Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Tương Dương (Nghệ An): Công trình thủy lợi tiền tỷ, có " tuổi thọ… 3 ngày"

Việt Thắng - Y Nguyên - 12:01, 11/11/2021

Hồ sơ nghiệm thu đầy đủ các chữ ký của các bên liên quan, ai cũng công nhận công trình thi công bảo đảm kỹ, mỹ thuật, phát huy hiệu quả. Thế nhưng chỉ sau 3 ngày sử dụng, công trình thủy lợi bản Thắm Thẩm, xã Nhôn Mai, huyện Tương Dương (Nghệ An) đã ngưng hoạt động.

Bể chứa nước tự chảy đã bỏ hoang từ 4 năm nay
Bể chứa nước tự chảy đã bỏ hoang từ 4 năm nay

Kỳ vọng lớn

Dự án đầu tư xây dựng công trình thủy lợi bản Thắm Thẩm, xã Nhôn Mai, với mục đích cung cấp nước tưới và nước sinh hoạt cho người dân ở bản được UBND huyện Tương Dương phê duyệt đầu tư từ năm 2017. Dự án gồm các hợp phần, xây đập ngăn nước, hệ thống đường ống chính dài gần 1,2 km và đường ống các tuyến nhánh cung cấp nước sinh hoạt cho hơn 20 hộ dân…, với tổng mức đầu tư hơn 2 tỷ đồng.

Dự án kỳ vọng sẽ cung cấp đủ nước tưới cho 60 ha cây chanh leo, nước sinh hoạt cho người dân bản Thắm Thẩm. Tháng 11/2017, bà con cả bản hết sức phấn khởi khi công trình hoàn thành đúng tiến độ và được đưa vào sử dụng. Thế nhưng, cũng theo người dân ở bản này, thì niềm vui của bà con chỉ vẻn vẹn có… 3 ngày.

Trưởng bản Thắm Thẩm Và Bá Ca, cho biết: Công trình làm xong, dân bản mừng lắm. Nhưng chỉ được có 3 ngày là nó ngừng chảy, cho đến nay là đã 4 năm rồi”. Theo ông Ca, nguyên nhân nước ngừng chảy là do đường ống chính trên núi bị bể, khiến nước không thể về được. Đơn vị thi công cũng đã tổ chức khắc phục. Họ dùng bê tông lấp kín đoạn đường ống bị bể, nhưng cứ bịt chỗ này thì nó lại bể chỗ khác. Ông Ca bức xúc: “Rõ ràng là lỗi kỹ thuật. Tôi cho rằng họ thiết kế không phù hợp, nên khi áp suất nước mạnh thì sẽ gây bể đường ống”.

Nhà ở sát đường ống chính chạy qua, nhưng gia đình ông Moong Văn Hợi, Bí thư Chi bộ bản Thắm Thẩm không có nước dùng. Ông nói, thời gian đầu thì đang có nước, sau đó thì kiệt luôn. Giờ phải đầu tư tiền mua hàng km đường ống để dẫn nước từ trên khe về dùng.

Một góc bản Thắm Thẩm
Một góc bản Thắm Thẩm

Thất vọng nhiều

Theo bà con, trong nhiều cuộc họp HĐND xã và các cuộc tiếp xúc cử tri, nhiều ý kiến phản ánh về công trình này, nhưng đã 4 năm nay nó vẫn cứ thế. Dân vẫn cứ phải đầu tư tiền của, công sức để tìm kiếm nguồn nước tự chảy. Nhưng, khổ là những tháng mùa mưa thì có nước, còn những tháng mùa khô thì hết sức vất vả vì chuyện nước. Trưởng bản Và Bá Ca, nói trong bực bội: “Từ khi hoàn thành đến nay, công trình này không có tác dụng gì. Chúng tôi không sử dụng được, mà phải dùng đường ống riêng để lấy nước từ trên khe suối về để dùng”.

Cũng theo ông Ca, mục tiêu chính của công trình là cung cấp nước tưới cho vùng trồng cây chanh leo của bản. Nhưng nước không có, chanh leo cũng đã hết thời, kỳ vọng xóa đói, giảm nghèo cho dân bản cũng tan luôn!

Trao đổi với ông Lương Văn Thành, Phó Chủ tịch UBND xã Nhôn Mai, chúng tôi được xác nhận rằng: Từ ngày công trình này hoàn thành đến nay, người dân kêu ca rất nhiều vì không có nước. Xã cũng đã nhiều lần đề nghị huyện cho kiểm tra và khắc phục để người dân có nước sử dụng.

Trao đổi về vấn đề này, ông La Văn Thái, Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Tương Dương thừa nhận, đúng là người dân kiến nghị rất nhiều về công trình này. Mới đây, huyện đã thành lập đoàn kiểm tra, theo đó đường ống chính dẫn nước bị vỡ 3 điểm. Vị trí đấu nối điểm cuối của hệ thống nước thủy lợi ra hệ thống nước sinh hoạt không có khóa điều tiết, khiến đường ống thủy lợi bị vỡ, nước không đủ áp lực để chảy đến bể chứa tập trung cung cấp nước sinh hoạt cho người dân.

“Truy vấn” tới ông  Moong Văn Hợi, nguyên Trưởng bản Thắm Thẩm, tại sao vẫn ký biên bản nghiệm thu với nội dung “bảo đảm yêu cầu kỹ thuật”, khi thực tế là nước đã ngừng chảy, chúng tôi bất ngờ nhận được câu trả lời: Họ nói cứ ký đi rồi sẽ sửa chữa./.

Tin cùng chuyên mục
Nghệ An: Nỗ lực cho công tác xóa mù chữ để đồng bào thay đổi nếp nghĩ, cách làm

Nghệ An: Nỗ lực cho công tác xóa mù chữ để đồng bào thay đổi nếp nghĩ, cách làm

Năm 2022, Nghệ An được công nhận đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2, đây là tiền đề quan trọng để địa phương tiếp tục có những bước đi vững chắc trong công tác xóa mù chữ. Tuy nhiên, với điều kiện kinh tế - xã hội còn khó khăn, nhận thức của một bộ phận người dân còn hạn chế, địa bàn cách trở… đang là những trở ngại đối với công tác xóa mù chữ, đòi hỏi tỉnh Nghệ An có những giải pháp phù hợp.