Từ những người bạn thân
Kể về mối thiện duyên trong hành trình đi tìm hài cốt liệt sĩ, ông Trần Trường Huấn chia sẻ, năm 1970 - 1973, ông học phổ thông tại lớp G, Trường PTTH Chu Văn An (Hà Nội). Ngày ấy, nghe theo tiếng gọi của Tổ quốc, nhiều học sinh của lớp ông đã xếp bút nghiên tòng quân đánh giặc. Trong những người ra đi, có 2 người mãi mãi không trở về, là liệt sĩ Đặng Trần Cảnh và liệt sĩ Vũ Duy Hùng; cả hai trường hợp đều chưa xác định được nơi chôn cất và hài cốt.
Nặng lòng về hai người bạn còn “thất lạc”, ông và những người bạn đã quyết định thành lập nhóm “Tìm bạn về”. Cuối tháng 5/2016, nhận ủy quyền từ hai gia đình liệt sĩ Cảnh và Hùng, ông Huấn bắt đầu hành trình tìm bạn với manh mối duy nhất là hai tờ giấy báo tử.
Sau nhiều tháng tìm kiếm, cuối cùng ông nhận được thông tin từ các cơ quan chức năng xác nhận, xác định được liệt sĩ Đặng Trần Cảnh thuộc đơn vị D6/E20/F4, hy sinh ngày 18/8/1973, tại xã Vĩnh Hòa Hưng, huyện Gò Quao (Kiên Giang); hài cốt được an táng tại nghĩa trang ấp Sáu Kim cùng nhiều đồng đội khác.
Từ những thông tin có được, nhóm đã hỗ trợ gia đình liệt sĩ Cảnh làm đơn gửi Cục Người có công - Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) và các cơ quan liên quan, đề nghị giám định mẫu ADN để xác định danh tính liệt sĩ còn thiếu thông tin. Ngày 10/10/2016, kết quả giám định của Viện Pháp y quân đội kết luận: “Mẫu hài cốt liệt sĩ lấy tại mộ số 1, hàng 6, khu A, ô 3 có quan hệ huyết thống với ông Đặng Trần Công, em trai liệt sĩ Đặng Trần Cảnh”.
Còn với liệt sĩ Vũ Duy Hùng cũng chưa tìm được hài cốt sau khi hy sinh. Mãi đến tháng 6/2017, từ những thông tin do những Cựu chiến binh cùng chiến đấu với liệt sĩ Hùng cung cấp, nhóm xác định được nơi liệt sĩ Hùng hy sinh và lập tức đi Quảng Trị tìm kiếm và đưa được liệt sĩ về với gia đình.
Đến ân tình với đồng đội
Luôn trăn trở với những người đồng đội chiến đấu ở Trung đoàn 1 - U Minh (Quân khu 9), mỗi dịp họp mặt Ban liên lạc truyền thống của Trung đoàn, ông Huấn và các đồng đội cũ đều nhắc về trận đánh Chi khu Ba Càng (Vĩnh Long) ngày 12/4/1975. Trận đó, mũi chủ công quân ta là Tiểu đoàn 307 bị pháo kích, nhiều đồng đội hy sinh.
Sau khi chiến tranh kết thúc, các Cựu chiến binh đã nhiều lần về chiến trường xưa để tìm dấu tích đồng đội. Kết hợp nhiều nguồn thông tin, đến nay Ban liên lạc đã xác định được danh sách liệt sĩ hy sinh thuộc Trung đoàn 1 - U Minh tại trận Ba Càng, xã Song Phú, huyện Tam Bình (Vĩnh Long) gồm 36 đồng chí. Với sự giúp đỡ của các cơ quan chức năng, Ban liên lạc đã khoanh vùng và xác định được chính xác khu mộ tập thể nơi có nhiều hài cốt liệt sĩ hy sinh trận Ba Càng. Từ đó, xác định được 22 mộ liệt sĩ đã được quy tập về Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh Vĩnh Long.
Cuối tháng 5/2019, với những nỗ lực miệt mài tìm kiếm đồng đội của ông Huấn và Ban liên lạc, Cục Người có công đã có văn bản gửi Sở LĐ-TB&XH tỉnh Vĩnh Long yêu cầu hướng dẫn, tạo điều kiện cho các thân nhân liệt sĩ lấy mẫu hài cốt liệt sĩ từ 19 ngôi mộ tại Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh Vĩnh Long, nhằm xác định thông tin liệt sĩ. Đến ngày 25/5/2020, Ban liên lạc đã làm lễ lấy mẫu giám định của 8 liệt sỹ hy sinh trong trận đánh khu Ba Càng trong niềm xúc động của các thân nhân liệt sĩ.