Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Đánh thức tiềm năng công viên địa chất

Hồng Minh - 11:36, 12/04/2022

Là quốc gia có địa hình đồi núi chiếm diện tích lớn, vì thế Việt Nam có mạng lưới Công viên địa chất (CVĐC) phong phú, mang lại nhiều giá trị. Trong đó, UNESCO đã vinh danh 3 CVĐC toàn cầu. Vấn đề đặt ra hiện nay, làm sao để khai thác 'kho báu", để phát huy được hết giá trị từ các CVĐC mang lại?

Làng Văn hóa du lịch Lũng Cẩm thuộc xã Sủng Là, huyện Đồng Văn- một điểm du lịch trong vùng CVĐC toàn cầu Hà Giang
Làng Văn hóa du lịch Lũng Cẩm thuộc xã Sủng Là, huyện Đồng Văn- một điểm du lịch trong vùng CVĐC toàn cầu Hà Giang

Lợi ích từ nguồn tài nguyên phong phú 

Những năm gần đây, việc bảo tồn và phát huy giá trị các di sản địa chất đã trở thành một xu hướng mới của thế giới về bảo tồn thiên nhiên. Theo đánh giá của các chuyên gia, Việt Nam có nhiều tiềm năng về CVĐC. Đây là nơi giao nhau của hai đới kiến tạo lớn nên có tầng địa chất độc đáo.

Thực tế cho thấy, danh hiệu CVĐC toàn cầu, mang lại nhiều lợi ích cho cộng đồng địa phương. Đó là sự kích cầu du lịch thông qua hoạt động du lịch bền vững. Điển hình như CVĐC toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn, sau khi thành lập và được UNESCO công nhận, cũng đã được đầu tư, theo đó ngành du lịch địa phương đã có những bước tiến mới, góp phần tích cực vào phát triển kinh tế- xã hội của Hà Giang.

Cuối năm 2019, tỉnh Hà Giang đã khánh thành công trình bơm nước không điện, công suất bơm 1.600 m3 nước/ngày đêm từ thủy điện Séo Hồ bơm lên đỉnh núi Ma Ú, cung cấp nước sinh hoạt cho hàng nghìn hộ dân ở thị trấn Ðồng Văn và các xã lân cận.

Tất cả các xã, thị trấn trên cao nguyên đá đều có đường nhựa đến trung tâm, 100% số thôn, xã biên giới đã có điện lưới quốc gia. Hàng trăm dự án nhà hàng, khách sạn, khu du lịch được đầu tư trên bốn huyện vùng CVĐC, đáp ứng được nhu cầu phát triển và làm đổi thay cuộc sống của người dân.

Bên cạnh đó, các giá trị văn hóa của cộng đồng các dân tộc được quan tâm gìn giữ và phát huy. Ðến nay, Hà Giang đã xây dựng 35 làng văn hóa du lịch cộng đồng, trong đó có Làng văn hóa du lịch cộng đồng thôn Nặm Ðăn, xã Quản Bạ (huyện Quản Bạ) xây dựng theo tiêu chuẩn ASEAN; Làng văn hóa du lịch thôn Pả Vi Hạ, xã Pả Vi (huyện Mèo Vạc) xây dựng theo mô hình kiểu mẫu.

Theo thông tin từ Sở Văn Hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Giang, năm 2021, dù bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, Hà Giang vẫn đón hơn 908 nghìn lượt khách, tổng doanh thu từ khách du lịch hơn 1.630 tỷ đồng. Bên cạnh đó, các giá trị văn hóa của cộng đồng các dân tộc trên vùng CVĐC toàn cầu được các địa phương quan tâm gìn giữ và phát huy.

Hay tại tỉnh Cao Bằng, bức tranh du lịch đã có sự thay đổi khởi sắc, sau khi tổ chức UNESCO trao tặng danh hiệu CVĐC toàn cầu Cao Bằng vào năm 2018. Nếu năm 2016, Cao Bằng chỉ đón 650 nghìn lượt du khách, thì năm 2018, lượng du khách đạt 1,2 triệu lượt, năm 2019 hơn 1,5 triệu lượt người. Hiện tỉnh Cao Bằng đang chuẩn bị khai thác thêm hai tuyến du lịch mới, trong đó có tuyến kết nối hai CVĐC toàn cầu ở Cao Bằng và Hà Giang.

