Hỗ trợ theo nhu cầu
Để xúc tiến các dự án, kế hoạch liên kết sản xuất trên địa bàn huyện, UBND huyện Đăk Tô đã thành lập Tổ hỗ trợ và xúc tiến liên kết huyện và ban hành Đề án tổng thể phát triển nông nghiệp trên địa bàn huyện Đăk Tô giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Đồng thời, ban hành danh mục các ngành hàng, sản phẩm quan trọng, chủ lực cần khuyến khích và ưu tiên hỗ trợ thực hiện liên kết gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn huyện; kêu gọi các doanh nghiệp có uy tín tham gia liên kết sản xuất với người dân, các Hợp tác xã nông nghiệp.
Với phương châm hỗ trợ liên kết sản xuất theo nhu cầu, nguyện vọng và phù hợp với thổ nhưỡng, điều kiện sản xuất của người dân, huyện Đăk Tô đã tổ chức họp dân tuyên tuyền, phổ biến các nội dung của chính sách để thúc đẩy liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp tại địa phương. Thông qua công tác tuyên truyền, vận động, người dân đã thấy rõ những lợi ích khi tham gia chuỗi liên kết.
Anh A Kun (dân tộc Ba Na) ở thôn Đăk Rao Lớn, thị trấn Đăk Tô, huyện Đăk Tô cho biết: Khi thôn tuyên truyền, vận động thì tôi thấy cây mắc ca trồng xen trong vườn cà phê sẽ phù hợp. Năm 2024, tôi đăng ký tham gia trồng hơn 400 cây mắc ca; trong đó, Nhà nước hỗ trợ 70%, gia đình đối ứng 30%. Tôi đã nhận cây giống về và đang triển khai trồng. Cũng kỳ vọng là sau này mang lại nguồn thu nhập cao cho gia đình.
Triển khai từ năm 2020, đến nay toàn huyện Đăk Tô đã xây dựng 9 dự án liên kết chuỗi sản phẩm mắc ca với tổng diện tích khoảng 428 ha. Với hình thức có Hợp đồng liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm giữa nông dân, hoặc tổ hợp tác, hợp tác xã với Công ty và được Công ty hợp đồng bão lãnh chất lượng cây giống, bao tiêu sản phẩm.
Ông A Veng (dân tộc Xơ Đăng) ở thôn Kon Đào, xã Kon Đào, huyện Đăk Tô cho biết: Năm 2022, gia đình được hỗ trợ 400 cây mắc ca, gia đình đối ứng 30%. Sau khi được tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc thì gia đình nắm rõ quy trình kỹ thuật. Trồng được 2 năm thấy cây mắc ca phát triển rất tốt.
Riêng thực hiện Tiểu dự án 2, Dự án 3, thuộc Chương trình MTQG 1719. Với nguồn kinh phí hơn 5 tỷ đồng, từ năm 2022 đến nay, huyện Đăk Tô đã triển khai xây dựng mô hình liên kết chuỗi sản phẩm dứa; mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm mắc ca; mô hình liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm dược liệu; liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cây ăn quả trồng phân tán... Với tổng diện tích hơn 300 ha. Ngoài ra, từ nguồn vốn Tiểu dự án 1, Dự án 3, thuộc Chương trình MTQG 1719, huyện đã hỗ trợ các hộ đồng bào DTTS trồng 250 ha cây mắc ca để người dân trồng rừng sản xuất.
Ông Tưởng Văn Khanh - Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đăk Tô cho biết: Trong quá trình liên kết thì các Công ty cung cấp cây giống, hướng dẫn kỹ thuật canh tác, trồng, chăm sóc và thu hái mắc ca đến từng hộ dân. Đồng thời, cam kết bồi thường thiệt hại cây giống không đạt chất lượng (nếu có); cụ thể, sau 5 năm trồng không ra quả thì Công ty sẽ đền bù gấp 12 lần giá trị cây giống khi xuất cho các tổ chức, cá nhân có hợp đồng liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm với Công ty. Thu mua 100% sản phẩm của bà con nông dân, cũng như các doanh nghiệp trên địa bàn có hợp đồng công cấp cây giống và bao tiêu sản phẩm đầu ra với Công ty.
