Được biết, trong nhiệm kỳ 2015 - 2020, huyện Văn Quan đã thực hiện tốt các mục tiêu, chỉ tiêu đặt ra trong phát triển KT-XH và đã đạt được những kết quả quan trọng. Ông có thể chia sẻ về điều này?
Là huyện nghèo 30a, xuất phát điểm kinh tế thấp, nhưng được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh cùng các cơ chế chính sách phát triển miền núi, vùng đặc biệt khó khăn (ĐBKK), nên KT-XH của huyện được ổn định và có bước tăng trưởng khá. Trong nhiệm kỳ qua, nhiều công trình được đầu tư xây dựng, tỷ lệ cứng hóa giao thông đến trung tâm xã đạt 96%; tỷ lệ dân cư được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 97%, tổng thu ngân sách hằng năm đạt và vượt chỉ tiêu, tổng thu nội địa cả giai đoạn đạt 132,6 tỷ đồng, tăng gấp 3,12 lần. Tốc độ tăng trưởng trên địa bàn bình quân hằng năm đạt hơn 11%.
Đến nay, bộ mặt nông thôn ở các xã ngày càng được đổi mới, toàn huyện đã có 5 xã hoàn thành Chương trình xây dựng Nông thôn mới (NTM). Tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn còn 16,83%, giảm 21,92% so với đầu nhiệm kỳ. Thu nhập bình quân đầu người tính đến đầu năm 2020 đạt 32,5%/năm, tăng gấp đôi so với năm 2015.
Để đạt được những thành tựu quan trọng đó, xin ông cho biết vai trò của Đảng bộ, cũng như việc phát huy vai trò người đứng đầu cấp ủy đảng trong việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các mục tiêu phát triển KT-XH của địa phương?
Trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, Đảng bộ huyện luôn xác định được nhiệm vụ trọng tâm phù hợp trong từng thời điểm, ban hành nhiều kết luận, nghị quyết chuyên đề để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo; tăng cường bám sát cơ sở để kịp thời tháo gỡ những vướng mắc, vấn đề phát sinh tại cơ sở; đề cao trách nhiệm đối với người đứng đầu cấp ủy đảng, chính quyền địa phương; chỉ đạo lồng ghép các nguồn vốn đầu tư cơ sở hạ tầng; triển khai nhân rộng các mô hình sản xuất, chỉ đạo phát triển các sản phẩm chủ lực của địa phương...
Như trong phát triển kinh tế từ rừng hồi, Đảng bộ huyện đã chỉ đạo các ngành, các cấp quan tâm hỗ trợ người dân và doanh nghiệp phát triển mở rộng các sản phẩm từ hồi; đẩy mạnh công tác quảng bá, xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu, mở rộng và ổn định thị trường giúp người trồng hồi yên tâm sản xuất, tăng thu nhập.
Trong nhiệm kỳ 2020 - 2025, Đảng bộ huyện đã đề ra những mục tiêu cụ thể để tiếp tục đưa huyện phát triển nhanh và bền vững. Vậy đâu là khâu đột phá chiến lược trong phát triển KT-XH của huyện nhiệm kỳ tới, thưa ông?
Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXIII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra những chỉ tiêu chủ yếu, như: Tốc độ tăng trưởng tổng giá trị sản xuất đạt 9,5 - 10%; thu nhập bình quân đầu người đến năm 2025 đạt trên 60 triệu đồng, có 13 xã đạt chuẩn NTM; 100% đường giao thông đến trung tâm xã được bê tông; 100% các thôn bản được sử dụng điện lưới quốc gia; 25 trường học đạt chuẩn quốc gia; 60% thôn có nhà văn hóa đạt chuẩn; 100% đạt Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã; trồng rừng mới hằng năm đạt 750ha; 100% người dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh...
Để hoàn thành những chỉ tiêu này, huyện sẽ tập trung 3 khâu đột phá chiến lược là: Tập trung thu hút, đào tạo nguồn nhân lực, coi con người là yếu tố then chốt quyết định sự phát triển; tập trung phát triển sản xuất hàng hóa nông, lâm nghiệp gắn với sản phẩm chủ lực theo chuỗi giá trị; tập trung phát triển và thu hút đầu tư du lịch và thương mại, phát huy các giá trị bản sắc văn hóa truyền thống, phát triển cơ sở lưu trú, dịch vụ ẩm thực để thu hút du khách.
Trân trọng cảm ơn ông!