Ia Grai là huyện biên giới của tỉnh Gia Lai. Dù điều kiện kinh tế - xã hội còn không ít khó khăn nhưng cấp ủy, chính quyền địa phương đặc biệt quan tâm chăm lo cho người có công với cách mạng, nhất là trong việc ổn định cuộc sống và phát triển sinh kế.
Nhờ đó, hộ nghèo có thành viên là người có công trên địa bàn chiếm tỷ lệ nhỏ trong tổng số hộ nghèo toàn huyện. Toàn huyện hiện còn 2.906 hộ nghèo (chiếm 10,76%), trong đó có 22 hộ nghèo thuộc đối tượng chính sách, người có công với cách mạng.
Năm 2022, huyện Ia Grai đã ban hành và triển khai Kế hoạch số 74/KH-UBND về công tác giảm nghèo cho các đối tượng chính sách, người có công trên địa bàn. Sau khi khảo sát thực tế và trên cơ sở đề xuất của gia đình, UBND huyện đã thống nhất hỗ trợ kinh phí xây dựng 3 căn nhà (50-60 triệu đồng/căn); sửa chữa 3 căn nhà (20 triệu đồng/căn); 16 hộ còn lại được hỗ trợ bằng hình thức: trao bò giống, heo giống, phân bón, làm chuồng nuôi heo. Huyện đặt mục tiêu đến cuối năm 2022, 100% số hộ chính sách, người có công trên địa bàn thoát nghèo
Gia đình bà Rơ Mah Bâu, sinh năm 1953 ở làng Kép là một trong hai hộ nghèo thuộc đối tượng gia đình người có công còn lại của thị trấn Ia Kha, huyện Ia Grai. Từng tham gia lực lượng du kích địa phương và bị địch bắt tù đày, bà Rơ Mah Bâu có 5 người con đều đã ở riêng. Cách đây 2 năm, bà đã được hỗ trợ xây nhà mới và 2 con bò để làm sinh kế; ngoài ra bà còn được trợ cấp hằng tháng. Thực hiện Kế hoạch số 74/KH-UBND của UBND huyện Ia Grai, năm 2022 này, bà Rơ Mah Bâu tiếp tục được hỗ trợ phân bón cho vườn cà phê, với số tiền hỗ trợ là 5 triệu đồng.
Thực tế, gia đình bà Rơ Mah Bâu cũng như 21 hộ gia đình chính sách, người có công trên địa bàn huyện Ia Grai từ năm 2020 trở về trước đã không thuộc diện hộ nghèo. Bởi theo báo cáo của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) tỉnh Gia Lai, hết năm 2020, toàn tỉnh không còn hộ nghèo là gia đình chính sách, người có công. Nhưng khi áp dụng chuẩn nghèo giai đoạn 2021 – 2025 (bắt đầu áp dụng từ ngày 1/1/2022) với các tiêu chí cao hơn giai đoạn 2016 - 2020, do thiếu hụt một số chỉ số dịch vụ xã hội cơ bản nên gia đình bà Rơ Mah Bâu mới trở thành hộ nghèo.
Được biết, toàn tỉnh Gia Lai có trên 65.000 gia đình chính sách, người có công với cách mạng. Những năm qua, phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” được cấp ủy, chính quyền địa phương trong tỉnh quan tâm thực hiện bằng nhiều hình thức và đạt kết quả tích cực. Cùng với việc thực hiện đầy đủ các chế độ ưu đãi cho cá nhân và gia đình người có công, các địa phương rà soát nắm thông tin những trường hợp còn gặp khó khăn về đời sống để có giải pháp hỗ trợ phù hợp. Các cấp ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh cũng đã triển khai các giải pháp để huy động nguồn lực hỗ trợ nhằm tạo điều kiện cho gia đình chính sách, người có công tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, trong đó có việc vay vốn để phát triển sản xuất kinh doanh.
Không để hộ người có công thuộc diện hộ nghèo
Cũng như tỉnh Gia Lai, thời gian qua, các địa phương trên cả nước đã quan tâm giảm nghèo với các trường hợp gia đình chính sách, người có công. Chỉ tính riêng giai đoạn 2016 – 2020, công tác giảm nghèo cho gia đình chính sách, người có công đã đạt được những kết quả rất ấn tượng.
Theo báo cáo của Bộ LĐTB&XH, tại thời điểm cuối năm 2018, khi áp dụng chuẩn nghèo giai đoạn 2016 – 2020, cả nước còn 16.560 hộ nghèo có thành viên thuộc đối tượng chính sách người có công tại 53/63 tỉnh, thành phố; trong đó có 10 tỉnh thành phố không còn hộ nghèo là gia đình chính sách, người có công. Đến năm 2020, số địa phương đạt được kết quả đáng ghi nhận này tăng lên thành 21 tỉnh, thành phố.
Để có được kết quả này, bên cạnh các chính sách an sinh xã hội thì gia đình chính sách, người có công cũng đã được tiếp cận các chính sách hỗ trợ về sinh kế, ổn định cuộc sống. Đối với ưu đãi về nhà ở, sau hai giai đoạn triển khai (giai đoạn 2013 - 2017 và giai đoạn 2017 - 2019), việc hỗ trợ nhà ở đối với người có công với cách mạng tại các tỉnh, thành phố đã hoàn thành với tổng số 393.707 hộ người có công được hỗ trợ, tổng kinh phí thực hiện hơn10.653 tỷ đồng.
Thực hiện Chỉ thị số 31/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho con liệt sĩ, con thương binh nặng, con bệnh binh nặng, theo báo cáo của các địa phương, đến nay, đã có khoảng 49.000 người có công và con của họ được hỗ trợ đào tạo nghề ở trình độ sơ cấp (dưới 3 tháng), trong đó có trên 24.000 người được đào tạo nghề nông nghiệp và 25.000 người được đào tạo nghề phi nông nghiệp.
Đặc biệt, theo báo cáo của Bộ LĐTB&XH, công tác chăm lo cho gia đình chính sách, người có công nhận được sự chung tay của toàn xã hội. Tính từ năm 2012-2021, Quỹ Đền ơn đáp nghĩa cả nước huy động được gần 7.370 tỷ đồng, trong đó quỹ Trung ương đạt gần 45 tỷ đồng, Quỹ địa phương đạt hơn 7.320 tỷ đồng.
Về hỗ trợ nhà tình nghĩa, cả nước đã vận động được trên 13.000 tỷ đồng để hỗ trợ cho gần 153.300 hộ gia đình người có công xây dựng mới trên 84.000 căn nhà và sửa chữa trên 69.000 căn nhà; tặng gần 126.000 sổ tiết kiệm cho gia đình chính sách với tổng số tiền trên 1.000 tỷ đồng và hỗ trợ một số trường hợp đặc biệt khó khăn. Hiện nay, có 3.625 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng còn sống được các tổ chức nhận chăm sóc, phụng dưỡng suốt đời… Với sự chăm lo đó, đến nay, 98,6% hộ gia đình chính sách, người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của người dân nơi cư trú.
Trong giai đoạn 2021 – 2025, Bộ LĐTB&XH sẽ tiếp tục thực hiện hiệu quả chính sách ưu đãi người có công với cách mạng; huy động mọi nguồn lực trong xã hội, cộng đồng cùng nhà nước chăm sóc tốt hơn đời sống vật chất, tinh thần của người có công với cách mạng… Các cấp, ngành, địa phương nỗ lực để đạt mục tiêu đến năm 2025, đạt 100% hộ gia đình người có công với cách mạng có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống của người dân địa phương nơi cư trú; phấn đấu để không còn hộ người có công thuộc diện hộ nghèo.