Giúp dân thay đổi tư duy sản xuất
Với sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, từ năm 2022 đến nay, đồng bào Xơ Đăng ở thôn Đăk Rô Gia, xã Đăk Trăm, huyện Đăk Tô đã biết cách tham gia vào Tổ hợp tác (THT) và liên kết với doanh nghiệp để trồng cây mắc ca, cây dứa. Việc tham gia vào THT đã giúp cho đồng bào Xơ Đăng thay đổi phương thức sản xuất và nhiều hộ đã mạnh dạn chuyển đổi toàn bộ diện tích đất trồng sắn cho hiệu quả kinh tế thấp sang trồng cây mắc ca, cây dứa.
Ông A Char ở thôn Đăk Rô Gia, xã Đăk Trăm, huyện Đăk Tô chia sẻ: Khi gia đình tôi tham gia THT trồng dứa, mắc ca liên kết với Công ty Đồng Giao thì thấy hiệu quả. Hơn 400 cây mắc ca phát triển rất tốt, vừa rồi thu hoạch dứa trồng xen thấy hiệu quả hơn so với trồng sắn. Gia đình đang mở rộng thêm diện tích.
“Trước đây thì bà con để đất hoang, đất bạc màu trồng sắn không lên được. Sau khi thôn họp dân thành lập THT trồng cây mắc ca và xen dứa thì bà con tham gia nhiệt tình. Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện đã mở lớp tập huấn tại nhà rông cho bà con, hiện nay thì bà con biết hết về cách chăm sóc, cách tưới, cách tỉa cành. Vừa rồi thu hoạch dứa bán bình quân 10.000 đồng/trái, bà con cũng có thêm thu nhập; còn cây mắc ca đang phát triển tốt, khoảng 2 năm nữa sẽ cho trái bói”, ông A Ngực, Tổ trưởng THT liên kết trồng và tiêu thụ mắc ca thôn Đăk Rô Gia, xã Đăk Trăm, huyện Đăk Tô cho biết thêm.
Khi tham gia các mô hình liên kết sản xuất, đồng bào DTTS đã biết áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, phần lớn diện tích sản xuất nông nghiệp đã được cơ giới hoá trong khâu làm đất và đầu tư hệ thống tưới nước tiết kiệm; giống cây trồng được đưa vào sản xuất là những giống mới có năng suất cao.
Ông Dương Văn Dũng - Chủ tịch UBND xã Kon Đào, huyện Đăk Tô cho biết: Xã có hơn 52% dân số là đồng bào DTTS. Triển khai thực hiện Tiểu dự án 2, Dự án 3, Chương trình MTQG 1719 và các Chương trình MTQG khác thì trên địa bàn xã các hộ được hỗ trợ liên kết trồng 170 ha. Đối với chính quyền địa phương thì cũng thường xuyên cử cán bộ xuống thôn tuyên truyền, vận động người dân tập trung chăm sóc. Qua 2 năm triển khai thì nhận thấy cây mắc ca phát triển tốt. Hy vọng với giá bán hơn 30.000 đồng/kg tươi sẽ mang lại nguồn thu nhập ổn định cho các hộ dân sau này.
Theo ông Tưởng Văn Khanh - Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đăk Tô thì qua triển khai thực hiện cho thấy, các mô hình liên kết sản xuất đang từng bước giúp đồng bào DTTS thay đổi nhận thức, từ phương thức sản xuất nhỏ lẻ, manh mún chuyển sang sản xuất hàng hóa tập trung và nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa để phù hợp với nhu cầu của thị trường.
Trong thời gian tới, huyện Đăk Tô tiếp tục phối hợp với các doanh nghiệp tiến hành đánh giá và có định hướng để tiếp tục nhân rộng các mô hình chuỗi liên kết sản xuất, nhằm giúp cho đồng bào DTTS sản xuất hiệu quả, nâng cao thu nhập, vươn lên thoát nghèo bền vững.