Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Đặt văn hóa vào trọng tâm của sự phát triển bền vững

Khánh Thi - 06:42, 21/12/2022

Diễn ra trong 1 ngày, với 800 đại biểu tham dự trực tiếp, Hội thảo Văn hóa 2022 với chủ đề “Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa” tổ chức ngày 17/12/2022, tại Bắc Ninh, đã ghi nhận nhiều ý kiến đóng góp tâm huyết, thẳng thắn. Trong đó, tham luận của Trưởng đại diện UNESSCO tại Việt Nam đã khuyến nghị nhiều giải pháp hữu ích cho công tác hoạch định, thực hiện chủ trương, chính sách phát triển văn hóa của Việt Nam trong thời gian tới.

Hội thảo Văn hóa 2022 được tổ chức ngày 17/12, tại Bắc Ninh
Hội thảo Văn hóa 2022 được tổ chức ngày 17/12, tại Bắc Ninh

Trước khi diễn ra Hội thảo Văn hóa 2022, trong tháng 9/2022, Bộ Văn Hóa, Thể Thao và Du lịch (VHTT&DL) đã tổ chức Hội thảo báo cáo kết quả thực hiện Dự án triển khai thí điểm bộ Chỉ số Văn hóa 2030 của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO). Được biết, kết quả của dự án này, sẽ được chuyển vào ngân hàng dữ liệu số của UNESCO, nhằm phục vụ việc thiết lập hệ thống dữ liệu toàn cầu về văn hóa.

Tại Hội thảo này, bà Nguyễn Phương Hòa, Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế (Bộ VHTT&DL) khẳng định, trong khi UNESCO coi văn hóa là động lực của sự phát triển bền vững thì Đảng và Nhà nước Việt Nam coi văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực phát triển bền vững đất nước; văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội. 

Tại Việt Nam, Chính phủ đã phát triển hệ thống Mục tiêu phát triển Việt Nam (VDG), nhằm đánh giá những đóng góp của văn hóa, trong việc thực hiện các Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ (MDG).

Cùng với 8 di sản văn hóa vật thể thế giới, hiện Việt Nam đã có 15 di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại được UNSECO công nhận. Điều này cho thấy, di sản văn hóa phong phú và đa dạng của 54 dân tộc trên đất nước ta ngày càng được cộng đồng trong nước và quốc tế quan tâm.

Dẫn lời bà Audrey Azoulay, Tổng Giám đốc UNESCO trong chuyến thăm chính thức Việt Nam vào đầu tháng 9/2022, Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế Nguyễn Phương Hòa cho biết, quan hệ Việt Nam và UNESCO ngày càng phát triển, được coi là sự mẫu mực về hợp tác bởi Việt Nam và UNESCO cùng chung một tầm nhìn và cam kết. Kể từ khi kế thừa vị trí thành viên UNESCO (tháng 7/1976) đến nay, quan hệ hợp tác Việt Nam - UNESCO góp phần không nhỏ cho sự phát triển của Việt Nam; đồng thời Việt Nam luôn là một thành viên tích cực, đầy trách nhiệm.

Những dấu ấn trong quan hệ Việt Nam – UNESCO tiếp tục được ông Christian Manhart, Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam, khẳng định tại Hội thảo Văn hóa 2022, diễn ra ngày 17/12 vừa qua. Ông Christian Manhart đánh giá, Việt Nam là thành viên tích cực và có trách nhiệm của UNESCO, đóng góp vào sự thành công của UNESCO trong các nỗ lực vì hòa bình, hợp tác và phát triển.

“Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam chính là một thành tựu đáng kể của quốc gia trong việc phê chuẩn Công ước của UNESCO về Bảo vệ và phát huy sự đa dạng của các biểu đạt văn hóa - Công ước năm 2005”, ông Christian Manhart nhấn mạnh.

Theo Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam, trong quá trình hợp tác, UNESCO đã hỗ trợ Chính phủ Việt Nam trong việc ghi danh nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể vào các danh mục di sản của UNESCO, đồng thời hỗ trợ về mặt chuyên môn trong nhiều lĩnh vực trọng tâm của UNESCO. UNESCO cam kết phát triển các chính sách công hiệu quả và bền vững hơn; cũng như đảm bảo rằng sức mạnh chuyển đổi của văn hoá trong việc thúc đẩy phát triển bền vững, tiếp tục được duy trì cùng với sự phát triển của các Chỉ số chuyên đề về Văn hóa trong Chương trình nghị sự 2030.

Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam, ông Christian Manhart, phát biểu tại Hội thảo Văn hóa 2022.
Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam, ông Christian Manhart, phát biểu tại Hội thảo Văn hóa 2022

Ghi nhận Việt Nam đã đặt văn hóa vào trọng tâm của sự phát triển bền vững trong nhiều lĩnh vực, nhưng ông Christian Manhart cũng cho rằng, đối với các nước đang phát triển như Việt Nam sẽ đối diện nhiều thách thức. Trong đó, làm thế nào để phát huy tiềm năng văn hóa, thiết kế và thực hiện các chính sách công về văn hóa, để thúc đẩy sự phát triển của ngành văn hóa-sáng tạo, hướng tới các Mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên Hợp Quốc là vấn đề cần giải quyết.

Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam khuyến nghị, Việt Nam cần huy động các đại biểu Quốc hội, các mạng lưới và các đối tác tham gia Công ước UNESCO. Đồng thời, Việt Nam cần tham gia chuyển giao kiến thức, học hỏi kinh nghiệm thực tiễn tốt từ khắp nơi trên thế giới và tham gia đối thoại chính sách trên các nền tảng khác nhau.

Một số giải pháp khác cũng được ông Christian Manhart gợi ý như: Tăng viện trợ cho các cam kết thương mại và giải ngân trong lĩnh vực văn hóa; thúc đẩy các hình thức tài trợ mới cho các ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo trong môi trường kỹ thuật số. 

Đặc biệt, theo Trưởng đại diện UNESSCO tại Việt Nam, có thể xem xét việc khuyến khích hỗ trợ tài chính cho các viện văn hóa được chọn hay cho các ngành công nghiệp văn hóa thông qua việc áp dụng các cơ chế giảm thuế cho các cá nhân, doanh nghiệp tư nhân hay các tổ chức. 

Theo ông Christian Manhart, cách làm này đã được áp dụng ở nhiều quốc gia, và được cho là có tác dụng đáng kể trong việc phát triển văn hóa của quốc gia đó, do mang lại nhiều nguồn đầu tư bổ sung và cần thiết. Ông khẳng định, UNESCO luôn sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam trong quá trình phát triển về văn hóa, đưa văn hóa vào trung tâm chính sách phát triển.

Theo số liệu của Cục Di sản văn hóa (Bộ VHTT&DL), cả nước hiện đã kiểm kê được hơn 40.000 di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh; hơn 10.000 di tích đã được xếp hạng (119 di tích quốc gia đặc biệt, 3.551 di tích quốc gia, 6.340 di tích cấp tỉnh); 64.000 di sản văn hóa phi vật thể, trong đó có 396 di sản văn hóa phi vật thể đã được ghi vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; 7 di sản tư liệu được Chương trình Ký ức thế giới ghi danh (3 di sản tư liệu thế giới, 4 di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương). Bên cạnh đó là gần 8.000 lễ hội được lưu truyền gắn với nhiều phong tục, tập quán, nghệ thuật trình diễn, làng nghề thủ công, văn hóa ẩm thực, trang phục..., trong đó có nhiều phong tục, tập quán của đồng bào DTTS được nghiên cứu, sưu tầm và phục dựng nhằm bảo đảm tính đa dạng, phong phú về sắc thái văn hóa của các vùng, miền trên cả nước.

Tin cùng chuyên mục
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh dự Đại hội Đại biểu các DTTS tỉnh Thái Nguyên lần thứ IV - năm 2024

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh dự Đại hội Đại biểu các DTTS tỉnh Thái Nguyên lần thứ IV - năm 2024

Với chủ đề “Các dân tộc tỉnh Thái Nguyên đoàn kết, đổi mới sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập và phát triển bền vững”, ngày 24/10/2024, tại Tp. Thái Nguyên, Đại hội Đại biểu các DTTS tỉnh Thái Nguyên lần thứ IV - năm 2024 đã được tổ chức long trọng. Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh đến dự và chỉ đạo Đại hội.