Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Đắk Lắk: Bế giảng, trao chứng nhận cho lớp truyền dạy cồng chiêng nữ Ê Đê Bih

Lê Hường - 23:31, 01/10/2022

Ngày 1/10, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk phối hợp Trung tâm Hợp tác Quốc tế tỉnh Jeolabuk, Hàn Quốc tổ chức Lễ bế giảng lớp truyền dạy cồng chiêng trẻ Ê Đê Bih tại thị trấn Buôn Trấp, huyện Krông Ana.

Nghệ nhân truyền dạy đánh chiêng cho các trẻ gái người Ê Đê Bih
Nghệ nhân truyền dạy đánh chiêng cho các trẻ gái người Ê Đê Bih

Lớp truyền dạy cồng chiêng cho trẻ em gái Ê Đê Bih được khai giảng giữa tháng 6/2022, với 19 em độ tuổi từ 7 - 13. Sau 2 tháng truyền dạy, các học viên đã đánh được các bài chiêng cơ bản. Tại buổi Lễ bế giảng, các học viên tham gia lớp học đã biểu diễn 3 bài chiêng cổ của người Ê Đê Bih, gồm Đón khách, Cúng lúa mới, Cúng bến nước. Cùng với tiếng trống, tiếng chiêng, các bé gái Ê Đê Bih còn múa xoang nhịp nhàng.

Bà Vũ Thị Thanh Huế - Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Krông Ana cho biết: Lớp học có 3 nghệ nhân hướng dẫn, truyền dạy đánh chiêng, đánh trống và 2 nghệ nhân dạy múa. Từ chỗ không biết cầm chiêng, gõ chiêng, múa xoang, kết thúc khóa học, các em đã biết đánh các bài chiêng cổ của người Ê Đê Bih.

Các “nghệ nhân nhí” biểu diễn cồng chiêng, múa xoang với các bài chiêng cổ của dân tộc
Các “nghệ nhân nhí” biểu diễn cồng chiêng, múa xoang với các bài chiêng cổ của dân tộc

Lớp truyền dạy cồng chiêng đã giúp các em trong buôn tiếp tục kế thừa, bảo tồn, giữ gìn và phát huy giá trị di sản văn hóa cồng chiêng. Đồng thời, khơi dậy niềm đam mê diễn tấu cồng chiêng, nâng cao ý thức giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc cho thế hệ trẻ.

Thời gian tới, Phòng Văn hóa và Thông tin sẽ tham mưu UBND huyện hỗ trợ kinh phí để đội chiêng trẻ ôn luyện, đạt chất lượng cao hơn. Đồng thời tham mưu UBND huyện tổ chức diễn tấu cồng chiêng trẻ để thu hút các em nhỏ học đánh chiêng, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Quan tâm, hỗ trợ các nghệ nhân để động viên tinh thần, tạo động lực truyền dạy cho thế hệ con cháu bảo tồn, phát huy văn hóa cồng chiêng.

Tiếng trống Hờ gơ hợp xướng tiếng chiêng Jho và nhịp xoang tạo nên nét đặc trưng riêng của người Ê Đê Bih
Tiếng trống Hờ gơ hợp xướng tiếng chiêng Jho và nhịp xoang tạo nên nét đặc trưng riêng của người Ê Đê Bih

Đánh giá các tiết mục biểu diễn của đội chiêng nhí, Nghệ sĩ Ưu tú Vũ Lân - người gắn bó nhiều năm, dành nhiều tâm huyết với công tác bảo tồn, phát huy giá trị cồng chiêng Tây Nguyên chia sẻ: Đây là lần đầu tiên tôi thấy nhóm học viên cồng chiêng có độ tuổi nhỏ nhất. Do yếu tố giao thoa văn hóa nhiều đời, thì riêng ở Buôn Trấp hình thành nhóm nghệ nhân nữ và các nghệ nhân ở đây đã nhiều năm bảo tồn cồng chiêng. Đây là đội nghệ nhân cồng chiêng nữ duy nhất của đồng bào dân tộc Ê Đê.

"Người Ê Đê Bih không có nhiều bài chiêng, chỉ có 3 bài. Hôm nay các cháu đã thể hiện ba bài chiêng đúng như thứ tự. Toàn bộ tiết tấu, giai điệu của 3 bài chiêng này các cháu đã thực hiện rất tốt, hầu như không có em nào đánh sai tiết tấu, lạc bài, nhịp múa xoang cũng đều, đẹp", Nghệ sĩ Ưu tú Vũ Lân nhận xét.

Ban tổ chức trao Giấy chứng nhận cho các học viên lớp truyền dạy cồng chiêng trẻ Ê Đê Bih
Ban tổ chức trao Giấy chứng nhận cho các học viên lớp truyền dạy cồng chiêng trẻ Ê Đê Bih

Ông Đặng Gia Duẩn - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đắk Lắk khẳng định: Lớp chiêng Ê Đê Bih đã thành công tốt đẹp. Kết quả này là sự cố gắng của ngành Văn hóa, sự chỉ đạo của Huyện ủy, UBND huyện cùng với thị trấn, Ban Tự quản buôn góp phần cho sự thành công này. Tuy nhiên, thành công này mới chỉ là bước đầu. Chiêng, trang phục truyền thống đã được cấp, các bài chiêng đã truyền dạy, nhưng trong thời gian tới, bộ chiêng kia có thường xuyên được vang lên hay không, có thường xuyên tham gia các buổi sinh hoạt để rèn luyện thêm kỹ năng không, điều đó phụ thuộc vào nhiều yếu tố.

Tại Lế bế giảng, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã cấp Giấy chứng nhận cho 19 học viên Lớp đánh chiêng trẻ Ê Đê Bih của huyện Krông Ana.

Tin cùng chuyên mục
Quảng Nam: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong vùng đồng bào DTTS

Quảng Nam: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong vùng đồng bào DTTS

Xác định tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nâng cao giáo dục pháp luật cho người dân, nhất là vùng đồng bào DTTS và miền núi có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, Quảng Nam đã tích cực triển khai và bước đầu đạt được những kết quả đáng khích lệ.