Chiều A Lưới, mặt trời tắt bóng thật nhanh. Mới đó vẫn còn thấy vạt nắng vàng ươm loanh quanh trên ngọn keo tràm xanh mướt trước hiên nhà mà giờ góc trời đã gom hết màu đỏ rực về phía núi. Bóng tối chầm chậm buông xuống theo hơi sương lành lạnh phả ra từ phía sườn đồi. Tiếng ếch nhái bên hiên nhà bắt đầu râm ran dạo lên khúc nhạc của màn đêm, xóa đi vẻ yên tĩnh chốn núi đồi. Chị Hồ Thị Sâm thay bộ váy thổ cẩm dệt từ vải dèng truyền trống của người Pa Kô rồi háo hức sang Homestay ngay cạnh nhà để tham gia biểu diễn văn nghệ. Chị Sâm năm nay 35 tuổi, là mẹ của 3 đứa con, sống ở làng du lịch A Nôr - Việt Tiến, thuộc địa bàn xã Hồng Kim, huyện A Lưới.
Cũng như những người đồng bào khác cư ngụ nơi mảnh đất này, chị Sâm sinh sống bằng nghề làm nương làm rẫy, hết vụ mùa thì đi vác keo tràm thuê. Công việc quanh năm nhọc nhằn, tất bật, chỉ mỗi khi đến dịp lễ hội làng như lễ hội A Riêu Ping, A Riêu A Za… của người đồng bào Pa Kô, chị mới có cơ hội được vui chơi, cất cao giọng hát hòa theo tiếng chiêng trống, tiếng khèn bè hay say xưa cùng điệu múa Ra Zooc rộn ràng bên ánh lửa bập bùng giữa đêm lạnh chốn đại ngàn.
Nhưng từ ngày Làng du lịch cộng đồng A Nôr - Việt Tiến ra đời, cuộc sống của chị Sâm thay đổi nhiều, việc vui chơi ca hát, giải trí không còn là thứ gì đó hiếm hoi, xa xỉ. Giống như chiều nay, sau khi chuẩn bị thức ăn tối cho tôi - vị khách đang lưu trú ở Homestay mà chị Sâm đang làm quản lý, chị vội vã bước ra khỏi nhà, cùng lời dặn: “Lát nữa sang Homestay bên cạnh xem biểu diễn văn nghệ cho vui nhé”. Chị Sâm cười tươi, mắt lấp lánh như ánh sao đêm, làm che mờ những vết đen sạm trên gương mặt dãi dầu nắng gió của người phụ nữ vùng cao.
Chị Sâm nói, được tham gia vào đội dịch vụ phục vụ du lịch cộng đồng ở làng vui lắm, vui nhất là những tối cuối tuần biểu diễn văn nghệ. “Mình ca hát, nhảy múa để phục vụ du khách, nhưng cũng là để phục vụ cho chính mình. Du khách xem để giải trí, còn bản thân mình hát, múa cũng là cách giải trí, đem lại sự sảng khoái, vui vẻ cho bản thân”, chị Sâm chia sẻ. Nên những buổi tối cuối tuần luôn được chị Sâm và các chị em trong đội văn nghệ rất mong chờ.
“Nếu chỉ tham gia hoạt động văn nghệ vào buổi tối, mỗi người sẽ nhận được từ 50.000 - 100.000 đồng/buổi. Nếu phục vụ thêm các dịch vụ khác, như nấu ăn, các hoạt động trải nghiệm khác tại Homestay thì được thêm từ 100.000 - 200.000 đồng/ngày”.
