Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Đào tạo đội ngũ kế thừa Đờn ca tài tử: Mưa dầm sẽ thấm lâu

PV - 12:10, 13/05/2022

Liên hoan Đờn ca tài tử quốc gia lần thứ III năm 2022 đã khép lại trong tháng vừa qua, nhưng dư âm đẹp về một kỳ Festival đặc biệt sau thời gian 5 năm dài chờ đợi vẫn còn đọng lại trong lòng những nghệ nhân, nghệ sĩ cũng như khán giả mộ điệu.

Đội hình tài tử đờn, tài tử ca của Trung tâm Văn hóa TP.HCM biểu diễn tại Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ I vừa qua
Đội hình tài tử đờn, tài tử ca của Trung tâm Văn hóa TP.HCM biểu diễn tại Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ I vừa qua

Giới nghề và những người yêu mến ờn ca tài tử đã có thể tin tưởng vào sức sống mạnh mẽ của loại hình nghệ thuật này, khi chứng kiến sự tiếp nối của đội ngũ thế hệ trẻ qua Liên hoan lần này. Các em chính là nhịp cầu nối liền bộ môn nghệ thuật truyền thống đến với mai sau.

Ba thế hệ cùng biểu diễn trong một không gian

Trong vai trò đồng Trưởng ban giám khảo Hội thi Nghệ thuật Đờn ca tài tử tại Liên hoan, NSƯT Huỳnh Khải, nguyên Trưởng khoa Âm nhạc truyền thống Nhạc viện TP.HCM bày tỏ: “Sau Liên hoan Đờn ca tài tử quốc gia tổ chức ở Cần Thơ cũng như một số cuộc liên hoan cấp tỉnh ở Đồng Nai, Bình Dương và các tỉnh miền Tây Nam Bộ, đặc biệt là Trung tâm Văn hóa TP.HCM thường xuyên tổ chức các buổi biểu diễn Đờn ca tài tử để phục vụ cộng đồng, chúng ta thấy loại hình nghệ thuật này đang trỗi dậy ngày càng mạnh mẽ và được công chúng yêu mến, ủng hộ”.

Những năm qua, đặc biệt kể từ khi UNESCO ghi danh Đờn ca tài tử là di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại, nhiều tỉnh thành đã có những đề án bảo tồn và phát huy môn nghệ thuật độc đáo này. Qua những cuộc liên hoan, lực lượng tham gia biểu diễn không chỉ là những nghệ nhân trung niên, thanh niên, mà còn có cả các em tuổi đời còn rất trẻ. Khán giả không khỏi ngạc nhiên khi chứng kiến bé Như Ý mới 9 tuổi của đoàn Cần Thơ tham gia tiết mục ca ra bộ Anh Hai tài tử cùng NNƯT Trường Út và NNƯT Ái Hằng; hay các em Diễm My 13 tuổi đoàn Tây Ninh; Lâm Gia Hưng 14 tuổi đoàn Đồng Tháp; Thúy Nga 15 tuổi đoàn TP.HCM… “Đặc biệt, ở tỉnh Bình Phước có một nhóm các em dưới 16 tuổi mà đã tổ chức được một ban đờn. Dù chưa được trau chuốt lắm, nhưng các em đã đờn nhịp nhàng và hơi điệu rất chắc… Có thể khẳng định lực lượng trẻ kế thừa tại Liên hoan đã mang lại sức sống mới cho Đờn ca tài tử. Điều đó cho thấy những đề án góp phần bảo tồn, phát huy, truyền nghề Đờn ca tài tử trong thế hệ trẻ ở các địa phương đang từng bước gặt hái thành công”, NSƯT Huỳnh Khải nhận định.

Không chỉ trong hội thi, tại Không gian Đờn ca tài tử cũng rất sôi động khi đoàn nào cũng có một vài em nhỏ để tham gia. Trung tâm Văn hóa TP.HCM đã tổ chức nhiều buổi biểu diễn ở Không gian Đờn ca tài tử. Tại đây có cả 3 thế hệ cùng biểu diễn, từ những nghệ nhân lão làng cho đến những bạn thanh niên và cả các em dưới 16 tuổi, thu hút đông khán giả đến xem, biểu diễn giao lưu từ tối đến khuya. Không chỉ biểu diễn những bài ca xưa, các em còn học rất nhanh những bài ca hiện đại trong phong trào xây dựng nông thôn mới, xây dựng văn hóa, ca ngợi những gương anh hùng…

