Nóng tình trạng học sinh đánh nhau
Do nảy sinh mâu thuẫn, xích mích với một thiếu niên, tối ngày 9/3/2021, nhóm nữ sinh của Trường THPT Lê Duẩn, TP. Buôn Ma Thuột hẹn nhóm thanh thiếu niên đến khu vực hồ Ưa Kao (TP. Buôn Ma Thuột) để giải quyết. Tại đây, hai bên cự cãi, đánh nhau, dùng dao, gạch đá… tấn công khiến một thiếu niên bị thương ở mặt phải nhập viện cấp cứu.
Trước đó, tối 4/3, hơn 10 học sinh Trường THPT Hồng Đức đang ngồi tại quán nước trên đường Hồ Tùng Mậu, TP. Buôn Ma Thuột, thì một nhóm học sinh khác đi trên nhiều xe máy lao vào dùng bàn ghế đập, ném vào người. Bị tấn công, nhóm học sinh ngồi tại quán phản ứng đối phương, hai bên đánh nhau loạn xạ. Khi có người hô công an đến, hai nhóm học sinh mới ngừng đánh nhau, rồi bỏ chạy.
Không chỉ TP. Buôn Ma Thuột, các vụ việc bạo lực học đường cũng đã diễn ra ở nhiều huyện. Điển hình là vụ việc vào ngày 3/3, một nam sinh lớp 10 trường THPT Ngô Gia Tự, huyện Ea Kar bị nhiều bạn cùng trường đánh hội đồng kinh hoàng trong nhà vệ sinh.
Bị nhiều bạn tấn công, nam sinh chỉ biết ngồi bó gối chịu đòn, xung quanh là tiếng cười nói rôm rả của bạn học cùng trường đứng xem. Vụ việc trên đang được Công an thị trấn Ea Kar vào cuộc xử lý.
Trước đó, ngày 27/2, nhóm học sinh nữ trường THCS Lê Văn Tám (huyện Krông Ana) hẹn đánh nhau giữa đường trong tiếng hò reo, cổ vũ của bàn bè xung quanh. Đoạn clip ghi lại cảnh nữ sinh đánh nhau nhanh chóng lan truyền trên mạng xã hội. Ban Giám hiệu nhà trường đã mời phụ huynh của các em tham gia đánh nhau lên làm việc, cam đoan phối hợp với nhà trường tìm biện pháp giáo dục để các em không tái phạm.
Chấn chỉnh tình trạng bạo lực học đường
Trước thực tế này, ngày 15/3/2021, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đăk Lăk đã ban hành Công văn về việc tăng cường giải pháp phòng, chống bạo lực học đường trong cơ sở giáo dục.
Theo đó, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đăk Lăk yêu cầu các đơn vị, cơ sở giáo dục tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật; giáo dục đạo đức lối sống, giá trị sống thông qua giảng dạy tích hợp vào các môn học; tổ chức các hoạt động trải nghiệm; đẩy mạnh triển khai công tác tham vấn, tư vấn tâm lý học đường, kỹ năng ứng xử, giải quyết mâu thuẫn cho học sinh; phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình và các tổ chức, hội – đoàn thể, công an, chính quyền địa phương trong công tác quản lý, giám sát và giáo dục học sinh; thiết lập các kênh thông tin về bạo lực học đường như: hộp thư góp ý, đường dây nóng, hệ thống camera giám sát…
Đồng thời, Sở cũng yêu cầu, hiệu trưởng, thủ trưởng các cơ sở phải chịu trách nhiệm về tình hình an ninh trật tự, an toàn trường học tại đơn vị; xây dựng kế hoạch triển khai công tác đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông, phòng chống vi phạm pháp luật, ngăn ngừa các tệ nạn xã hội tại đơn vị; giáo viên chủ nhiệm cần quan tâm, theo dõi sâu sát, kịp thời nắm bắt các biểu hiện khác lạ của HSSV để tư vấn, uốn nắn; các nhà trường tổ chức ký kết quy chế phối hợp giữa nhà trường với công an địa phương.
Ông Đỗ Tường Hiệp, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Đăk Lăk, cho biết: Công văn phòng chống vi phạm pháp luật, ngăn ngừa các tệ nạn xã hội vào trường học, đã được gửi đến thủ trưởng các đơn vị. Ngay từ đầu năm học, Sở đã có các chỉ đạo về giáo dục dục lối sống, tăng cường giáo dục kỹ năng sống… cho học sinh.
Tuy nhiên, trong thời đại 4.0, những tiêu cực, tệ nạn của hội đã len lỏi vào trường học gây nên những vụ việc học sinh đánh nhau. Sở đã nắm thông tin và chỉ đạo quyết liệt, xử lý nghiêm các vụ việc đánh nhau. Quan điểm của Sở, trong giáo dục học sinh, nhà trường, người đứng đầu đơn vị phải chịu trách nhiệm. Đối với những vụ việc thuộc thẩm quyền pháp luật, thì pháp luật sẽ giải quyết để kịp thời chấn chỉnh tình trạng bạo lực học đường.