Lễ hội cầu mùa của người Dao đỏ ở huyện Xín Mần thường được tổ chức từ tháng 10 Âm lịch năm cũ đến tháng 2 Âm lịch của năm mới. Mỗi gia đình trong dòng họ sẽ cử đại diện một người tham gia Lễ hội cầu mùa để mang may mắn về cho gia đình.
Người Dao tin rằng với sự thành kính của mình, trời và thần linh, tổ tiên sẽ luôn ban cho họ những vụ mùa tươi tốt, mưa thuận gió hòa. Đối với họ, niềm tin luôn đặt ở thần linh, thần rừng và ông trời, nếu họ thành kính, luôn dâng lễ vật cúng và cầu xin thì mọi điều họ muốn sẽ thành sự thực.
Theo phong tục, lễ vật dâng cúng thần linh trong lễ cầu mùa rất quan trọng và phải được chuẩn bị chu đáo. Mâm cúng gồm lợn, gà trống, gạo, bánh chưng, tiền...
Bên cạnh đó, các thầy cúng là người có uy tín nhất trong bản sẽ chuẩn bị đồ làm lễ gồm tranh thờ, tù và (sừng trâu), quần áo, chiêng, chũm chọe, chuông, trống, kèn Pí lè, sớ cầu trời, sách cúng - kiếm.
Lễ vật chuẩn bị xong, đại diện dòng họ mời thầy Tào, thầy mo đến và chuẩn bị nước tắm cho các thầy. Sau khi tắm xong, thầy Tào, thầy mo mang tranh thờ ra treo, người đại diện dòng họ mang lễ vật bày trước bàn thờ.
Sau đó, các thầy cúng sẽ thực hiện các nghi thức dâng cúng lễ vật mà gia chủ chuẩn bị để báo với tổ tiên cúng thổ công, long đất và những vị thần núi, thần rừng bao quanh làng. Đồng thời, thầy cúng bày tỏ mong muốn các đấng toàn năng phù hộ cho mọi bà con trong bản bình an, mạnh khỏe, mùa màng thì được bội thu…
Khi các thầy cúng xong phần lễ thì mọi người sẽ cùng nhau thổi kèn Pi lè, đánh trống, múa chuông để xua đuổi tà ma, ác thú và những điều không may mắn của năm cũ và cùng nhau múa trống, chiêng để cầu tài, cầu lộc, gia súc gia cầm mau về với với gia đình dòng họ và bản làng. Sau khi các thầy cúng xong thì hạ lễ và tổ chức ăn uống.
Trong khuôn khổ lễ hội, người Dao còn tổ chức thêm các hoạt động văn hóa văn nghệ, cùng các trò chơi dân gian đặc sắc như kéo co, đẩy gậy, ném còn…
Ông Triệu Chòi Chiêm - thầy cúng và là Người có uy tín trong cộng đồng Dao đỏ ở Xín Mần cho biết, Lễ hội cầu mùa của người Dao đỏ là nghi thức được tổ chức thường xuyên và được trao truyền qua nhiều đời. Qua thời gian, nhiều nghi thức trong lễ hội này đã được đồng bào giản lược cho phù hợp với đời sống hiện tại.
"Được sự giúp đỡ của các cấp chính quyền địa phương, chúng tôi sẽ ý thức hơn nữa về việc giữ gìn truyền thống này nói riêng và các nét đẹp văn hóa khác của dân tộc mình nói chung”, ông Triệu Chòi Chiêm nói.