Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Phóng sự

Đại hạn ở Ma Nới

Hà Văn Đạo-Công Tâm - 11:32, 20/05/2020

Nắng hạn khốc liệt, kéo dài suốt nhiều tháng qua đã khiến cho người dân huyện Ninh Sơn (Ninh Thuận) thiếu nước sinh hoạt trầm trọng. Hằng ngày, người dân phải mang can nhựa dọc theo con suối để cõng nước về sinh hoạt. Nước từ các suối này có chỗ bảo đảm an toàn, có chỗ chỉ là nước thô nên nỗi lo an toàn cho sức khỏe vẫn hiện hữu. Phải uống vì không còn cách nào khác.

Người dân Ninh Sơn phải đi cõng từng can nước về dùng qua ngày
Người dân Ninh Sơn phải đi cõng từng can nước về dùng qua ngày

Cõng từng cơn khát

Theo ghi nhận của chúng tôi, ngày 17/5 tại thôn Tà Nôi, xã Ma Nới (địa phương có đông đồng bào dân tộc Raglai sinh sống), huyện Ninh Sơn, hạn hán kéo dài khiến nguồn nước sử dụng của người dân khan hiếm. Để đối phó với tình trạng trên, hằng ngày, người dân phải mang can nhựa dọc theo con suối để cõng nước về tắm rửa, phục vụ chăn nuôi gia súc… Một số con suối, nước đã nổi rêu và đục ngầu nhưng người dân vẫn phải vét về chờ lắng xuống để sử dụng.

Đối với những người đến suối khi đã xế chiều thì việc tìm kiếm những giọt nước mang về là việc không hề dễ dàng. Mỗi người phải chờ vài tiếng đồng hồ nhưng cũng chỉ lấy được 1 - 2 can nhựa bởi nguồn nước theo các con suối đang dần cạn kiệt.

Dưới trời nắng chói chang, bà A Toa Thị Huỳnh (dân tộc Raglai trú thôn Tà Nôi) cho biết: Do thiếu nước nên cuộc sống rất vất vả. Hằng ngày, gia đình phải thường xuyên thay phiên đi lấy nước của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Ninh Thuận cung cấp cho địa phương. Tuy nhiên, nước này không được nhiều mà chỉ đủ uống.

“Riêng nước tắm giặt, người dân phải ra tận con suối để chờ múc nước mang về. Mỗi ngày, tôi lấy nước 2 lần, mỗi lần được 2 can. Nhiều lần mang can nhựa ra đây mà tôi lại phải về không bởi suối không có nước”, bà A Toa Thị Huỳnh xót xa nói.

Tương tự, ông Cà Mau Hà (dân tộc Raglai 58 tuổi, cùng trú tại thôn Tà Nôi) cho biết tình trạng thiếu nước sinh hoạt đã diễn ra nhiều tháng nay. Ngày nào, gia đình ông cũng mò ra suối để lấy được 6 can nước về tắm giặt. 

“Hơn 30 năm nay, tôi chưa thấy năm nào nắng hạn khốc liệt như vậy. Toàn bộ 1ha đất của gia đình tôi phải ngưng sản xuất. Giờ chỉ biết cầu trời cho nhanh qua những ngày tháng khốc liệt này. Có gia đình người lớn phải nhường trẻ em dùng nước trước”, ông Hà chia sẻ.

Nhiều trẻ em ở Ninh Sơn cũng phải mang can đi lấy nước phụ giúp gia đình
Nhiều trẻ em ở Ninh Sơn cũng phải mang can đi lấy nước phụ giúp gia đình

Đời sống rất khó khăn

Ông Nghiêm Văn Vinh - Chủ tịch UBND xã Ma Nới cho biết, do nắng hạn nên 800ha diện tích đất của địa phương phải ngưng sản xuất. Toàn xã có 6 thôn, trong đó, thôn Tà Nôi đang trong tình trạng thiếu nước sinh hoạt. Thôn Tà Nôi có 180 hộ/gần 700 nhân khẩu. Người dân nơi đây chủ yếu sống dựa vào sản xuất nông nghiệp. Giờ đâu đâu cũng cảnh khô cháy, cuộc sống rất khó khăn. Để giúp dân vượt qua thời điểm này, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Ninh Thuận liên tục hỗ trợ vận chuyển nước đến cho người dân sử dụng. Theo ông Vinh, nếu trong thời gian tới, thời tiết tiếp tục không mưa, 5 thôn còn lại sẽ thiếu nước sinh hoạt.

