Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

“Phải xây dựng yếu tố con người, phát huy tính nêu gương để phát triển văn hoá”

Hồng Phúc – Trần Kiều - 19:11, 24/11/2021

Chiều 24/11, Hội nghị Văn hoá toàn quốc tiếp tục diễn ra tại hội trường Diên Hồng (Nhà Quốc hội) với phần tham luận của các đại biểu. Hội nghị tập trung thảo luận xung quanh việc quán triệt triển khai chiến lược phát triển văn hoá Việt Nam tầm nhìn đến năm 2030.

Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; Uỷ viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng đồng chủ trì Hội nghị.


Phó Thủ tướng Chính Phủ Vũ Đức Đam phát biểu kết tại Hội nghị
Phó Thủ tướng Chính Phủ Vũ Đức Đam phát biểu tại Hội nghị

Liên quan đến việc tổ chức, triển khai thực hiện Chiến lược phát triển văn hoá đến năm 2030, ông Nguyễn Văn Hùng, Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã có bài chia sẻ với nhiều nội dung trọng tâm. Trong đó nêu bật những nội dung cụ thể hoá chiến lược về kinh tế, xã hội, phát triển đất nước gắn liền với phát triển văn hoá.

Theo đó, Chiến lược tập trung vào các nội dung: Tiếp tục cụ thể hoá các quan điểm trong Nghị quyết XIII của Đảng rõ hơn, sâu hơn và phù hợp hơn với tình hình thực tiễn hiện nay; Xây dựng, phát triển văn hoá đậm đà bản sắc dân tộc nhân văn, dân chủ, thống nhất trong đa dạng các cộng đồng, các dân tộc là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân. Trong đó, Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý và Nhân dân là chủ thể sáng tạo, đội ngũ trí thức, những người làm văn hoá nghệ thuật đóng vai trò nòng cốt; Phát triển văn hoá vì sự hoàn thiện nhân cách con người và xây dựng con người để phát triển văn hoá, trọng tâm là chăm lo xây dựng con người có nhân cách, lối sống đẹp; Phát huy mọi nguồn lực để phát triển văn hoá trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc; Chủ động hợp tác, quảng bá các giá trị văn hoá Việt Nam ra thế giới…

Trong khuôn khổ Hội nghị, trên cơ sở chỉ đạo, định hướng, các đại biểu đã thảo luận nhiều nội dung đáng chú ý. Các ý kiến tham luận đều khẳng định, văn hóa là một lĩnh vực trọng yếu của đời sống xã hội; có mối quan hệ chặt chẽ với sự phát triển của các lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội nói riêng, với tổng thể chiến lược phát triển quốc gia nói chung. 

Các đại biểu tại Hội nghị
Các đại biểu tham dự Hội nghị

Cụ thể, nhìn nhận văn hoá ở trong mọi khía cạnh của cuộc sống, GS. TS. Lê Hồng Lý, Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam cho rằng để khơi dậy những động lực và sức mạnh văn hoá, trước hết phải tạo ra được một xã hội có môi trường văn hoá nhân bản, lành mạnh và tiến bộ, mọi thứ trong môi trường đó phải rõ ràng, minh bạch. Ngoài ra, cần có những chính sách, cơ chế phù hợp với lòng người để khơi dậy được triệt để nhất động lực văn hoá của con người trên mọi hoạt động, mọi khía cạnh của cuộc sống. Đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, trong lĩnh vực kinh tế, xã hội, động lực văn hoá và sức mạnh nội sinh của nó có thể đem lại một sức mạnh vô biên và nguồn lực kinh tế to lớn.

GS. TS Lê Hồng Lý, Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam phát biểu tham luận
GS. TS Lê Hồng Lý, Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam phát biểu tham luận

Tham luận tại Hội nghị với nội dung “Để văn hoá, văn nghệ soi đường cho quốc dân đi”, PGS.TS. Nhạc sĩ, Đỗ Hồng Quân, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam cho rằng, cần có sự đổi mới căn bản và toàn diện về cơ chế đầu tư và phát triển các nguồn lực văn hoá, văn nghệ theo hướng: Tăng cường các nguồn lực đầu tư từ Nhà nước về tài chính, cơ sở vật chất và nhất là về cơ chế, nhưng phải xác định đầu tư đúng trọng tâm, trọng điểm thì mới phát huy được hiệu quả tối ưu, tránh được lãng phí; ưu tiên đầu tư để phát triển đội ngũ và tổ chức, ươm tạo và bồi dưỡng nhân tài. Bên cạnh đó cũng dành sự ưu tiên đầu tư phát triển những ngành đào tạo, những môn nghệ thuật không thể thích ứng hoặc khó thích ứng được với cơ chế thị trường, nhưng vô cùng cần thiết với sự phát triển của toàn lĩnh vực, và để bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc, như nghiên cứu phê bình lý luận, những môn nghệ thuật hàn lâm, những loại hình nghệ thuật truyền thống đang cần bảo vệ khẩn cấp…

