Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Đa dạng mô hình giảm nghèo hỗ trợ người có công với cách mạng

Vân Khánh - Xuân Hải - 08:05, 15/09/2022

Trong Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xác định, hộ nghèo có thành viên là người có công với cách mạng là đối tượng được ưu tiên hỗ trợ tiếp cận các mô hình giảm nghèo, phát triển kinh tế. Việc đa dang hóa sinh kế hỗ trợ thân nhân người có công, sẽ góp phần hướng tới mục tiêu 100% gia đình chính sách, người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống của người dân địa phương nơi cư trú.

Thời gian qua, hơn 61.600 sổ tiết kiệm, với tổng kinh phí hơn 113,7 tỷ đồng đã được trao tặng cho người có công với cách mạng.
Thời gian qua, hơn 61.600 sổ tiết kiệm, với tổng kinh phí hơn 113,7 tỷ đồng đã được trao tặng cho người có công với cách mạng.

Đa dạng hóa sinh kế

Chiến tranh đã lùi xa, nhiều cựu chiến binh (CCB) dù thân thể không còn lành lặn, nhưng với quyết tâm “tàn nhưng không phế”, họ đã tích cực tăng gia sản xuất, phát triển kinh tế gia đình, đóng góp cho quê hương. Để tiếp sức cho các CCB, nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ đã được ban hành, thực thi. Trong đó, chính sách vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH), đã trở thành bệ đỡ để các CCB từng bước vươn lên phát triển kinh tế.

Trước đây, gia đình CCB Lê Huy Lập, thôn Vân Tảo, xã Cai Kinh (huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn), thuộc diện khó khăn, dù gia đình ông có đất sản xuất nhưng lại không có vốn. Năm 2018, từ hướng dẫn của Hội CCB xã, ông làm hồ sơ vay 30 triệu đồng của Ngân hàng CSXH huyện để mua vật tư chăm sóc 2ha na dai; nhờ đó, năng suất, chất lượng quả tăng lên.Từ năm 2018 đến nay, trừ chi phí, gia đình ông có thu nhập 200 triệu đồng/năm, vươn lên trở thành hộ có mức sống trung bình khá của xã Cai Kinh.

Ông Lập là một trong gần 1,1 triệu lượt khách hàng tiếp cận vốn vay ưu đãi của Ngân hàng CSXH được ủy thác qua Hội CCB các cấp. Theo số liệu của Ngân hàng CSXH Việt Nam, đến cuối năm 2021, tổng dư nợ uỷ thác do Hội CCB các cấp quản lý là gần 37.630 tỷ đồng, chiếm 16,85% tổng dư nợ uỷ thác của NHCSXH tại 18 chương trình cho vay.

Cùng với cho vay phát triển sản xuất, Ngân hàng CSXH cũng đã triển khai có hiệu quả chính sách cho vay đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài đối với gia đình chính sách, thân nhân người có công với cách mạng. Mô hình xuất khẩu lao động đã góp phần giảm nghèo, tăng giàu cho gia đình người có công, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Trước đây, gia đình ông Hồ Công Tâm, ở thôn Pa Ring- Câm Sâm, xã Hồng Hạ (huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế) là một trong những hộ nghèo của xã, kinh tế của gia đình 5 người dựa vào 3 sào ruộng, 3 ha diện tích rừng trồng và chăn nuôi gia súc gia cầm trong vườn.

 Năm 2018, được tiếp cận vốn vay 50 triệu đồng từ Ngân hàng CSXH, ông động viên con trai xuất khẩu lao động sang Nhật Bản. Đi làm việc ở nước ngoài, trung bình mỗi tháng, con ông gửi về nhà gần 20 triệu đồng, giúp gia đình trang trải nợ nần, lo cho các em ăn học. Đến nay, gia đình ông Tâm không những trả hết nợ cho Ngân hàng CSXH huyện mà còn chính thức thoát khỏi danh sách các hộ nghèo trên địa bàn xã.

Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” tỉnh Đắk Lắk trao tặng mô hình chăn nuôi bò sinh sản cho bà Hoàng Thị Niềm, người có công giúp đỡ cách mạng, ở xã Ea Knuếc, huyện Krông Păk. (Ảnh: daklak.gov.vn)
Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” tỉnh Đắk Lắk trao tặng mô hình chăn nuôi bò sinh sản cho bà Hoàng Thị Niềm, người có công giúp đỡ cách mạng, ở xã Ea Knuếc, huyện Krông Păk. (Ảnh: daklak.gov.vn)

Những lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài như con của ông Tâm, đã và đang đóng góp vào sự phát kinh tế - xã hội chung của đất nước. Thông tin tại Hội nghị Tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị 16-CT/TW ngày 08/5/2012 của Ban Bí thư khóa XI về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đưa người lao động và chuyên gia Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài” tổ chức tại Hà Nội ngày 25/8/2022 cho thấy, thu nhập của người lao động làm việc ở nước ngoài tương đối ổn định. Bình quân đạt 200 triệu đồng người/năm, cao hơn nhiều so với làm việc trong nước cùng ngành nghề; bình quân mỗi năm, người đi làm việc ở nước ngoài gửi về nước khoảng 10 tỷ USD.

Tiếp sức chữa lành vết thương chiến tranh

Bên cạnh nguồn lực của Nhà nước, việc hỗ trợ sinh kế cho gia đình chính sách, thân nhân người có công với cách mạng, cũng nhận được sự chung tay của toàn xã hội. Trong đó, nguồn lực hỗ trợ sinh kế thông qua Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” được triển khai ở các địa phương mang lại hiệu quả thiết thực.