Tuy nhiên, không phải cứ vinh danh CVĐC toàn cầu là thuận lợi, như ở Đắk Nông, thời điểm được công nhận danh hiệu CVĐC toàn cầu UNESCO năm 2020, thì lại đúng vào dịch Covid-19 đang hoành hành trên khắp thế giới. Song tỉnh Đắk Nông đang tận dụng thời gian này chuẩn bị những điều kiện để phát triển gắn với CVĐC toàn cầu UNESCO Đắk Nông, đón đầu sự trở lại của ngành Du lịch.

Nghệ thuật diễn tấu đàn đá trong vùng Công viên địa chất Toàn cầu Đắk Nông (Ảnh tư liệu)
Nghệ thuật diễn tấu đàn đá trong vùng Công viên địa chất Toàn cầu Đắk Nông (Ảnh tư liệu)

Nhiều lợi ích còn bỏ ngỏ

Tại tỉnh Đắk Nông, từ khi được UNESCO công nhận CVĐC toàn cầu, các địa phương trong vùng đã nỗ lực triển khai các nhiệm vụ được giao, nhưng thực tế còn nhiều khó khăn, thách thức. Ví dụ như, một số khu vực có giá trị về địa chất, địa mạo được đề xuất kêu gọi đầu tư du lịch, đều nằm trong diện khai thác khoáng sản, đất đang cho doanh nghiệp sử dụng. Việc đo đạc, xác định mốc ranh giới thửa đất, kiểm kê đất đai và tài sản trên đất theo quy định của công trình, đều vướng vào đất sản xuất của dân…

Hay tại tỉnh Hà Giang, do thiếu đất canh tác, thiếu nước, tập quán canh tác còn lạc hậu, nên sản xuất nông nghiệp ở vùng CVĐC còn khó khăn. Ngoài ra, tại đây đã từng xảy ra tình trạng xâm hại di sản. Đó là chuyện năm 2019, khi công trình tổ hợp nhà hàng, nhà nghỉ, quán cafe Panorama xây dựng trái phép trên đèo Mã Pì Lèng tại huyện Mèo Vạc.

Được biết, để tiếp tục phát huy giá trị từ CVĐC Cao nguyên đá Hà Giang, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Giang xác định, một trong những nhiệm vụ trong giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030, là huy động các nguồn lực đầu tư phát triển cao nguyên đá Ðồng Văn thành khu du lịch quốc gia. Bên cạnh đó, để nâng cao đời sống của Nhân dân, Hà Giang sẽ cơ cấu lại các ngành kinh tế trong vùng CVĐC, chú trọng phát triển kinh tế nông nghiệp và du lịch.

Thác Bản Giốc - điểm nhấn trong khu vùng CVĐC toàn cầu Non nước Cao Bằng (Ảnh tư liệu)
Thác Bản Giốc - điểm nhấn trong vùng CVĐC toàn cầu Non nước Cao Bằng (Ảnh tư liệu)

Cùng với Hà Giang, Hội đồng nhân dân tỉnh Cao Bằng đã thông qua nghị quyết về hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng địa phương, trong đó quy định 8 chính sách cụ thể hỗ trợ, khuyến khích người dân bảo tồn các giá trị truyền thống, bảo đảm vệ sinh môi trường, phát triển du lịch.

Ông Trịnh Hải Sơn, Viện trưởng Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản cho rằng, để nâng cao hiệu quả hoạt động của các CVĐC, chúng ta cần đẩy mạnh các hoạt động phối hợp, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong nước và quốc tế trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị các danh hiệu của UNESCO nói chung và danh hiệu Công viên địa chất toàn cầu UNESCO nói riêng.

Việc xây dựng và phát triển bền vững CVĐC theo định hướng của UNESCO, không chỉ góp phần phát triển du lịch, bảo tồn các giá trị di sản của địa phương mà còn góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế của các địa phương trong vùng CVĐC. Do vậy, cần rà soát, điều chỉnh, thống nhất những cơ chế, chính sách, giải pháp, tạo sự đột phá trong việc bảo tồn, khai thác giá trị CVĐC, CVĐC toàn cầu nhằm thúc đẩy sự phát triển của địa phương, đất nước.

Tin cùng chuyên mục
Quảng Nam: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong vùng đồng bào DTTS

Quảng Nam: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong vùng đồng bào DTTS

Xác định tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nâng cao giáo dục pháp luật cho người dân, nhất là vùng đồng bào DTTS và miền núi có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, Quảng Nam đã tích cực triển khai và bước đầu đạt được những kết quả đáng khích lệ.