Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Đầu Xuân trải nghiệm Làng du lịch cộng đồng Kon Jơ Dri

Phạm Nguyên - 19:24, 15/02/2023

Những ngày đầu Xuân, bà con ở Làng Kon Jơ Dri, xã Đăk Rơ Wa, Tp. Kon Tum (tỉnh Kon Tum) vui mừng, phấn khởi được đón nhận Quyết định của UBND tỉnh Kon Tum về việc công nhận làng trở thành điểm du lịch cộng đồng. Đến với làng Kon Jơ Dri hôm nay, mọi người sẽ được trải nghiệm những giá trị văn hóa độc đáo mà người Ba Na nơi đây còn lưu giữ.

Làng Kon Jơ Ri cách trung tâm Tp. Kon Tum khoảng 6 km, nằm sát bên dòng Đăk Bla hiền hòa, với hơn 170 hộ dân tộc Ba Na sinh sống. Đến với làng hôm nay, ai cũng cảm nhận không khí vui tươi, phấn khởi của bà con nơi đây. Cổng làng được trang hoàng lộng lẫy cờ hoa, khuôn viên nhà Rông của làng được vệ sinh sạch sẽ, những bảng hướng dẫn được thiết kế và bố trí nơi dễ thấy nhất, để du khách khám phá những nét văn hóa riêng có của làng.

Dệt thổ cẩm là việc làm thường xuyên của chị em phụ nữ Làng du lịch cộng đồng Kon Jơ Dri.
Dệt thổ cẩm là việc làm thường xuyên của chị em phụ nữ Làng du lịch cộng đồng Kon Jơ Dri

Dẫn chúng tôi dạo một vòng các điểm tham quan của làng, ông A Chrang - Thôn trưởng thôn Kon Jơ Ri, xã Đăk Rơ Wa, Tp. Kon Tum phấn khởi cho biết: Ngày 6/1/2023, UBND tỉnh Kon Tum ban hành Quyết định số 02/QĐ-UBND công nhận Làng du lịch cộng đồng Kon Jơ Dri, xã Đăk Rơ Wa là điểm du lịch trên địa bàn Tp. Kon Tum, bà con trong làng ai ai cũng phấn khởi. Bởi đây là niềm vinh dự, niềm vui của người Ba Na trong việc nỗ lực gìn giữ, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống. Đồng thời, việc công nhận Làng du lịch cộng đồng là cơ hội để bà con quảng bá những giá trị văn hóa đó đến với du khách gần xa, giúp cho bà con có thêm nguồn thu nhập, từng bước nâng cao đời sống.

Lãnh đạo UBND TP. Kon Tum thăm quan các sản phẩm dệt ở Làng du lịch cộng đồng Kon Jơ Dri.
Lãnh đạo UBND Tp. Kon Tum thăm quan các sản phẩm dệt ở Làng du lịch cộng đồng Kon Jơ Dri

Làng Kon Jơ Dri, xã Đăk Rơ Wa được đánh giá là một trong những làng cổ ở Tp. Kon Tum còn giữ được những nét kiến trúc mang đặc trưng riêng của đồng bào Ba Na, như nhà rông được dựng ở giữa làng, là nơi sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng, giao lưu văn hóa, văn nghệ, biểu diễn cồng chiêng, hội họp của làng; tỷ lệ nhà sàn truyền thống trong làng hiện chiếm khoảng trên 20%. Các hoạt động, nghi lễ văn hóa trong sinh hoạt cộng đồng, hộ gia đình như làm rượu cần, dệt thổ cẩm, đan lát dụng cụ phục vụ sản xuất và sinh hoạt, các lễ hội truyền thống, các bài dân ca cổ, cồng chiêng, múa xoang được bảo tồn.

Già A Mơ miệt mài với những sản phẩm đan lát truyền thống
Già A Mơ miệt mài với những sản phẩm đan lát truyền thống

Già A Mơ, làng Kon Jơ Dri chia sẻ: “Tôi làm nghề đan lát này cũng gần 40 năm, đây là nghề truyền thống của cha, ông truyền lại. Vừa rồi ra mắt Làng du lịch cộng đồng thì những chiếc gùi, rổ, rá của tôi làm được nhiều người xem và thích thú. Tôi phấn khởi lắm, vì được giới thiệu những giá trị văn hóa đặc sắc của đồng bào Ba Na đến với mọi người. Tôi sinh ra và lớn lên tại làng Kon Jơ Ri. Mong muốn lớn nhất của tôi là những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc tiếp tục được gìn giữ và phát huy”.