Đơn cử như tại tỉnh Đắk Lắk, từ nguồn Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” của tỉnh năm 2020, tỉnh đã trao tặng mô hình phát triển kinh tế cho 32 đối tượng người có công với cách mạng thuộc diện hộ nghèo tại các huyện Krông Pắk, Ea Kar, Krông Bông; Krông Năng; Lắk, Ea Súp, M’Đrắk. Các mô hình kinh tế cũng rất đa dang, gồm hỗ trợ xây dựng mô hình chăn nuôi bò, kinh doanh buôn bán nhỏ lẻ, xây dựng hệ thống nước sạch sinh hoạt; tặng sổ tiết kiệm;… Đây là hình thức hỗ trợ kịp thời để các hộ nghèo có thành viên là người có công với cách mạng để vươn lên; đồng thời khuyến khích các hộ gia đình xây dựng mô hình phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững.

Người có công với cách mạng được quan tâm chăm sóc sức khỏe. (Trong ảnh: CCB được chăm sóc, điều dưỡng tại Trung tâm Điều dưỡng thương binh Duy Tiên – Hà Nam)
Người có công với cách mạng được quan tâm chăm sóc sức khỏe. (Trong ảnh: CCB được chăm sóc, điều dưỡng tại Trung tâm Điều dưỡng thương binh huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam)

Nguồn lực hỗ trợ kịp thời từ ngân sách, cũng như từ sự sẻ chia của xã hội đã góp phần nâng cao đời sống vật chất, lẫn tinh thần cho gia đình chính sách, người có công với cách mạng. Đặc biệt, việc hỗ trợ phát triển kinh tế sẽ tiếp sức cho gia đình chính sách, thân nhân người có công được chăm sóc sức khỏe, góp phần chữa lành vết thương chiến tranh.

Gia đình chị Nguyễn Thị Nguyệt - thân nhân liệt sĩ là một hộ cận nghèo ở xóm U, xã Tân Hòa, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên. Kinh tế gia đinh vốn đã khó khăn, chị lại bị suy thận, mỗi năm phải lọc máu ít nhất 2 lần với chi phí điều trị và tiền thuốc lên đến hàng chục triệu đồng.

Năm 2019, chị Nguyệt được Ngân hàng CSXH huyện Phú Bình cho vay 50 triệu đồng từ chương trình dành cho hộ cận nghèo. Với số tiền này, chị đã mua 2 con bò nái, sửa chữa chuồng trại nuôi 1.000 con gà và trồng 0,5ha keo lấy gỗ. Cùng với việc vay vốn, chị còn được cán bộ khuyến nông xã, Hội Liên hiệp Phụ nữ tạo điều kiện cho tham gia các lớp tập huấn về trồng trọt, chăn nuôi. Kinh tế bớt khó khăn, chị cũng yên tâm chữa trị bệnh, làm tròn bổn phận chăm lo cho gia đình và thờ cúng liệt sĩ.

Theo Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, Đảng, Nhà nước ta đã quan tâm chăm lo cho người có công với cách mạng và thân nhân người có công bằng những chính sách cụ thể. Đó là chăm sóc sức khoẻ, bảo hiểm y tế, ưu tiên giao đất sản xuất, hỗ trợ cải thiện về nhà ở, đất ở, các chương trình dạy nghề, tạo việc làm; thực hiện chính sách về giáo dục, đào tạo; mở rộng hệ thống cơ sở dịch vụ và sự nghiệp phục vụ thương binh; đẩy mạnh tìm kiếm và quy tập hài cốt liệt sĩ; xây dựng và tu bổ, tôn tạo hàng nghìn nghĩa trang liệt sĩ…

Chăm lo cho người có công với cách mạng nhận được sự hưởng ứng và tham gia nhiệt tình của toàn xã hội, trở thành phong trào sâu rộng, một nét đẹp trong đời sống văn hoá. (Ảnh minh họa)
Chăm lo cho người có công với cách mạng nhận được sự hưởng ứng và tham gia nhiệt tình của toàn xã hội, trở thành phong trào sâu rộng, một nét đẹp trong đời sống văn hoá. (Ảnh minh họa)

Cùng với việc thực hiện các chính sách ưu đãi của Đảng và Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và đoàn thể các cấp, các đơn vị quân đội, công an, doanh nghiệp và các cá nhân trong và ngoài nước cũng đã tích cực tổ chức nhiều hoạt động cũng như huy động nhiều lực lượng tham gia phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” với nhiều hoạt động rất cụ thể, thiết thực. 

Những việc làm đầy trách nhiệm và tình nghĩa đó đã nhận được sự hưởng ứng và tham gia nhiệt tình của toàn xã hội, trở thành phong trào sâu rộng, một nét đẹp trong đời sống văn hoá, góp phần quan trọng vào việc củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, nâng cao tinh thần yêu nước, khơi dậy và bồi đắp những giá trị nhân văn sâu sắc, góp phần chữa lành các vết thương do chiến tranh để lại. 

Tin cùng chuyên mục
Tăng cường nâng cao năng lực cho người dân vùng DTTS và miền núi Nghệ An

Tăng cường nâng cao năng lực cho người dân vùng DTTS và miền núi Nghệ An

Nhằm thúc đẩy đồng bào các DTTS phát triển toàn diện trên các lĩnh vực đời sống, kinh tế, xã hội, trong nhiều năm qua, việc nâng cao kiến thức, trình độ, năng lực… cho người dân vùng đồng bào DTTS và miền núi Nghệ An được các cấp, các ngành trong tỉnh rất quan tâm. Đặc biệt, từ khi triển khai Chương trình MTQG phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn I: từ năm 2021-2025 (Chương trình MTQG 1719) nội dung này càng được thực hiện bài bản, quyết liệt hơn nhờ nguồn lực đầu tư, hỗ trợ của Chương trình.