Bàn về vấn đề xây dựng môi trường văn hóa, ông Lương Đức Thắng- Phó Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở, Bộ VHTTDL cho biết, các phong trào thi đua xây dựng môi trường văn hóa được triển khai rộng khắp trên cả nước, đa dạng về hình thức, phong phú về nội dung. Tuy nhiên bên cạnh những thành tựu đạt được thì công tác xây dựng môi trường văn hóa thời gian qua cũng bộc lộ những bất cập, hạn chế. Đánh giá về thực trạng này, Đảng ta chỉ rõ: “Môi trường văn hoá, xã hội tiếp tục bị ô nhiễm bởi các tệ nạn xã hội, tham nhũng, tiêu cực. Chênh lệch về hưởng thụ văn hóa giữa các vùng, miền còn lớn; đời sống văn hóa ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn.”

Ông đề xuất, để xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, việc quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng, thiết chế văn hóa đầy đủ, đồng bộ có ý nghĩa quan trọng. Các công trình văn hóa, các khu vui chơi giải trí, nhà văn hóa cộng đồng, sân vận động, khu liên hiệp thể thao, thư viện, câu lạc bộ nghệ thuật, công viên, trung tâm sinh hoạt cộng đồng,... Nếu được quan tâm, đầu tư xây dựng một cách đồng bộ, hiện đại ở các xã phường, thị trấn với những hoạt động, phong trào văn hóa, văn nghệ được tổ chức định kỳ, thường xuyên sẽ mang lại những điều kiện thuận lợi để người dân thực hành, sáng tạo và thụ hưởng những sản phẩm văn hóa, từ đó nâng cao năng lực, trình độ nhận thức, tạo đời sống văn hóa tinh thần phong phú cho Nhân dân.

Ngoài ra, một số tham luận của các đại biểu cũng khẳng định, môi trường văn hoá là tổng thể sống động các yếu tố văn hoá vật thể và phi vật thể bao quanh con người trong một không gian, thời gian xác định. Ở đó chứa đựng những giá trị văn hoá. Vì vậy, cần xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, phong phú với những giá trị nhân văn, tiến bộ là nhiệm vụ trọng yếu để phát triển văn hóa dân tộc hiện nay. Việc xây dựng môi trường văn hóa sẽ góp phần tạo ra những con người mới có nhân cách, đạo đức, tri thức, năng lực và bản lĩnh, đồng thời khắc phục và đẩy lùi cái xấu, cái ác ra khỏi đời sống xã hội. Môi trường văn hóa lành mạnh là động lực để thúc đẩy phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, ổn định chính trị và củng cố an ninh quốc phòng. 

PGS.TS. Nhạc sĩ, Đỗ Hồng Quân, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam biểu tham luận
PGS.TS. Nhạc sĩ, Đỗ Hồng Quân, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam phát biểu tham luận

Để khắc phục những hạn chế, phát huy những thành tựu đã đạt được, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, đồng bộ như tinh thần Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đòi hỏi phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự chung tay của các bộ, ngành, địa phương, sự đồng thuận của các tầng lớp Nhân dân.

Phát biểu kết luận Hội nghị, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam nhấn mạnh, văn hoá có rất nhiều nội dung, có nhiều điểm cần phải làm liên tục. Từ Hội nghị Văn hoá lần thứ Nhất cho tới bây giờ và cả sau này, nếu chúng ta tổ chức các hội nghị sẽ tiếp tục nhìn thấy những vấn đề, vẫn phải nhắc lại. Do đó, cần tiếp tục nhận thức về văn hoá. Làm sao thực hiện được chiến lược phát triển văn hoá, khơi dậy được trong toàn Đảng, toàn dân. Đặc biệt tới đây, trong và sau không gian số thì vấn đề hội nhập, tiếp thu văn minh nhân loại mà không mất gốc bản sắc là vô cùng quan trọng. Đồng thời, phải xây dựng yếu tố con người, phát huy tính nêu gương để phát triển văn hoá…

Tin cùng chuyên mục
Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Dù mới được thành lập nhưng các Câu lạc bộ (CLB) “Thủ lĩnh của sự thay đổi” tại huyện Đak Đoa (tỉnh Gia Lai) đã góp phần trang bị cho học sinh nhiều kiến thức, kỹ năng bổ ích để các em nói lên tiếng nói của mình và thay đổi nhận thức của thế hệ trẻ đồng bào DTTS ngay từ trên ghế nhà trường. Đặc biệt, các em còn là những hạt nhân tiên phong thay đổi nhận thức, xóa bỏ định kiến giới, từ đó dần xóa bỏ thói quen, tập tục lạc hậu ở thôn ấp, bản làng để cùng nhau vươn lên phát triển.