Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Đào tạo nghề cho lao động ở Quảng Ngãi: Hiệu quả thấp

PV - 09:35, 01/03/2018

Dạy nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, miền núi là một trong những chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước nhằm từng bước nâng cao đời sống kinh tế, xóa đói, giảm nghèo. Tuy nhiên, tại Quảng Ngãi, công tác này vẫn còn tồn tại nhiều bất cập nên hiệu quả còn thấp.

Nhiều cơ sở hoạt động nhưng không thể dạy nghề

Theo Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn (Đề án 1956), một trong những điều kiện để được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp trình độ sơ cấp cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp là phải có giáo viên cơ hữu cho từng ngành nghề được tổ chức đào tạo (giáo viên chuyên ngành được ký hợp đồng 3 năm hoặc không xác định thời hạn).

Nhưng hiện nay, hầu hết các Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-Giáo dục thường xuyên (GDNN-GDTX) trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi, nhiều ngành nghề không có giáo viên cơ hữu nên không được cấp phép đào tạo.

Nghề may được nhiều lao động nông thôn miền núi chọn học nhưng các Trung tâm GDNN-GDTX thiếu giáo viên cơ hữu nên không thể mở lớp. (ảnh minh họa) Nghề may được nhiều lao động nông thôn miền núi chọn học nhưng các Trung tâm GDNN-GDTX thiếu giáo viên cơ hữu nên không thể mở lớp (ảnh minh họa).

 

Kết quả rà soát của Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Quảng Ngãi cho thấy, trên địa bàn tỉnh có đến 25 Trung tâm GDNN-GDTX công lập và ngoài công lập có tham gia đào tạo nghề trình độ sơ cấp nhưng thiếu giáo viên cơ hữu cho từng nghề được tổ chức đào tạo.

Thậm chí, có một số Trung tâm GDNN-GDTX còn không thể thực hiện chức năng dạy nghề vì “trắng” giáo viên cơ hữu như ở Tư Nghĩa, Ba Tơ và Minh Long.

Việc thiếu giáo viên cơ hữu làm cho các Trung tâm GDNN-GDTX chưa thể thực hiện hết chức năng, nhiệm vụ của mình. Đơn cử như tại Trung tâm GDNN-GDTX huyện Tư Nghĩa, từ nhiều năm nay chỉ thực hiện được hai nhiệm vụ là dạy văn hóa và hướng nghiệp-dạy nghề cho học sinh.

Ông Lê Hoài Phúc-Giám đốc Trung tâm GDNN-GDTX Tư Nghĩa lý giải: “Về dạy nghề lao động nông thôn thì Trung tâm chưa thể thực hiện vì chưa có giáo viên cơ hữu. Theo quy định của Nghị định 143, phải có giáo viên cơ hữu thì Trung tâm mới được cấp phép và giao chỉ tiêu đào tạo nghề”.

Thực tế cho thấy, tình trạng thiếu giáo viên cơ hữu ở các trung tâm đã dẫn đến nhiều nghịch lý. Trong đó, có những nghề có giáo viên thì người dân không có nhu cầu, còn những nghề có nhu cầu thì lại thiếu giáo viên.

Trung tâm GDNN-GDTX huyện Sơn Hà có biên chế giáo viên chuyên ngành cơ khí, nhưng nhiều học kỳ liền, ngành cơ khí không tuyển được học viên. Vì vậy, giáo viên cơ hữu của ngành này phải chuyển sang làm công tác tuyển sinh và bảo dưỡng thiết bị.

Còn tại Trung tâm GDNN-GDTX huyện Trà Bồng, với 5 giáo viên hữu cơ, chỉ mới được cấp phép đào tạo ở các ngành tin học, điện dân dụng, gò hàn, trồng và khai thác rừng trồng, trồng rau an toàn. Mặc dù, học kỳ nào cũng có học viên có nguyện vọng đăng ký học ngành xây dựng hay ngành thú y, nhưng hiện trung tâm đang thiếu giáo viên cơ hữu ở 2 ngành này nên không được cấp phép đào tạo nghề.

Cần thêm chính sách hỗ trợ

Theo tìm hiểu của chúng tôi, nguyên nhân dẫn đến việc thiếu giáo viên cơ hữu là do nguồn tuyển học viên tại các huyện miền núi không ổn định. Vì thế, các Trung tâm GDNN-GDTX không thể chủ động trong việc hợp đồng giáo viên.

Ngoài ra, chế độ đãi ngộ cho giáo viên vẫn còn thấp nên khó thu hút. Ông Đinh Văn Thành, Giám đốc Trung tâm GDNN-GDTX Sơn Hà chia sẻ: “Việc thiếu giáo viên và thiếu cả học viên nên hiện các hoạt động tại đây đều cầm chừng. Trung tâm có 8 phòng chức năng, 2 nhà xưởng, thiết bị phục vụ cho học nghề mộc, may mặc, xây dựng, cơ khí... đang để lãng phí”.

Mặt khác, nhận thức của lao động ở khu vực miền núi còn hạn chế. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp trong tỉnh đang “khát” lao động, trong khi lực lượng lao động, nhất là lao động ở miền núi dôi dư rất nhiều, nhưng họ lại không muốn học các nghề công nghiệp để chuyển đổi nghề.

Một khó khăn nữa là, tỷ lệ lao động thuộc đối tượng hộ nghèo tham gia học nghề chiếm số lượng lớn, song lực lượng này sau khi được đào tạo gặp khó khăn về vốn và điều kiện cần thiết để mở rộng sản xuất.

Hiện vẫn chưa có cơ chế hỗ trợ vốn cho lao động nông thôn sau khi học nghề, để phát triển sản xuất, hành nghề đã được học. Bên cạnh đó, đầu ra cho các sản phẩm nông nghiệp còn bấp bênh, thị trường tiêu thụ sản phẩm chưa ổn định, trong khi người dân học nghề nông nghiệp lại không có kỹ năng kinh doanh, nên chưa biết đưa sản phẩm của mình ra thị trường để tiêu thụ...

Để thúc đẩy công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, miền núi giai đoạn 2017-2020, tỉnh đã đề nghị Trung ương có kế hoạch phân bổ vốn hằng năm sớm hơn và tăng thêm vốn; hỗ trợ kinh phí xây dựng các mô hình, cần có thêm các chính sách hỗ trợ, phụ cấp thêm cho học viên, cán bộ, giảng viên làm công tác đào tạo nghề ở vùng khó khăn...

PHƯƠNG LÊ

Tin cùng chuyên mục
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Sáng 9/11, tại Tp. Pleiku, tỉnh Gia Lai, Ủy ban Dân tộc phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719) khu vực miền Trung - Tây Nguyên và đề xuất nội dung Chương trình MTQG 1719 giai đoạn II từ năm 2026 - 2030.