Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Đánh thức tiềm năng đất đai để làm giàu

N.Tâm - 15:01, 17/12/2019

Với sự cần cù không biết mệt mỏi, ông Ngô Thọ Hòa, sinh năm 1963, ngụ ở ấp Vĩnh Lợi, xã Vĩnh Điều, huyện Giang Thành (Kiên Giang) đã “biến” hàng chục ha đất khô cằn thành đất sản xuất màu mỡ. Đặc biệt, khi kinh tế gia đình đã ổn định, ông Hòa đã tự nguyện đóng góp kinh phí để làm cầu, đường và các phong trào phát động nơi quê nhà; chia sẻ kinh nghiệm và hỗ trợ sản xuất cho bà con trong vùng...

Ông Ngô Thọ Hòa làm giàu từ cây lúa.
Ông Ngô Thọ Hòa làm giàu từ cây lúa

Sinh ra và lớn lên ở vùng quê của tỉnh Thanh Hóa, năm 1980, ông Hòa vào xã biên giới Vĩnh Điều lập nghiệp, làm thuê cho Nông trường Vĩnh Điều A. Lúc bấy giờ, vùng đất này còn nhiễm phèn nặng, nên Nông trường chỉ làm được lúa 1 vụ và trồng điều nhưng năng suất rất thấp. Năm 1991, Nông trường giải thể, ông Hòa được Nông trường chia lại 4ha điều.

Có đất trong tay, ông Hòa đã dành thời gian tìm hiểu kinh nghiệm ở nhiều mô hình kinh tế; nghiên cứu quy luật thời tiết rồi quyết định thay đổi mùa vụ cây trồng theo thời gian khác nhau để tránh gặp nắng hạn và nhiễm mặn, nhiễm phèn; lựa chọn giống lúa mới cho năng suất, chất lượng cao được thị trường ưa dùng, thay cho giống lúa truyền thống của địa phương vào sản xuất lúa 2 vụ. Từ cần cù chịu khó học hỏi để áp dụng vào sản xuất, vụ trồng lúa nào ông Hòa cũng thành công.

Từ diện tích lúa ban đầu, qua quá trình lao động tích lũy, hiện nay ông Hòa có 25ha trồng lúa, 10ha trồng lúa nếp, 5ha trồng lúa Nhật. Ngoài 25ha đất sản xuất lúa, ông Hòa còn có 25ha đất lúa khác, dành cho bà con trong xã không có đất sản xuất đến thuê trồng lúa với giá thấp.

Để giúp lao động trong xã có việc làm, ông Hòa thành lập Tổ sản xuất, thu hoạch lúa thuê (người dân địa phương thường gọi “Tổ làm thuê”), rồi vận động bà con tham gia để có việc làm. Bên cạnh đó, ông còn tích cực đóng góp cho địa phương kinh phí để làm cầu, đường và các phong trào an sinh xã hội khác.

Anh Huỳnh Văn Thuận, là người được ông Hòa mời vào Tổ làm thuê cho biết gia đình anh từng là hộ nghèo, không có đất sản xuất, không có việc làm. Anh may mắn được ông Hòa cho thuê đất (với giá thấp) để trồng lúa, đồng thời tham gia Tổ làm thuê để có thêm thu nhập. “Tùy vào công việc và theo thời vụ, thu nhập bình quân của các tổ viên khoảng 6 triệu đồng mỗi tháng. Nhờ Tổ làm thuê của ông Hòa mà hàng chục gia đình chúng tôi có thu nhập ổn định”, anh Thuận cho biết.

Theo ông Hòa tính toán, thu nhập từ lĩnh vực kinh doanh dịch vụ của Tổ sản xuất, thu hoạch lúa khoảng 1,5 tỷ đồng/năm, trong đó lợi nhuận khoảng 500 triệu đồng. Ngoài ra, ông còn có 3ha trồng chanh (1.000 cây), dừa và bạch đàn. Số cây trồng này cho doanh thu gần 300 triệu đồng/năm, sau khi trừ chi phí còn hơn 100 triệu đồng. Còn 2 ao nuôi cá tra, cá điêu hồng và mè dinh (tổng diện tích mặt nước khoảng 5.000m2), thu lợi nhuận hàng chục triệu đồng/năm.

Ông Trần Thanh Lâm, Phó Bí thư, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Điều cho biết: “Vĩnh Điều là xã biên giới còn nhiều khó khăn, thuộc diện đầu tư Chương trình 135 của Chính phủ, tỷ lệ hộ nghèo còn cao. Trong xã có nhiều tấm gương đáng trân trọng, biết tự lực vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng. Điển hình là ông Ngô Thọ Hòa. Thời gian qua, ông Hòa đã giúp hơn 30 thành viên trong tổ sản xuất có cuộc sống ổn định”.

Trong xã có nhiều tấm gương đáng trân trọng, biết tự lực vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng. Điển hình là ông Ngô Thọ Hòa. Thời gian qua, ông Hòa đã giúp hơn 30 thành viên trong tổ sản xuất có cuộc sống ổn định”.

Ông Trần Thanh Lâm, Phó Bí thư, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Điều.


Tin cùng chuyên mục
Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Dù mới được thành lập nhưng các Câu lạc bộ (CLB) “Thủ lĩnh của sự thay đổi” tại huyện Đak Đoa (tỉnh Gia Lai) đã góp phần trang bị cho học sinh nhiều kiến thức, kỹ năng bổ ích để các em nói lên tiếng nói của mình và thay đổi nhận thức của thế hệ trẻ đồng bào DTTS ngay từ trên ghế nhà trường. Đặc biệt, các em còn là những hạt nhân tiên phong thay đổi nhận thức, xóa bỏ định kiến giới, từ đó dần xóa bỏ thói quen, tập tục lạc hậu ở thôn ấp, bản làng để cùng nhau vươn lên phát triển.