Phát biểu tại phiên họp, đại biểu Trần Thị Thu Phước (Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum) đánh giá cao những kết quả đã đạt được trong báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra. Quan tâm đến những vấn đề văn hóa, đại biểu chỉ ra rằng để đánh thức được tiềm năng phát triển của các địa phương, nhất là các địa phương có điều kiện kinh tế, xã hội còn nhiều khó khăn thì con đường đúng đắn nhất là phải có sự đầu tư, phát triển mạnh mẽ về văn hóa, du lịch.
Đại biểu cho biết, nhiều địa phương, trong đó có Tây Nguyên, tuy có những khó khăn về điều kiện đường sá, sinh hoạt, sản xuất của người dân nhưng bù lại những nơi này có những cảnh quan tươi đẹp, di tích lịch sử rất nhiều, nhiều nét văn hóa đa dạng. Những điều kiện này nếu được quan tâm đầu tư, khai thác không chỉ góp phần thu hút khách du lịch đến tham quan, nghỉ dưỡng, phát triển kinh tế, xã hội, mà còn là con đường tất yếu để bảo tồn các di tích lịch sử, danh lam, thắng cảnh.
Đại biểu đề nghị cần quan tâm bố trí đúng, đủ nguồn lực cho Chương trình mục tiêu quốc gia về chấn hưng phát triển văn hóa xây dựng con người Việt Nam giai đoạn 2026 - 2030 tầm nhìn 2045. Các địa phương miền núi, vùng đồng bào DTTS rất cần sự quan tâm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước; sự quan tâm hỗ trợ, phối hợp của các bộ, ngành liên quan, nhất là các địa phương còn nhiều khó khăn, ít kinh nghiệm trong phát triển kinh tế - xã hội, kết hợp với văn hóa và du lịch.
Có cơ chế khuyến khích người đứng đầu các địa phương dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; chủ động nỗ lực hết mình để có chính sách, cách làm phù hợp, đột phá, giúp địa phương mình phát triển đi lên cùng đất nước. Quyết tâm cải thiện, đưa người dân, nhất là đồng bào DTTS của địa phương mình vươn lên thoát nghèo bền vững.
Đồng quan điểm còn có những khó khăn trong bức tranh toàn cảnh về văn hóa ở vùng nông thôn hiện nay, đại biểu Nguyễn Văn Huy (Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình) cho rằng đâu đó vẫn còn những biểu hiện “lệch chuẩn” văn hóa. Tình trạng coi nhẹ văn hóa, đặt văn hóa thấp hơn kinh tế. Hệ quả là trong khi đạt nhiều mục tiêu tăng trưởng kinh tế, đời sống vượt trội so với trước đây nhưng ở một số nơi, trong một số trường hợp, đạo đức, văn hóa xã hội lại có biểu hiện xuống cấp, chủ nghĩa cá nhân có cơ hội phát triển. Lối sống thực dụng cực đoan như một thứ dịch bệnh có nguy cơ lan rộng trong xã hội, nhất là lớp trẻ.
Chỉ rõ những biến đổi của văn hóa nông thôn về sự thay đổi diện mạo không gian, cảnh quan làng xã, nhiều không gian thuộc về di sản, di tích lịch sử văn hóa, không gian sinh hoạt cộng đồng bị thu hẹp; những luồng tư tưởng xấu độc đã và đang tác động, chi phối đến lối sống của người dân khu vực nông thôn… đại biểu Nguyễn Văn Huy cho rằng những hình ảnh ấy khiến cho bức tranh làng quê giảm đi phần tươi sáng.
Để góp phần tiếp tục thúc đẩy quá trình xây dựng nông thôn mới nói chung, hoàn thiện các tiêu chí về văn hóa trong xây dựng nông thôn mới nói riêng; cụ thể hóa quan điểm: Xây dựng nông thôn có “đời sống văn hóa lành mạnh, phong phú, đậm đà bản sắc dân tộc”, đại biểu Nguyễn Văn Huy kiến nghị Quốc hội giao cơ quan chức năng tập trung nghiên cứu, tham mưu, đề xuất sửa đổi, bổ sung, xây dựng các dự án luật trực tiếp liên quan đến văn hóa cũng như các dự án luật chuyên ngành khác có liên quan.
Đối với phát triển văn hóa, đại biểu Nguyễn Văn Huy cho rằng những khó khăn về nguồn lực đầu tư đã ảnh hưởng lớn đến sự nghiệp phát triển văn hóa; nhiều di sản, di tích văn hóa - lịch sử bị mai một, xuống cấp, hư hỏng nghiêm trọng. Đại biểu kiến nghị Chính phủ quan tâm chỉ đạo, hướng dẫn rà soát để quy định cụ thể hơn nữa; chuẩn hóa rõ hơn về nông thôn mới, nhất là các tiêu chí liên quan đến văn hóa theo hướng hài hòa giữa những yêu cầu của thực tế đời sống với bảo tồn những nét đẹp văn hóa truyền thống.