Theo đó, đến nay trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã đầu tư xây dựng được 785 công trình thủy lợi, gồm: 610 hồ chứa với tổng dung tích khoảng 650 triệu m3 nước, 118 đập dâng và 57 trạm bơm. Trong đó, có 4 công trình hồ đặc biệt quan trọng do Bộ NN&PTNT đầu tư xây dựng, gồm hồ Ea Súp Thượng, Krông Hạ, Krông Pách thượng và Ea H’leo 1 với tổng dung tích 400 triệu m3 nước.
Toàn tỉnh có 655.000 ha đất canh tác nông nghiệp, nhưng diện tích được tưới trực tiếp từ công trình thủy lợi chỉ 150.116 ha, đạt khoảng 47% diện tích cây trồng cần tưới.
Trong tổng số 610 hồ đập thủy lợi có nhiều công trình được đầu tư từ những năm 80, 90 của thế kỷ trước, hiện nay đã xuống cấp, năng lực tưới giảm, nguy cơ mất an toàn rất lớn. Để bảo đảm an toàn cho công trình, người dân vùng hạ du, phục vụ sản xuất nông nghiệp, cấp nước sinh hoạt và các ngành kinh tế khác, việc cấp bách cần làm là đầu tư sửa chữa, nâng cấp các công trình thủy lợi, nước sinh hoạt đã hư hỏng, xuống cấp và xây dựng mới các công trình theo quy hoạch.
Do đó, UBND tỉnh Đắk Lắk đề nghị Bộ NN&PTNT hỗ trợ kinh tế đầu tư xây mới, sửa chữa, nâng cấp hồ chứa giai đoạn 2021 - 2025 và sau 2025 từ nguồn của Bộ, chương trình, dự án phòng chống thiên tai, các dự án ODA và các nguồn đầu tư khác.
Trước đó, năm 2014, HĐND tỉnh đã thông qua Nghị quyết số 141/2014/NQ-HĐND ngày 13/12/2014 về An toàn hồ chứa trên địa bàn tỉnh, đây là cơ sở để xem xét, đầu tư sửa chữa, nâng cấp các công trình hồ đập thủy lợi bị hư hỏng, xuống cấp. Tuy nhiên, do khó khăn về nguồn vốn đầu tư nên hiện nay mới đầu tư sửa chữa, nâng cấp được 77/307 hồ đập, đạt tỷ lệ khoảng 25%. Hiện còn nhiều danh mục hồ đập trong Nghị quyết chưa được đầu tư sửa chữa, nâng cấp, đặc biệt là các công trình hồ chứa có quy mô lớn, tình trạng hư hỏng nặng cần phải sửa chữa gấp.
Tỉnh Đắk Lắk đề xuất Bộ NN&PTNT hỗ trợ kinh phí đầu tư xây mới, sửa chữa và nâng cấp hồ chứa giai đoạn 2021 - 2025 và sau 2025 theo Nghị quyết về An toàn hồ chứa trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, Quy hoạch của tỉnh và Quy hoạch tổng thể thủy lợi vùng Tây Nguyên giai đoạn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050 do Bộ NN&PTNT phê duyệt, trong đó ưu tiên các công trình có quy mô lớn, tình trạng hư hỏng nặng cần phải sửa chữa gấp với tổng kinh phí 25.602 tỷ đồng./.