NNƯT Đặng Hoàng Linh, Chi hội trưởng Chi hội Sân khấu Việt Nam tỉnh An Giang cùng chung nhận định: “Qua 3 kỳ Liên hoan Đờn ca tài tử quốc gia, tôi thấy lần này có một tiến bộ là BTC đã có khuyến khích các đoàn đưa những em nhỏ vào, đó là lực lượng kế thừa cho Đờn ca tài tử mai sau, bởi đến nay, những tài tử đờn, tài tử ca của loại hình nghệ thuật này đã cao tuổi, nếu như không có lực lượng kế thừa thì sẽ có nguy cơ mai một… Về phía đoàn An Giang, khi tham gia Liên hoan vừa rồi, chúng tôi cũng đã đưa ra đội hình trẻ để tạo sự sinh động, tươi mới hơn”.

Từ dạy ở trường lớp đến truyền nghề tại gia

Thời gian qua, việc truyền dạy Đờn ca tài tử tuy không rầm rộ nhưng vẫn duy trì thường xuyên tại các trung tâm, đội, nhóm, câu lạc bộ, gia đình và trong cơ sở đào tạo chuyên nghiệp, khuyến khích mọi tầng lớp người dân tham gia. Từ đó, phong trào Đờn ca tài tử tại các địa phương diễn ra vô cùng sôi động. “Bản thân tôi và vợ là NNƯT Phương Hồng Thắm luôn trăn trở về việc đào tạo lớp trẻ kế thừa. Hằng tuần, chúng tôi mở lớp truyền dạy cho các em, các cháu miễn phí. Tại An Giang, một số trường học còn quy định trong các liên hoan hoặc sự kiện văn nghệ ở trường, phải có những tiết mục ca vọng cổ hoặc là Đờn ca tài tử, vì thế mà các em thường xuyên đến lớp học để rèn luyện, dần dần trở thành thói quen và sự yêu thích đối với bộ môn này”, NNƯT Đặng Hoàng Linh chia sẻ.

Theo NSƯT Huỳnh Khải, tại TP.HCM cũng có một số em đến với Nhạc viện TP.HCM để học từ hồi lớp 5, lớp 6 (khoảng 11-12 tuổi), đến giờ đã có những em học tới năm 3, năm 4 hệ trung cấp 4 năm hoặc học được năm thứ 5, thứ 6 của hệ trung cấp 6 năm mà tuổi còn rất trẻ, chỉ 16-17 tuổi. Nhờ học hành bài bản nên các em đờn rất vững, ca rất tốt, thuộc bài rất nhanh.

Nhiều chuyên gia cho rằng, để góp phần lan tỏa loại hình này, cần có thêm những kênh truyền thông, những chương trình chiếu mạng, ghi lại các tiết mục biểu diễn và công chiếu thường xuyên trên các nền tảng, để mọi người có thể xem bất cứ lúc nào, thậm chí là tự học với nhau. NNƯT Đặng Hoàng Linh cho biết, đã bàn với Trung tâm Văn hóa nghệ thuật tỉnh mở các lớp tập huấn cho các em nhỏ trong dịp hè, thậm chí đưa vào học đường để giới thiệu, quảng bá. “Việc dạy Đờn ca tài tử cho các em nhỏ cần “mưa dầm thấm lâu”, giới thiệu từng bước từ dễ đến khó, chẳng hạn nói về nguồn gốc xuất xứ, đến hướng dẫn các em hát các bài lý nhỏ, dần dần mới vô 20 bài bản tổ, thì các em mới dễ tiếp thu”, ông Linh chia sẻ.

Theo các nhà nghiên cứu, sức sống của Đờn ca tài tử luôn mãnh liệt khi môi trường thực hành ngày càng mở rộng, phần nào thỏa mãn được niềm đam mê của giới mộ điệu. Tuy nhiên, sẽ còn rất nhiều việc cần làm để bảo tồn loại hình nghệ thuật này khi môi trường thực hành Đờn ca tài tử ngày càng kém hấp dẫn, cùng với đó là sự thưa dần các tài tử có nghề. Do đó câu chuyện đào tạo và truyền nghề rất cần được quan tâm, đầu tư nhiều hơn nữa. 

Tin cùng chuyên mục
Quảng Nam: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong vùng đồng bào DTTS

Quảng Nam: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong vùng đồng bào DTTS

Xác định tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nâng cao giáo dục pháp luật cho người dân, nhất là vùng đồng bào DTTS và miền núi có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, Quảng Nam đã tích cực triển khai và bước đầu đạt được những kết quả đáng khích lệ.