm nhất là với những Việt Kiều.

Theo Bộ Công Thương, tỷ lệ hàng Việt tại các hệ thống siêu thị trong nước duy trì ở mức cao, trong đó siêu thị: Co.opmart (90 - 93%), Satra (90 - 95%), Vissan (95%), Vinmart (63% theo mã hàng)… Đối với kênh bán lẻ truyền thống, tỷ lệ hàng Việt tại các chợ, cửa hàng tiện lợi chiếm tỷ lệ 60% trở lên.