Theo báo cáo, năm 2022 tổng diện tích sầu riêng cả nước là hơn 112,2 nghìn ha tăng 70 nghìn ha so với năm 2016. Tổng sản lượng hiện nay là hơn 863.000 tấn. Sau khi được Trung Quốc chính thức chấp thuận nhập khẩu chính ngạch, ngành hàng sầu riêng Việt Nam đã có bước phát triển mạnh mẽ với kim ngạch xuất khẩu năm 2023 dự kiến đạt 1,5 tỷ USD.
Đắk Lắk là địa phương có sản lượng sầu riêng lớn thứ 2 cả nước, sau Tiền Giang. Tính đến 6/2023, diện tích sầu riêng toàn tỉnh khoảng 28.625,2 ha. Sản lượng sầu riêng ước đạt 190,2 nghìn tấn, tăng gấp hơn 4,3 lần sản lượng sầu riêng năm 2016. Tuy nhiên, hiện nay hiện tượng tranh mua, tranh bán, loạn giá, bẻ cọc, bỏ hợp đồng, phá vỡ chuỗi liên kết… đang diễn ra tại các vùng trồng sầu riêng, dẫn đến vi phạm các quy định của nhà nước về mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói, an toàn thực phẩm cũng như tiêu chuẩn xuất khẩu.
Ông Lê Anh Trung - Giám đốc Đối ngoại Công ty TNHH Đầu tư phát triển Vạn Hòa cho hay: Tháng 7/2022, công ty xây dựng chính sách liên kết với người nông dân, các hợp tác xã trên địa bàn cả nước, hỗ trợ thiết lập hồ sơ mã số vùng trồng, vốn sản xuất 50 triệu/ha... Trong hợp đồng, công ty đã nêu rõ sẽ đánh giá tỷ lệ và chốt vườn cho người nông dân trước thu hoạch từ 15 - 20 ngày. Vậy nhưng, trước thời điểm thu hoạch khoảng 1,5 - 2 tháng, hơn 90% người nông dân bán hết ra ngoài, chỉ có những vườn cực kỳ xấu, bên ngoài không mua thì mới gọi đến công ty. Điều này đã ảnh hưởng rất lớn đến công ty. Để tránh tình trạng này, các doanh nghiệp cần phải liên kết, có tiếng nói chung giúp nhau phát triển, bảo vệ ngành hàng sầu riêng.
Thời gian qua, việc mua bán sầu riêng giữa người dân và doanh nghiệp, hợp tác xã thời gian qua theo nhiều hình thức dẫn tình trạng nhiễu loạn thị trường.
Là địa phương có diện tích, sản lượng sầu riêng lớn nhất tỉnh Đắk Lắk hiện nay, ông Y Djoang Niê - Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Pắk chia sẻ: Giá sầu riêng năm 2023 tăng mạnh, người trồng sầu riêng có thêm nhiều sự lựa chọn để bán được giá hợp lý và lợi nhuận tốt hơn. Tuy nhiên, lại xảy ra việc tranh chấp mua bán, gian lận thương mại, không tuân thủ thỏa thuận hợp đồng, ép mua ép bán, ép giá và chất lượng sản phẩm không đạt yêu cầu… Điều đó dẫn đến tình trạng mất uy tín chất lượng thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm sầu riêng Krông Pắk đối với thị trường và người tiêu dùng trong và ngoài nước.
Theo đó, người dân cần nâng cao nhận thức về các quy định an toàn chất lượng sản phẩm, tuân thủ đầy đủ các yêu cầu về quy trình sản xuất an toàn, không bán sản phẩm không bảo đảm chất lượng, giữ gìn hợp tác chặt chẽ với các đơn vị liên kết thu mua, tiêu thụ sản phẩm sầu riêng. Đối với các cơ sở kinh doanh, thực hiện hợp tác chặt chẽ với các hộ dân nhằm bảo đảm tốt liên kết sản xuất - thu mua - sơ chế - đóng gói tiêu thụ xuất khẩu sầu riêng đúng quy định về kỹ thuật, truy xuất nguồn gốc xuất xứ sản phẩm, vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ và phát triển nhãn hiệu sầu riêng Krông Pắk...
Liên quan đến vấn đề liên kết thiếu bền vững, ông Nguyễn Hoài Dương - Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Lắk cho hay, một ngành hàng đang tăng trưởng “nóng” thì bên cạnh những thuận lợi sẽ phát sinh các hệ lụy, tồn tại, thậm chí tiêu cực. Đây là việc mà cơ quan quản lý nhà nước cần phải vào cuộc quyết liệt, rà soát lại ở tất cả các khâu để kịp thời phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng sử dụng mã số vùng trồng không đúng quy định hoặc mạo danh, gian dối trong các khâu. Để xây dựng chuỗi ngành hàng bền vững, hiệu quả, vấn đề hợp tác là cực kỳ quan trọng. Cả doanh nghiệp và nông dân phải tạo dựng thương hiệu chung, uy tín chung cho ngành hàng. Phải có sự đồng hành và cùng nhau chia sẻ trong một quy trình từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ.
Theo bà Nguyễn Thị Thu Hương - Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ Thực vật, không phải chỉ tập trung vào thị trường Trung Quốc, mà hiện nay sầu riêng tươi của Việt Nam đã xuất khẩu đi 24 thị trường, gồm cả Trung Quốc. Thương hiệu của từng doanh nghiệp rất quan trọng nên những đơn vị, cơ sở vùng trồng nếu phát hiện có trường hợp mạo danh mã số vùng trồng, cần báo cáo ngay với chi cục bảo vệ thực vật địa phương để có giải pháp ngay.
Để ngành hàng sầu riêng phát triển bền vững, theo bà Hương, Bộ NN&PTNT cần chỉ đạo cơ quan chuyên môn thực hiện xây dựng nghị định, quy định để làm tốt công tác quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói. Đẩy mạnh chuyển đổi số, đầu tư xây dựng cơ sở dữ liệu, đưa phần mềm quản lý vùng trồng và cơ sở đóng gói chính thức vào sử dụng. Phối hợp với các địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát công tác cấp và quản lý mã số tại địa phương… Đối với các địa phương, cần tăng tính chủ động; bố trí đủ nguồn lực để tăng cường thanh tra, kiểm tra; đào tạo tập huấn; xử lý nghiêm các vi phạm liên quan mã số…
Về phía Cục Bảo vệ Thực vật sẽ tập trung các giải pháp nhằm minh bạch thông tin, cơ sở dữ liệu; hoàn thiện các hướng dẫn kỹ thuật; hoàn thiện bộ tài liệu ngành hàng để có những tiêu chuẩn từ giống, phân bón, trồng trọt, nhận diện thương hiệu... đến kỹ thuật sản xuất cho bà con thuận tiện sử dụng.