Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ

PV - 15:37, 11/01/2022

Đây là yêu cầu của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về tìm kiếm, quy tập và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ (Ban Chỉ đạo quốc gia 515) nêu lên tại Hội nghị trực tuyến tổng kết thực hiện Đề án tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ (Đề án 1237) và Đề án xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin (Đề án 150) giai đoạn 2013-2020; phương hướng, nhiệm vụ giải pháp giai đoạn 2021-2025, sáng 11/1.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Cần tạo điều kiện tốt nhất có thể cho công tác tìm kiếm, quy tập và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ bằng tất cả trách nhiệm, tình cảm. Ảnh: VGP/Đình Nam
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Cần tạo điều kiện tốt nhất có thể cho công tác tìm kiếm, quy tập và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ bằng tất cả trách nhiệm, tình cảm. Ảnh: VGP/Đình Nam

Phó Thủ tướng đánh giá cao và gửi lời cảm ơn đến các lực lượng trực tiếp, gián tiếp thực hiện công tác tìm kiếm, quy tập và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ nói riêng, đền ơn đáp nghĩa nói chung, trong những năm qua. Bên cạnh những cá nhân, tập thể được vinh danh tại Hội nghị tổng kết, có rất nhiều tổ chức, cá nhân có những đóng góp rất đáng trân trọng, ý nghĩa, thể hiện tình cảm đối với những liệt sĩ đã hy sinh vì nền độc lập, tự do của dân tộc.

Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, thời gian qua, công tác tìm kiếm, quy tập và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ được thực hiện tương đối nền nếp. Tới đây, các lực lượng tiếp tục bám sát thực tiễn, nhìn thẳng vào những khó khăn, nghiêm túc khắc phục những nguyên nhân chủ quan, chưa làm thật tốt, chưa đúng như mong muốn để làm tốt hơn.

Không riêng lực lượng quân đội, ngành LĐTBXH, mà các cấp, các ngành, các địa phương cần tạo điều kiện tốt nhất có thể cho công tác tìm kiếm, quy tập và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ bằng tất cả trách nhiệm, tình cảm. Đây là công việc vô cùng khó khăn. Rất nhiều liệt sĩ không chỉ hy sinh ở đất liền mà cả ở cửa sông, cửa biển; không chỉ ở trong nước mà cả ở các nước bạn.

Ngoài điểm cầu tại Hội trường Bộ Quốc phòng (Hà Nội), Hội nghị tổng kết Đề án 1237 và Đề án 150 giai đoạn 2013-2020 có sự tham dự trực tuyến của lãnh đạo các quân khu, quân chủng, quân đoàn, các địa phương… tại 75 điểm cầu. Ảnh: VGP/Đình Nam
Ngoài điểm cầu tại Hội trường Bộ Quốc phòng (Hà Nội), Hội nghị tổng kết Đề án 1237 và Đề án 150 giai đoạn 2013-2020 có sự tham dự trực tuyến của lãnh đạo các quân khu, quân chủng, quân đoàn, các địa phương… tại 75 điểm cầu. Ảnh: VGP/Đình Nam

Tương tự, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, việc xác định danh tính hài cốt liệt sĩ thiếu thông tin còn rất nhiều khó khăn cho dù các lực lượng đã có nhiều giải pháp. Thời gian tới, các đơn vị giám định ADN, xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin cần đẩy mạnh hợp tác quốc tế, kết hợp công nghệ mới, công nghệ thông tin, sinh học, từ đó có những sáng kiến để đẩy nhanh hơn, làm tốt hơn nữa.

Phó Thủ tướng đề nghị các địa phương quan tâm hơn nữa đến công tác đền ơn đáp nghĩa, chăm lo cho các gia đình thương binh, liệt sĩ, người có công, nhất là Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022 sắp đến.

Thượng tướng Đỗ Căn, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị cho biết, trong giai đoạn 2013-2020, việc quán triệt, thực hiện Đề án 1237, Đề án 150 đã được triển khai nghiêm túc, tích cực, đồng bộ, hiệu quả. Các tổ chức, lực lượng thực hiện tìm kiếm, quy tập và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ thường xuyên được bổ sung, kiện toàn, tạo sự thống nhất, liên thông, có tính chuyên sâu.

Công tác tuyên truyền, vận động cung cấp thông tin về liệt sĩ, mộ liệt sĩ được triển khai sâu rộng, tạo sự lan toả mạnh mẽ trong các tầng lớp nhân dân.