Theo chị Y Mới, từ bao đời nay, dệt thổ cẩm là nghề thủ công truyền thống không thể thiếu trong đời sống sinh hoạt và trở thành bản sắc văn hóa của đồng bào các DTTS nói chung, người Ba Na nói riêng. Mỗi sản phẩm được làm ra từ thổ cẩm đều hàm chứa những câu chuyện đặc sắc về lịch sử, về bản sắc văn hóa, về niềm tin và các giá trị thẩm mỹ. Vì vậy, việc bảo tồn, phát triển nghề dệt thổ cẩm không chỉ góp phần gìn giữ, quảng bá văn hóa, mà còn tạo thêm việc làm, nâng cao thu nhập cho bà con trong làng. Đặc biệt, khi được công nhận là Làng du lịch cộng đồng thì tôi mong rằng, những sản phẩm chúng tôi làm ra sẽ được du khách gần xa biết đến nhiều hơn.

Đến Làng du lịch cộng đồng Kon Jơ Dri, du khách sẽ được trải nghiệm nghề dệt truyền thống của người Ba Na.
Đến Làng du lịch cộng đồng Kon Jơ Dri, du khách sẽ được trải nghiệm nghề dệt truyền thống của người Ba Na

Người dân nơi đây còn biết khai thác, sử dụng các loại thực phẩm có trong tự nhiên hoặc sản phẩm do người dân sản xuất để chế biến nhiều món ăn mang đặc trưng riêng, như: Cơm lam, gà nướng, cá sông nướng trên than củi, những món ăn từ củ, quả, rau rừng, tạo nên sự độc đáo, hấp dẫn, đa dạng về ẩm thực và cuốn hút đối với du khách khi đến trải nghiệm ở làng Kon Jơ Dri.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Y Ngọc trao Quyết định của UBND tỉnh công nhận Làng du lịch cộng đồng Kon Jơ Dri.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Y Ngọc trao Quyết định của UBND tỉnh công nhận Làng du lịch cộng đồng Kon Jơ Dri

Ông Đào Văn Hậu - Chủ tịch UBND xã Đăk Rơ Wa cho biết: Thời gian qua, ngoài việc quan tâm đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng, thì chính quyền xã Đăk Rơ Wa, Tp. Kon Tum đã tích cực tuyên truyền, vận động, hỗ trợ để dân làng Kon Jơ Dri xây dựng Làng du lịch cộng đồng. Đến nay, làng Kon Jơ Dri đã hình thành xong “bộ khung” về tổ chức hoạt động du lịch, gồm Ban Quản lý làng du lịch và 7 tổ phục vụ, gồm tổ sản xuất thủ công mỹ nghệ, tổ cồng chiêng múa xoang, tổ ẩm thực, tổ tiếp đón khách, tổ y tế, tổ vệ sinh cộng đồng, tổ an ninh. Làng Kon Jơ Dri thành lập được 2 đội cồng chiêng, múa xoang, gồm đội chiêng người lớn tuổi và thanh niên; đội chiêng thiếu niên, học sinh.

Nhà rông Làng du lịch cộng đồng Kon Jơ Dri nơi được nhiều du khách đến thăm quan.
Nhà rông Làng du lịch cộng đồng Kon Jơ Dri nơi được nhiều du khách đến thăm quan

Với sự hiền lành, chất phác, thân thiện, mến khách và khát vọng làm du lịch của người dân, cùng với việc UBND tỉnh Kon Tum công nhận Làng du lịch cộng đồng Kon Jơ Dri, xã Đăk Rơ Wa là điểm du lịch trên địa bàn Tp. Kon Tum là điều kiện thuận lợi và cũng là cơ hội để đồng bào Ba Na ở làng Kon Jơ Dri tiếp tục thực hiện tốt hơn nữa công tác bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc, quảng bá đến du khách gần xa và nâng cao thu nhập cho bà con nơi đây.

Tin cùng chuyên mục
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Sáng 9/11, tại Tp. Pleiku, tỉnh Gia Lai, Ủy ban Dân tộc phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719) khu vực miền Trung - Tây Nguyên và đề xuất nội dung Chương trình MTQG 1719 giai đoạn II từ năm 2026 - 2030.