Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Đảng bộ huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) nhiệm kỳ 2020 - 2025: Tập trung thực hiện 3 khâu đột phá, 4 chương trình trọng điểm

Hoài Dương (thực hiện) - 21:25, 09/07/2020

Sau 5 năm (2015 - 2020) thực hiện các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH), huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) đã đạt được những thành tựu to lớn trên tất cả các lĩnh vực. Đây là nền tảng để Mù Cang Chải phấn đấu ra khỏi danh sách huyện nghèo 30a của cả nước trong những năm tới. Trước thềm Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025, ông Nông Việt Yên, Bí thư Huyện ủy huyện Mù Cang Chải đã có những chia sẻ với Báo Dân tộc và Phát triển xung quanh nội dung này.

Ông Nông Việt Yên (đứng thứ 7 hàng đầu từ trái sang), Bí thư Huyện ủy Mù Cang Chải chụp ảnh lưu niệm với đại biểu tại Đại hội các DTTS huyện Mù Cang Chải (tháng 6/2019).
Ông Nông Việt Yên (đứng thứ 7 hàng đầu từ trái sang), Bí thư Huyện ủy Mù Cang Chải chụp ảnh lưu niệm với đại biểu tại Đại hội các DTTS huyện Mù Cang Chải (tháng 6/2019).

Đến thời điểm này, có thể khẳng định huyện đã đạt và vượt các chỉ tiêu trong Nghị quyết Đảng bộ huyện lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2015 - 2020. Ông có thể chia sẻ một số kết quả nổi bật nhất?

Được sự quan tâm, giúp đỡ kịp thời, hiệu quả từ Trung ương, của tỉnh và sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và các tầng lớp Nhân dân, huyện đã hoàn thành 19/19 chỉ tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ XVIII đề ra, trong đó có 16 chỉ tiêu vượt.

Đáng chú ý, là huyện nghèo 30a nên chỉ tiêu giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho người dân được các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương chú trọng triển khai bằng các giải pháp đồng bộ. Nhờ đó, trong 5 năm qua, tỷ lệ hộ nghèo bình quân giảm 8,4%/năm, vượt gần 2% so với mục tiêu Nghị quyết, dự kiến hết năm 2020 còn 33,12%. Thu nhập bình quân đầu người năm 2020 ước đạt 20,44 triệu đồng/người, tăng trên 7 triệu đồng so với năm 2015. Thu ngân sách tăng cao, bình quân hằng năm tăng 15,1%, năm 2020 dự kiến đạt 139 tỷ đồng, vượt 54% so với chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội XVIII đề ra.

Cùng với phát triển KT-XH, huyện Mù Cang Chải đặc biệt quan tâm công tác xây dựng đảng và phát triển đảng viên. Hiện toàn huyện có 32 chi bộ, đảng bộ trực thuộc Huyện ủy, 168 chi bộ trực thuộc đảng bộ cơ sở. Trong 5 năm, toàn Đảng bộ đã kết nạp được 762 đảng viên, đạt 101,6% chỉ tiêu Nghị quyết, nâng tổng số đảng viên lên 2.800 đảng viên.

Là huyện nghèo 30a nên những kết quả này là rất ấn tượng. Vậy nguyên nhân nào đã đưa đến những kết quả này, thưa ông?

Trước hết phải kể đến sự quan tâm lãnh chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND, MTTQ Việt Nam tỉnh; sự phối hợp, giúp đỡ có hiệu quả của các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh, nhất là từ nguồn lực đầu tư của Nhà nước và các tầng lớp Nhân dân.

Theo đó, trong 5 năm qua, tổng nguồn lực đầu tư cho phát triển KT-XH và an sinh xã hội tại huyện là gần 7.000 tỷ đồng. Trong đó, vốn đầu tư phát triển là hơn 4.000 tỷ đồng; chi bảo đảm an sinh xã hội là gần 3.000 tỷ đồng.

Cùng với đó, Đảng bộ huyện đã đề ra chủ trương lãnh đạo đúng đắn, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, đồng thời phát huy được hiệu quả truyền thống đoàn kết, sự đồng sức, đồng lòng của cấp ủy đảng, chính quyền địa phương và các tầng lớp Nhân dân trong việc cùng chung sức chăm lo phát triển KT-XH.

Bí thư Huyện ủy Mù Cang Chải (Yên Bái) Nông Việt Yên thăm mô hình trồng ngô lai của bà con huyện Mù Cang Chải.
Bí thư Huyện ủy Mù Cang Chải (Yên Bái) Nông Việt Yên thăm mô hình trồng ngô lai của bà con huyện Mù Cang Chải.

Trong nhiệm kỳ 2020 - 2025, Đảng bộ huyện sẽ tập trung vào những mục tiêu trọng tâm nào thưa ông?

Trước mắt, đến năm 2025, huyện phấn đấu mục tiêu thu nhập bình quân đầu người  tăng gấp 2 lần so với năm 2020; thu ngân sách Nhà nước đạt trên 230 tỷ đồng; tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 6,5%/năm; 80% hộ dân cư nông thôn có nhà tiêu hợp vệ sinh; 98% dân số được sử dụng nước sạch; 80% rác thải sinh hoạt được thu gom, xử lý; 100% xã đạt tiêu chuẩn quốc gia về y tế; 2 xã được công nhận đạt chuẩn quốc gia về về nông thôn mới, các xã còn lại mỗi xã phải có ít nhất 2 bản đạt nông thôn mới; tỷ lệ lao động qua đào tạo ít nhất 47%; giải quyết việc làm cho trên 1.200 lao động/năm; mỗi năm kết nạp ít nhất 110 đảng viên; 80% tổ chức cơ sở đảng hoàn thành tốt nhiệm vụ…

Để thực hiện những mục tiêu trên, huyện có gặp khó khăn, thách thức gì và những giải pháp nào để đạt được mục tiêu thưa ông?

Với đặc thù một huyện nghèo của cả nước, mặc dù kinh tế có bước phát triển, nhưng chưa tương xứng với thế mạnh của địa phương, nhất là khi chuyển dịch cơ cấu kinh tế còn chậm. Phong trào xây dựng NTM còn nhiều mặt hạn chế, khi người dân còn nặng tư tưởng trông chờ vào sự đầu tư của Nhà nước. Đặc biệt, tỷ lệ hộ nghèo còn cao, kết quả giảm nghèo tuy nhanh nhưng chưa bền vững… Đó là những thách thức rất lớn của huyện.

Về giải pháp, Đảng bộ huyện xác định 3 khâu đột phá, gồm: Đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo, phát triển các thành phần kinh tế. Phát triển nguồn nhân lực, trọng tâm là nâng cao chất lượng nhân lực khu vực nông nghiệp, dịch vụ, nhất là dịch vụ du lịch; xây dựng đội ngũ công chức, viên chức đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, có khát vọng vươn lên, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp đổi mới, hội nhập và phát triển. Huy động, quản lý và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, trọng tâm là hạ tầng giao thông, hạ tầng phát triển du lịch đáp ứng yêu cầu phát triển.

Huyện cũng sẽ triển khai 4 chương trình trọng điểm, gồm: Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững. Chương trình Phát triển du lịch "Xanh, bản sắc, an toàn, thân thiện".  Chương trình phát triển nguồn nhân lực khu vực nông nghiệp, dịch vụ và chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn. Chương trình bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc gắn với phát triển du lịch.

Trân trọng cảm ơn ông!

Tin cùng chuyên mục