Thay đổi cách làm để thoát nghèo
Đak Đoa (Gia Lai) là địa phương có đông đồng bào DTTS sinh sống (chiếm khoảng 55,4% dân số toàn huyện, chủ yếu là dân tộc Ba Na và Gia Rai). Những năm qua, chính quyền các cấp của huyện Đak Đoa vẫn loay hoay với bài toán giải quyết đất sản xuất cho đồng bào DTTS trên địa bàn. Nguyên nhân chính xuất phát từ tình trạng mua bán, chuyển nhượng đất sản xuất trái quy định trong vùng đồng bào DTTS của huyện. Thống kê sơ bộ, toàn huyện vẫn còn 478 hộ DTTS thiếu đất sản xuất, với gần 255ha.
Để giải bài toán việc làm, thu nhập cho lực lượng dân số trong độ tuổi lao động, nhất là lao động người DTTS trong độ tuổi thanh niên, thiếu đất sản xuất, huyện Đak Đoa xác định đào tạo nghề, chuyển đổi nghề là giải pháp then chốt. Bên cạnh ngành nghề truyền thống của đồng bào, huyện Đak Đoa cũng đẩy mạnh đào tạo các nghề mới như: may gia dụng, xây dựng, hướng dẫn viên du lịch và nhiều nghề nông nghiệp, phi nông nghiệp khác.
Từ nguồn vốn của các chương trình phát triển nguồn nhân lực vùng đồng bào DTTS và sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, từ năm 2016 đến nay, trên địa bàn huyện đã có hàng chục nghìn lao động nông thôn đã được hỗ trợ học nghề. Cùng với đó, huyện chú trọng giải quyết việc làm cho lao động sau khi được học nghề để tạo sinh kế bền vững.
Chỉ tính 3 năm gần đây, toàn huyện đã giải quyết việc làm cho 3.630 lao động, chiếm tỷ lệ 5,7% tổng số lao động trong độ tuổi có việc làm thường xuyên. Trong đó có 1.997 lao động trong độ tuổi thanh niên, có 1.258 lao động trong độ tuổi thanh niên là người DTTS.
Lao động được đào tạo nghề, giải quyết việc làm đã góp phần thúc đẩy các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Từ năm 2015 đến nay, trên địa bàn huyện có khoảng 3.000 hộ thoát nghèo, tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 2,5 - 5%/năm, đến nay còn dưới 5%. Cuối năm 2020, thu nhập bình quân của người dân nông thôn toàn huyện đạt 43 triệu đồng/người/năm.
Theo đánh giá của đại diện Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) huyện Đak Đoa, trong công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, cái được lớn nhất là người dân và đồng bào DTTS đã thay đổi nhận thức, nếp nghĩ và cách làm trong các lĩnh vực được đào tạo nghề. Phần lớn lao động qua học nghề đã mạnh dạn phát triển kinh tế gia đình, vươn lên thoát nghèo; nhiều lao động DTTS đã biết áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào các lĩnh vực của đời sống.
Anh Brinh, người dân xã Hnol (huyện Đak Đoa) sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp. Anh mua máy móc, nông cụ để tăng năng suất, nhưng mỗi lần máy móc bị hỏng thì lại phải mang đi sửa. Vì thế, anh quyết định tham gia lớp đào tạo nghề sửa chữa máy nông nghiệp.
“Trước đây, khi chưa học, mình không biết gì về máy móc nên nhiều lúc máy bị hỏng không sửa được, ảnh hưởng đến tiến độ sản xuất. Giờ mình đã biết cách bảo dưỡng, sửa chữa máy nông nghiệp phục vụ sản xuất của gia đình”, anh Brinh chia sẻ.
Phát triển hệ thống giáo dục nghề nghiệp mở
Theo báo cáo kết quả thực hiện Quyết định số 89/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012 - 2020” từ Bộ LĐTB&XH, trong giai đoạn 2010 - 2020, cả nước đã có 10,4 triệu lao động nông thôn được học nghề các cấp trình độ, đạt 94,3% mục tiêu của Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định 1956/QĐ-TTg (11,03 triệu người).
Trong đó, số lao động nông thôn được hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng là 5,8 triệu người, đạt 88,5% kế hoạch (6,558 triệu người) của Đề án trong 11 năm (2010 - 2020). Tỷ lệ lao động nông thôn có việc làm sau học nghề là 81,4%, vượt mục tiêu Đề án đặt ra 1,4%.
Ngoài ra, trong tổng số 2,85 triệu lao động nông thôn được hỗ trợ học nghề, có khoảng 450 nghìn người DTTS (chiếm 15,8%); 200 nghìn người thuộc hộ nghèo (chiếm 7,02%), 60 nghìn người khuyết tật (chiếm 2,11%); còn lại là các đối tượng lao động nông thôn khác.
Đáng chú ý, theo báo cáo của Bộ LĐTB&XH, có trên 100 nghìn hộ nghèo có người tham gia học nghề đã thoát nghèo (chiếm 24,3% tổng số người thuộc hộ nghèo tham gia học nghề); trên 165 nghìn hộ có người tham gia học nghề, có việc làm và thu nhập cao hơn mức bình quân tại địa phương (trở thành hộ khá), chiếm 2,3% tổng số lao động nông thôn tham gia học nghề…
Tuy đạt được những kết quả nhất định, nhưng công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, nhất là lao động DTTS, còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế. Đáng chú ý là, hiệu quả đào tạo nghề cho lao động nông thôn không đồng đều giữa các vùng trong cả nước.
Đơn cử cũng từ báo cáo kết quả thực hiện Quyết định số 89/QĐ-TTg của Bộ LĐTB&XH, các vùng Trung du và miền núi phía Bắc, Tây Nguyên có số lao động nông thôn được hỗ trợ học nghề, và tỷ lệ lao động nông thôn có việc làm sau học nghề thấp hơn các vùng khác. Trong khi đó, kinh phí Trung ương hỗ trợ bình quân cho các vùng này luôn bằng hoặc cao hơn mức hỗ trợ bình quân chung của các vùng khác trong cả nước.
Để khắc phục những hạn chế trên, các địa phương cả nước cần đồng lòng thực hiện đồng bộ các giải pháp, thực hiện có hiệu quả Luật Giáo dục nghề nghiệp. Đồng thời, cần đa dạng hóa các loại hình đào tạo, mở rộng các hình thức đào tạo, đào tạo lại, hướng đến xây dựng hệ thống giáo dục nghề nghiệp mở, linh hoạt, liên thông; Hệ thống chính sách hỗ trợ đào tạo cho các đối tượng, tạo điều kiện thuận lợi cho mọi người có nhu cầu đều có chương trình học, nơi đào tạo và được học nghề tại nhà trường, học tại doanh nghiệp, tại nơi làm việc, vừa làm vừa học, học trực tuyến, học từ xa, học liên tục, học suốt đời gắn với phong trào xây dựng xã hội học tập.
Theo dự thảo Chiến lược công tác dân tộc giai đoạn 2021 – 2030 do Ủy ban Dân tộc xây dựng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực vùng đồng bào DTTS tiếp tục là một nội dung trong mục tiêu tổng quát. Trong đó, mục tiêu cụ thể là phấn đấu tỷ lệ lao động qua đào tạo có chứng chỉ, bằng cấp trên 70%, lao động đến tuổi có việc làm, thu nhập ổn định trên 90%;…