Tuyến đường giao thông đi thôn Sàng Lùng Phìn, xã Nậm Chảy, huyện Mường Khương khởi công từ tháng 10/2022 và hoàn thành vào tháng 5/2023. Công trình được mở mới này có chiều dài 2,5km, thiết kế chiều rộng nền đường 6m, mặt bê tông 3,5m, rãnh 0,8m; Tổng mức đầu tư là 4,9 tỷ đồng từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030 (Chương trình MTQG 1719).
Ông Ma Chiến Phúc, Bí thư Đảng ủy xã Nậm Chảy cho biết: Trước đây, đường vào thôn Sàng Lùng Phìn rất khó khăn, bà con chủ yếu đi bộ chứ xe máy cũng không đi được do đường dốc lại nhỏ và trơn trượt. Cũng vì đường xá đi lại khó khăn nên đời sống bà con Nhân dân trong thôn cũng chậm phát triển, muốn trồng cây gì, nuôi con gì cũng khó vì chẳng biết bán cho ai.Tuyến đường hoàn thành và đưa vào sử dụng tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại, cũng như giao thương hàng hóa.
“Bây giờ thì bà con rất là phấn khởi vì đường bê tông đã vào tận thôn, nhiều nhà đã mua sắm xe máy để phục vụ đi lại; ô tô thương lái thì vào tận thôn để thu mua nông sản. Chúng tôi rất hy vọng thời gian tới, với việc giao thông đi lại thuận lợi sẽ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cũng như cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho bà con Nhân dân trong thôn”, ông Phúc cho hay.
Chuyển về ngôi nhà mới được xây dựng kiên cố gần 1 năm nay, gia đình chị Lý Lai Kinh dân tộc Dao ở thôn Én 3, xã Võ Lao, huyện Văn Bàn vẫn còn vẹn nguyên niềm vui và phấn khởi. Được biết gia đình chị Kinh thuộc diện hộ nghèo của xã, trước đây vợ chồng cái con ở trong ngôi nhà dựng tạm bằng tre nứa; sau thời gian dài nắng mưa nên nhà xuống cấp trầm trọng. Mơ ước có được ngôi nhà kiên cố để gia đình ổn định, tập trung vào sản xuất phát triển kinh tế nhưng mãi không thực hiện được.
“Năm 2023, gia đình tôi được hỗ trợ 40 triệu đồng theo Dự án 1 thuộc Chương trình MTQG 1719, cộng với tiền vay mượn họ hàng đã làm được ngôi nhà xây khang trang. Bây giờ có nhà xây để ở rồi, nhờ đó chồng tôi cũng yên tâm đi làm xa để có tiền trang trải cuộc sống và trả nợ dần. Những ngày mưa gió cũng không còn phải lo lắng như trước nữa”, chị Kinh vui vẻ chia sẻ.
Thống kê cho thấy, năm 2023, riêng nguồn vốn Chương trình MTQG 1719, tỉnh Lào Cai đã hỗ trợ nhà ở cho 119 hộ dân; đầu tư 26 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung cho 3.560 hộ; hỗ trợ 4.883 téc nước, bồn chứa nước và 4.825m ống dẫn nước/4.883 hộ; đầu tư 366 công trình điện, đường giao thông, trạm y tế, trường học...; Cùng với đó các dự án, phần việc thuộc các dự án thành phần cũng được cấp ủy, chính quyền các cấp tập trung triển khai với quyết tâm cao nhất.
Ông Trịnh Xuân Trường, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai cho biết: Để Chương trình MTQG 1719 được triển khai có hiệu quả, phát huy tối đa nguồn lực đầu tư của Nhà nước, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Lào Cai đã chỉ đạo quyết liệt các sở, ban, ngành, các địa phương trong việc giải ngân nguồn vốn.
Hàng tuần, tỉnh đều tổ chức họp trực tuyến với Chủ tịch UBND cấp huyện, các Ban quản lý dự án của tỉnh, nghe báo cáo tình hình giải ngân vốn đầu tư thuộc các Chương trình MTQG; yêu cầu các huyện đăng ký và cam kết giải ngân vốn đầu tư hàng tuần; đồng thời chú trọng công tác tuyên truyền vận động, từ đó nhận được sự đồng thuận cao từ người dân trong quá trình triển khai các chương trình, dự án.
“Hết năm 2023, tỉnh Lào Cai có 6 chỉ tiêu, mục tiêu thực hiện chương trình đạt và vượt kế hoạch giai đoạn 2021-2025 đề ra. Cụ thể: Tỷ lệ xã có đường ô tô đến trung tâm xã được rải nhựa hoặc bê tông; Tỷ lệ học đến trường (Mẫu giáo, tiểu học, THCS, THPT); Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng được hỗ trợ tăng cường dinh dưỡng. Toàn tỉnh đang tiếp tục phấn đấu hoàn thành tất cả các chỉ tiêu khi kết thúc Chương trình”, Chủ tịch tỉnh Trịnh Xuân Trường cho hay.
Sau gần 4 năm triển khai Chương trình MTQG 1719 trên địa bàn tỉnh Lào Cai, dấu ấn từ chương trình để lại ngày càng đậm nét, qua việc cơ sở hạ tầng nông thôn được củng cố xây dựng, nhiều mô hình sản suất hiệu quả tạo sinh kế cho người dân đã và đang được triển khai. Qua đó, góp phần cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào các dân tộc ở vùng sâu, vùng xa, vùng ĐBKK.