Đến nay nhiều đơn vị, địa phương đã cơ bản hoàn thành việc rà soát, hoàn thiện hồ sơ, danh sách liệt sĩ; kịp thời cung cấp cho các đơn vị, địa phương xác minh, kết luận thông tin về liệt sĩ, mộ liệt sĩ. Các địa phương đã cơ bản hoàn thành kết luận địa bàn; lập bản đồ tìm kiếm quy tập hài cốt liệt sĩ 3 cấp (xã, huyện, tỉnh).

Từ năm 2013 đến nay, các lực lượng đã tìm kiếm, quy tập được gần 17.000 hài cốt liệt sĩ; xác định danh tính hơn 4.000 hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin. Ảnh: VGP/Đình Nam
Từ năm 2013 đến nay, các lực lượng đã tìm kiếm, quy tập được gần 17.000 hài cốt liệt sĩ; xác định danh tính hơn 4.000 hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin. Ảnh: VGP/Đình Nam

Bộ Quốc phòng, Bộ LĐTB&XH đã chuyển giao hơn 2 triệu bản ghi về liệt sĩ, 300.000 bản ghi về mộ liệt sĩ để xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về liệt sĩ.

Từ năm 2013 đến nay, các lực lượng đã tìm kiếm, quy tập được gần 17.000 hài cốt liệt sĩ (trong nước hơn 8.000, ở Lào hơn 2.000, ở Campuchia hơn 6.000).

Các cơ sở giám định ADN xác định danh tính liệt sĩ đã tiếp nhận hơn 38.000 mẫu hài cốt liệt sĩ và mẫu sinh phẩm thân nhân liệt sĩ; phân tích, lưu trữ ADN được hơn 23.000 mẫu.

Đến nay hơn 4.000 hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin được xác định danh tính (bằng phương pháp thực chứng 2.761 trường hợp, bằng phương pháp giám định ADN 1.373 trường hợp). Đáng chú ý, tỉnh Đắk Lắk đã xác minh, bổ sung, đính chính thông tin 1.238/1.736 ngôi mộ tại nghĩa trang liệt sĩ tỉnh.

Hoạt động hợp tác quốc tế về tìm kiếm, quy tập, xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin ngày càng sâu rộng với các nước, tổ chức, cá nhân có liên quan như Mỹ, Australia, Hàn Quốc, Lào, Campuchia, Thái Lan, Argentina… Công tác xây dựng, sửa chữa, tu bổ, tôn tạo các công trình tưởng niệm liệt sĩ Việt Nam hy sinh tại Lào, Campuchia và các ấn phẩm, sách, phim tài liệu được quan tâm và triển khai thực hiện có hiệu quả.

Việc quản lý, sử dụng trang bị, phương tiện, kinh phí dành cho công tác tìm kiếm, quy tập, xác định danh tính hài cốt liệt sĩ đúng quy định, đáp ứng theo thực tế. Nhiều địa phương, đơn vị huy động các nguồn lực khác nhau để hỗ trợ cho công tác này.

Đại diện Ban Chỉ đạo 515 của Quân khu 2, Quân khu 9, Quân khu 7; lãnh đạo Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Bộ LĐTB&XH, tỉnh Đắk Lắk… đã trao đổi các kinh nghiệm cũng như những khó khăn, vướng mắc gặp phải trong quá trình tìm kiếm, quy tập, xác định danh tính hài cốt liệt sĩ.

Cụ thể như công tác quản lý đăng ký, bàn giao hồ sơ, danh sách liệt sĩ, sơ đồ mộ chí, hồ sơ quy tập những năm trước đây còn thiếu chặt chẽ, khoa học. Nhân chứng biết thông tin về liệt sĩ, mộ liệt sĩ ngày càng già yếu. Địa hình, địa vật nhiều nơi thay đổi, trong khi một số địa bàn bị ô nhiễm bom mìn, vật liệu nổ dày đặc, thời tiết khắc nghiệt.