Chị Lê Thị Kim ThoaChủ Homestay Nhuận Thoa
Làng A Nôr có 10 nóc nhà nằm sát mép đường rợp bóng cây xanh (trong tổng số 23 nóc nhà) thì có đến 6 Homestay. Chị Sâm tham gia vào đội dịch vụ của Làng du lịch cộng đồng A Nôr, phục vụ cho cụm 6 Homestay trong khu du lịch. Đội dịch vụ hiện tại có 10 chị em phụ nữ, hoạt động từ năm 2018. Trước đó, các chị em đều được Dự án Trường Sơn Xanh tập huấn về cung cách phục vụ du lịch, từ dọn dẹp phòng ngủ, trải ga giường, đến bày biện thức ăn. Riêng các hoạt động văn nghệ dân vũ, các chị em tự tập luyện cùng nhau.
Mỗi ngày, mọi người vẫn lên nương, rẫy bình thường. Vào dịp cuối tuần, khi khách du lịch đến tham quan và ở lại trong các Homestay, khách muốn tham gia các hoạt động trải nghiệm ở bản làng, đội dịch vụ sẽ hướng dẫn khách trải nghiệm làm bánh A Quát, giã gạo, sàng gạo, xông răng, gội đầu bằng nước lá rừng, văn nghệ lửa trại giao lưu cộng đồng khi đêm xuống, chế biến các món ăn truyền thống cùng nhiều hoạt động khác mang đậm bản sắc văn hóa của người Pa Kô.
Khi nấu ăn cho khách, hướng dẫn khách làm bánh, giã gạo… các chị em đều cảm thấy như đang làm việc nhà mình, nhưng lại có thêm thu nhập, nên ai cũng vui, cũng thích. Chị Hồ Thị Sả (29 tuổi) bộc bạch. Thời gian đầu mới tham gia, các chị em ai cũng ngại khi gặp người lạ. Phụ nữ Pa Kô nói chuyện với nhau bằng tiếng của đồng bào mình, nên khi nói chuyện với khách bằng tiếng phổ thông, ai cũng ngại. “Nhiều lúc muốn giới thiệu với khách thật nhiều nét đẹp văn hóa của dân tộc mình, bụng muốn nói lắm, mà không mở miệng được, sợ nói khách nghe không hiểu. Bây giờ thì quen rồi, nên không còn ngại như trước nữa”, chị Sả nói.
Cùng tham gia làm du lịch cộng đồng, không chỉ giúp đời sống tinh thần chị em phụ nữ được nâng cao, mà còn giúp các chị em có thêm nguồn thu nhập. Chị Lê Thị Kim Thoa (26 tuổi), chủ Homestay Nhuận Thoa cho biết, nếu chỉ tham gia hoạt động văn nghệ vào buổi tối, mỗi người sẽ nhận được từ 50.000 - 100.000 đồng/buổi. Nếu phục vụ thêm các dịch vụ khác, như nấu ăn, các hoạt động trải nghiệm khác tại Homestay thì được thêm từ 100.000 - 200.000 đồng/ngày.
Chị Hồ Thị Chiu năm nay 36 tuổi, có 3 đứa con. Chị Chiu nói, số tiền kiếm được từ công việc tham gia trong đội dịch vụ, hoặc tham gia biểu diễn văn nghệ vào các buổi tối đã giúp chị có thêm tiền để mua sách vở cho con đến trường, sắm cho bọn trẻ những bộ quần áo mới, mua thức ăn ngon cho con.
“Mình đã sắm được tủ lạnh trong nhà và mua được điện thoại mới từ số tiền dành dụm được khi tham gia vào hoạt động du lịch cộng đồng của địa phương. Nhờ vậy mà khi dịch bệnh xảy ra, bọn trẻ có điện thoại để học Online”, chị Hồ Thị Sâm bộc bạch.
Nhờ tham gia làm du lịch đã giúp người phụ nữ Pa Kô suốt ngày quanh quẩn nơi nương rẫy đã biết nuôi ước mơ làm giàu từ nghề dịch vụ. Giấc mơ của chị Sâm là dành dụm đủ tiền để sửa sang lại ngôi nhà làm Homestay. Mắt chị Sâm lấp lánh khi nói về tương lai mà mình đang ấp ủ.