Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Bình Phước: Ồ ạt trồng sầu riêng, phớt lờ cảnh báo

Thanh Liêm - 18:28, 14/04/2023

Từ khi thị trường Trung Quốc mở cửa cho trái sầu riêng Việt Nam (theo Nghị định thư ký tháng 9/2022), giá thu mua loại trái cây này tăng rất cao. Điều này đã khiến nhiều nông dân ở tỉnh Bình Phước đổ xô phá bỏ các loại cây trồng như: Hồ tiêu, cà phê, điều để chuyển sang trồng sầu riêng với hy vọng làm giàu nhanh chóng.

Nông dân huyện Phú Riềng chăm sóc vườn sầu riêng.
Nông dân huyện Phú Riềng chăm sóc vườn sầu riêng

Sau nhiều vụ “mất mùa, mất giá”, ông Nguyễn Tuấn Thinh ở xã Đắk Ơ, huyện Bù Gia Mập đã quyết định phá bỏ 1,5 ha hồ tiêu để trồng hơn 200 gốc sầu riêng. Hiện vườn cây đang phát triển tốt và ông Thinh hy vọng sau này có thể “đổi đời” nhờ sầu riêng.

Tương tự, thấy sầu riêng hấp dẫn, 3 tháng trước, ông Nguyễn Văn Hòa gần rẫy ông Thinh, cũng chặt bỏ hơn 3,5 ha điều già cỗi, thường xuyên mất mùa để trồng sầu riêng. Hiện ông Hòa đang tranh thủ làm đất để chuẩn bị xuống giống.

Hiện tượng nông dân ở tỉnh Bình Phước phá bỏ các loại cây để chuyển sang trồng sầu riêng diễn ra ồ ạt khoảng nửa năm nay và đang có xu hướng tăng. Theo Cục Thống kê tỉnh Bình Phước: Năm 2022, diện tích sầu riêng toàn tỉnh đạt 4.802 ha, tăng 1.364 ha so với năm 2021 (tăng 28,4%). Trong đó, có khoảng 2.289 ha (tăng 611 ha) cho sản phẩm, năng suất ước đạt 95,24 tạ/ha (tăng 2,2 tạ/ha); sản lượng ước đạt 21.804 tấn (tăng 6.189 tấn so với năm 2021).

Vừa qua, Trung Quốc đã cấp 7 mã vùng trồng sầu riêng cho các nhà vườn ở Bình Phước với tổng diện tích hơn 500 ha. Và, từ khi thị trường Trung Quốc mở cửa cho trái sầu riêng Việt Nam, thì giá thu mua loại trái cây này đã tăng rất cao. Điều này khiến nhiều nông dân ở tỉnh ồ ạt phá bỏ các loại cây trồng, chủ yếu như: Hồ tiêu, cà phê, điều để chuyển sang trồng sầu riêng.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Phước, việc xuất khẩu sầu riêng của tỉnh theo đường chính ngạch sang Trung Quốc mở ra cơ hội để nâng cao hiệu quả và nâng tầm giá trị loại cây trồng này trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, đây cũng là thách thức không nhỏ, vì các nội dung của Nghị định thư thực chất là các yêu cầu kỹ thuật buộc bên sản xuất, đóng gói và xuất khẩu phải tuân thủ nghiêm ngặt.

Trong khi đó, nhiều nông hộ, HTX đều mạnh ai nấy làm dẫn đến sản phẩm không đồng nhất, khó tiếp cận thị trường khó tính. Bà con còn sản xuất theo kiểu truyền thống chưa bắt kịp yêu cầu khắt khe về chất lượng, bảo đảm điều kiện của vùng trồng và việc tuân thủ quy trình sản xuất cũng như các điều khoản ký kết giữa nông hộ, HTX và doanh nghiệp rất dễ bị phá vỡ bởi tác động của thị trường. Đây cũng là điểm yếu mà ngành Nông nghiệp tỉnh phải khắc phục trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, các chuyên gia ngành Nông nghiệp cũng lo ngại, việc diện tích cây sầu riêng tăng ồ ạt, thiếu kiểm soát... tiềm ẩn rất nhiều rủi ro mà hậu quả là người dân gánh chịu. Hàng chục ngàn ha sầu riêng đang được trồng vội vã hôm nay sẽ cho thu hoạch ổn định vào 5 - 6 năm tới là khoảng thời gian khá xa để có thể đoán trước thị trường sẽ ra sao. Các chuyên gia cảnh báo, người nông dân trồng cái gì cũng phải có kế hoạch, định hướng, nghiên cứu kỹ càng để tránh tình trạng sau này lại phải khốn khổ vì cung vượt cầu, được mùa rớt giá.

Hiện tượng nông dân ở tỉnh Bình Phước phá bỏ các loại cây để chuyển sang trồng sầu riêng diễn ra ồ ạt khoảng nửa năm nay và đang có xu hướng tăng. Theo Cục Thống kê tỉnh Bình Phước: Năm 2022, diện tích sầu riêng toàn tỉnh đạt 4.802 ha, tăng 1.364 ha so với năm 2021 (tăng 28,4%).