Thời gian chôn cất nhiều liệt sĩ đã lâu, hài cốt không còn nguyên mẫu, đủ mẫu; nhiều trường hợp không còn thân nhân liệt sĩ để lấy mẫu. Công suất của các cơ sở giám định ADN xác định danh tính hài cốt liệt sĩ chưa đáp ứng được yêu cầu.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho một số tập thể có thành tích xuất sắc trong công tác tìm kiếm, quy tập, xác định danh tính hài cốt liệt sĩ thiếu thông tin. Ảnh: VGP/Đình Nam
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho một số tập thể có thành tích xuất sắc trong công tác tìm kiếm, quy tập, xác định danh tính hài cốt liệt sĩ thiếu thông tin. Ảnh: VGP/Đình Nam

Các ý kiến cũng đề nghị tiếp tục bố trí kinh phí rà phá bom mìn, vật liệu nổ để tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ ở các địa bàn trọng điểm; bảo đảm phương tiện, trang bị cho các lực lượng tìm kiếm, quy tập, xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin; có chính sách hỗ trợ thân nhân liệt sĩ lấy giám định ADN xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin.

Theo Quyết định 1515/QĐ-TTg ngày 14/9/2021 ban hành Kế hoạch tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin đến năm 2030 và những năm tiếp theo, trong giai đoạn 2021-2025, các lực lượng phấn đấu tìm kiếm, quy tập được khoảng 1.500 hài cốt liệt sĩ/năm; hoàn thành xây dựng, vận hành cơ sở dữ liệu quốc gia về liệt sĩ; cơ bản hoàn thành kết luận địa bàn, lập bản đồ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ trên phạm vi toàn quốc.

Đến năm 2030, các đơn vị phấn đấu tìm kiếm, quy tập được khoảng 15.000 hài cốt liệt sĩ; hoàn thành tìm kiếm, quy tập và kết luận khu vực, địa bàn có thông tin mộ liệt sĩ tập thể; cơ bản kết thúc nhiệm vụ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ ở ngoài nước

Triển khai thực hiện Quy trình xác định danh tính hài cốt liệt sĩ, mộ liệt sĩ còn thiếu thông tin bằng phương pháp giám định ADN và phương pháp thực chứng. Phấn đấu mỗi năm giám định ADN xác định danh tính khoảng 1.000 hài cốt liệt sĩ (mục tiêu đến năm 2030 được khoảng 20.000 trường hợp); xác minh, kết luận thông tin bằng phương pháp thực chứng đối với 50% mộ liệt sĩ còn thiếu thông tin trong các nghĩa trang liệt sĩ (năm 2030 là 60%).

Thượng tướng Võ Minh Lương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia 515 cho rằng, trong thời gian tới khó khăn lớn nhất là đối với công tác tìm kiếm, quy tập, xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin là thiếu thông tin về liệt sĩ, mộ liệt sĩ.

Vì vậy, các cấp, các ngành, các địa phương cần chủ động xây dựng kế hoạch tìm kiếm, quy tập, xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin giai đoạn 2021-2025 sát với đặc điểm, tình hình, nhiệm vụ; trọng tâm là sớm hoàn thành rà soát, hoàn thiện hồ sơ, danh sách kết luận địa bàn, lập bản đồ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ.

Tập trung đẩy mạnh các hoạt động động tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ, nhất là địa bàn trong nước, các khu vực, địa bàn trọng điểm còn nhiều hài cốt liệt sĩ.

Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước; đồng thời huy động mọi nguồn lực để thực hiện công tác này, nhất là cung cấp thông tin về liệt sĩ, mộ liệt sĩ.

Việc thực hiện công tác xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin, nhất là trong các nghĩa trang liệt sĩ, là nhiệm vụ trọng tâm, cần có sự phối hợp chặt chẽ, đúng quy trình, khoa học, khách quan, trung thực.

Tin cùng chuyên mục
Tăng cường nâng cao năng lực cho người dân vùng DTTS và miền núi Nghệ An

Tăng cường nâng cao năng lực cho người dân vùng DTTS và miền núi Nghệ An

Nhằm thúc đẩy đồng bào các DTTS phát triển toàn diện trên các lĩnh vực đời sống, kinh tế, xã hội, trong nhiều năm qua, việc nâng cao kiến thức, trình độ, năng lực… cho người dân vùng đồng bào DTTS và miền núi Nghệ An được các cấp, các ngành trong tỉnh rất quan tâm. Đặc biệt, từ khi triển khai Chương trình MTQG phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn I: từ năm 2021-2025 (Chương trình MTQG 1719) nội dung này càng được thực hiện bài bản, quyết liệt hơn nhờ nguồn lực đầu tư, hỗ trợ của Chương trình.