Những điểm sáng ấn tượng…
Đakrông là huyện miền núi, biên giới của tỉnh Quảng Trị, có tỷ lệ hộ DTTS chiếm 77,8%. Trong cả giai đoạn, tổng kế hoạch vốn thực hiện Chương trình MTQG 1719 là hơn 202,522 tỷ đồng. Có nguồn lực hỗ trợ, cùng với sự nỗ lực phấn đấu của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân nên kinh tế- xã hội địa đã đạt được nhiều kết quả tích cực.
Trong năm 2023 vừa qua, đã có 2 thôn thoát khỏi diện đặc biệt khó khăn là thôn A Rồng dưới, thuộc xã A Ngo và thôn Cu Tài 2, thuộc xã A Bung. Tính đến cuối năm qua, thu nhập bình quân đầu người toàn huyện đạt 32,8 triệu đồng; 100% xã có đường ô tô đến trung tâm xã được rải nhựa hoặc bê tông; 100% thôn có đường ô tô đến trung tâm được cứng hóa; tỷ lệ trường, lớp học được xây dựng kiên cố 78,37 %; tỷ lệ đồng bào DTTS sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh là 88%...
Đến nay, tỷ lệ người đồng bào DTTS và miền núi có thẻ bảo hiểm y tế đạt 98,6; 100% trạm y tế xã đủ điều kiện khám chữa bệnh BHYT; 94,28% thôn có nhà sinh hoạt cộng đồng. Lĩnh vực giáo dục đã có những tiến bộ khi tỷ lệ học sinh mẫu giáo 5 tuổi đến trường 100%; tỷ lệ huy động trẻ 6 tuổi vào lớp 1 đạt 100%; tỷ lệ huy động học sinh hoàn thành chương trình tiểu học vào lớp 6 đạt 100%; tỷ lệ người 15 tuổi trở lên đọc thông viết thạo tiếng phổ thông 94,5%.
Chủ tịch UBND huyện Đakrông (Quảng Trị) Thái Ngọc Châu phấn khởi thông tin: Tốc độ tăng trưởng kinh tế của huyện ở mức khá, cơ sở hạ tầng từng bước được cải thiện; hệ thống đường giao thông, các công trình thủy lợi, cấp nước sinh hoạt được đầu tư xây dựng; hệ thống cơ sở hạ tầng về trạm y tế, trường học, nhà văn hóa sinh hoạt cộng đồng các thôn được ưu tiên nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển của xã hội.
Theo đó, đời sống vật chất và tinh thần của người dân từng bước được nâng cao, tỷ lệ hộ nghèo vùng DTTS giảm bình quân hàng năm trên 5%; hệ thống chính trị vững mạnh; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; diện mạo vùng DTTS và miền núi đã có sự thay đổi đáng kể; đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào từng bước được cải thiện.
Vẫn còn không ít khó khăn
Đánh giá chung, vùng đồng bào DTTS và miền núi huyện Đakrông đã có nhiều thay đổi, tuy nhiên, tìm hiểu sâu thực tế đời sống của Nhân dân vẫn còn những khó khăn hiện hữu. Đó là vẫn còn một số hộ đồng bào DTTS còn thiếu đất ở, đất sản xuất. Cùng với đó là thiếu phương tiện, thiếu vốn sản xuất nên tỷ lệ tái nghèo, phát sinh hộ nghèo còn cao; vẫn còn những hộ đồng bào chưa thực sự chủ động áp dụng phương pháp sản xuất phù hợp, ổn định cuộc sống, mà còn trông chờ Nhà nước, cộng đồng; vẫn tồn tại một số phong tục tập quán lạc hậu trong cộng đồng.
Bên cạnh đó, dù có nguồn lực lớn đầu tư của Chương trình MTQG 1719, nhưng quá trình thực hiện lại đang vấp phải những khó khăn từ thực tiễn, làm ảnh hưởng đến quá trình giải ngân, ảnh hưởng đến tiến độ các dự án. Do vậy, người dân vẫn chưa được thụ hưởng tối đa hiệu quả từ các dự án của Chương trình MTQG 1719 do chưa được đầu tư hoặc đầu tư còn dang dở…
Theo Chủ tịch UBND huyện Đakrông (Quảng Trị) Thái Ngọc Châu, nhiều khó khăn, vướng mắc làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện Chương trình MTQG 1719. Vướng mắc nhất là về đất đai. Cụ thể như, kế hoạch sử dụng đất phê duyệt muộn nên ảnh hưởng đến việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất, ảnh hưởng giải phóng mặt bằng làm ảnh hưởng chung đến tiến độ triển khai các công trình. Việc đầu tư xây dựng các công trình, dự án trên địa bàn huyện miền núi chủ yếu thực hiện trên đất rừng các loại, nhưng việc chuyển đổi đất rừng rất mất thời dài. Thậm chí, có dự án gặp khó khăn trong quá trình chuyển đổi đất.
Qua tìm hiểu của chúng tôi, việc thực hiện các tiểu dự án, dự án của Chương trình MTQG 1719 còn có những vướng mắc khác. Cụ thể, một số dự án Định canh định cư tại các xã Ba Nang, Hướng Hiệp, Tà Long, A Vao; dự án hỗ trợ đầu tư bảo tồn làng, bản văn hóa truyền thống tiêu biểu của các DTTS thôn Làng Cát xã Đakrông… phải qua nhiều bước, đợi văn bản hướng dẫn của cấp trên, lấy ý kiến nhiều cơ quan ban ngành, phải lập Quy hoạch chi tiết trước khi triển khai nên mất nhiều thời gian.
Một số dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, theo quy định là giao cho tổ, nhóm cộng đồng trực tiếp thực hiện. Trong khi việc mua sắm thực hiện theo quy định của luật đấu thầu sẽ khó thực hiện vì các tổ, nhóm không có năng lực để thực hiện mua sắm theo quy định của Luật Đấu thầu.
Bên cạnh đó, có những dự án đầu tư phát triển kinh tế - xã hội các dân tộc còn gặp nhiều khó khăn, theo quy định là cho vay thu hồi vốn. Nhưng chưa có quy trình triển khai, hướng dẫn cụ thể nên nguồn vốn chưa thể phân bổ chi tiết.