Theo đại tá Nguyễn Đình Sơn, Phó Chính ủy Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Ninh Thuận, trước mắt, việc vận chuyển nước sạch phục vụ cho Nhân dân thôn Tà Nôi có nước sinh hoạt sẽ kéo dài đến hết tháng 5. Tùy vào tình hình diễn biến của thời tiết trong thời gian tới, đơn vị sẽ tính tiếp.

Trước những diến biến khó lường của thời tiết, ông Lưu Xuân Vĩnh, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận, đã ký quyết định công bố cấp độ rủi ro thiên tai do hạn hán ở cấp độ 3 trên địa bàn toàn tỉnh, riêng hai huyện Thuận Nam và Thuận Bắc ở cấp độ 4. Tính đến ngày 17/5, mực nước tại 21 hồ chứa nước toàn tỉnh Ninh Thuận ở mức có 24,99 triệu m3, chiếm 12,84% tổng dung tích 194,49 triệu m3, đạt mức thấp nhất trong vòng 5 năm qua. Nhiều hồ đập đã cạn khô.

Tỉnh ủy Ninh Thuận cũng đã ban hành Chỉ thị số 67-CT/TU yêu cầu phải vận động Nhân dân chủ động dự trữ, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, giữ gìn vệ sinh nguồn nước. Cán bộ phải tăng cường đi cơ sở kiểm tra tình hình để kịp thời chỉ đạo, xử lý hiệu quả các vấn đề phát sinh trong quá trình triển khai thực hiện các giải pháp phòng, chống hạn, thiếu nước. UBND tỉnh, các sở, ban, ngành chức năng và UBND các huyện, thành phố nghiêm túc triển khai kế hoạch phòng, chống hạn với mục tiêu “không để người dân thiếu nước sinh hoạt, thiếu đói, phát sinh dịch bệnh; quản lý, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả; chăm sóc, bảo vệ và hạn chế thấp nhất thiệt hại đối với cây trồng, vật nuôi”.  Có ngay phương án hỗ trợ kịp thời cho người dân vùng hạn, nhất là hỗ trợ gạo cứu đói, giống cây trồng, vật nuôi, thức ăn cho gia súc, gia cầm…

Do nắng hạn nên 800ha diện tích đất của địa phương phải ngưng sản xuất. Toàn xã có 6 thôn, trong đó, thôn Tà Nôi đang trong tình trạng thiếu nước sinh hoạt. Thời gian tới, thời tiết tiếp tục không mưa, 5 thôn còn lại sẽ thiếu nước sinh hoạt”.

Ông Nghiêm Văn Vinh Chủ tịch UBND xã Ma Nới


Tin cùng chuyên mục
Nguyên Bình - Nơi sáng lên tình dân tộc, nghĩa đồng bào

Nguyên Bình - Nơi sáng lên tình dân tộc, nghĩa đồng bào

Do ảnh hưởng của cơn bão số 3, từ ngày 7 - 10/9, trên địa bàn tỉnh Cao Bằng, mưa lớn kéo dài liên tục, xảy ra lũ quét, sạt lở đất và ngập lụt trên diện rộng, đặc biệt ở huyện Nguyên Bình có 3 điểm sạt lở tại các xóm Khuổi Ngọa, Lũng Lỳ, xã Ca Thành và xóm Lũng Súng, xã Yên Lạc, làm chết, bị thương và mất tích nhiều người. Ngay khi mưa lũ xảy ra, các lực lượng tìm kiếm, cứu nạn đã nhanh chóng tiếp cận hiện trường, triển khai công tác ứng cứu.