Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Đa dạng hóa nguồn lực để phát triển Bảo hiểm xã hội tự nguyện bền vững ở miền núi

Khánh Thư - 16:22, 29/07/2024

Sinh kế của đại bộ phận người dân miền núi, vùng DTTS chủ yếu dựa vào sản xuất nông, lâm nghiệp, thu nhập bấp bênh; phần lớn lao động chưa quan tâm đến an sinh xã hội khi tuổi xế chiều... Đây là những nguyên nhân khiến công tác phát triển bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện ở địa bàn này thường gặp nhiều khó khăn. Việc tăng mức lương hưu, trợ cấp BHXH, cùng với đó là những giải pháp để tăng cường xã hội hóa nguồn lực được kỳ vọng sẽ góp phần mở rộng diện bao phủ BHXH ở khu vực miền núi.

(BÀI CHUYÊN ĐỀ) Đa dạng hóa nguồn lực để phát triển bảo hiểm xã hội tự nguyện bền vững ở miền núi
Công tác tuyên truyền vẫn cần được ngành BHXH Việt Nam, cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp thực hiện kiên trì, thường xuyên ở những vùng khó khăn. (Trong ảnh: BHXH huyện Quỳnh Nhai tuyên truyền cho người dân về những lợi ích khi tham gia BHXH tự nguyện và BHYT - Ảnh: Kiều Giang)

“Cú hích” để phát triển BHXH tự nguyện

Theo báo cáo của BHXH Việt Nam, đến hết tháng 6/2025, cả nước có khoảng 1,62 triệu người tham gia BHXH tự nguyện. Trước đó, hết tháng 5/2024, số lượng tham gia BHXH tự nguyện cả nước là khoảng 1,45 triệu người.

Như vậy, số người tham gia BHXH tự nguyện trong tháng 6/2024 đã tăng đột biến so với tháng trước, tăng 170 nghìn người. Sở dĩ gọi là “đột biến” là bởi, theo số liệu của BHXH Việt Nam, từ tháng 6/2023 đến tháng 6/2024, cả nước cũng chỉ tăng được 202 nghìn người tham gia BHXH tự nguyện.

Công tác BHXH tự nguyện đạt được sự tăng trưởng mạnh như vậy chỉ trong vòng 1 tháng, trước hết xuất phát từ hiệu ứng của những quy định mới trong Luật BHXH (sửa đổi). Trước đây, chính sách BHXH tự nguyện chưa thu hút được sự quan tâm của người dân vì thời gian tham gia dài, chỉ có chế độ hưu trí và tử tuất, chưa có thêm được chế độ ốm đau, thai sản. 

Nhưng hiện nay, Luật BHXH (sửa đổi) đã có nhiều điều chỉnh cho phù hợp với thực tế. Luật BHXH mới về cơ bản đã bảo đảm tốt nhất quyền, lợi ích cho lao động; nhất là những quy định liên quan đến việc hỗ trợ kinh phí từ ngân sách nhà nước.

Với chính sách BHXH tự nguyện hiện hành, ngân sách nhà nước sẽ hỗ trợ hộ nghèo 30%, cận nghèo 25%, và đối tượng khác là 10% mức đóng (tính theo mức chuẩn hộ nghèo nông thôn). Đây cũng là một trong những “cú hích” để phát triển BHXH tự nguyện.

Nhưng những quy định mới của Luật BHXH (sửa đổi) phải sau ngày 01/7/2025 mới có hiệu lực. “Cú hích” cho sự tăng trưởng mạnh của BHXH tự nguyện trong 02 tháng gần đây xuất phát từ những chính sách mới về lương hưu, trợ cấp BHXH và trợ cấp hằng tháng theo Nghị định số 75/2024/NĐ-CP ngày 30/6/2024 của Chính phủ; có hiệu lực từ ngày 01/7/2024.

Theo quy định tại Nghị định số 75/2024/NĐ-CP, từ ngày 01/7/2024, người đang hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp hằng tháng sẽ được tăng thêm 15% trên mức lương hưu, trợ cấp BHXH và trợ cấp hằng tháng của tháng 6/2024.

Cụ thể, sau khi điều chỉnh tăng thêm 15% trên mức lương hưu, trợ cấp BHXH và trợ cấp hằng tháng của tháng 6/2024, có mức hưởng thấp hơn 3,5 triệu đồng/tháng thì được điều chỉnh tăng thêm như sau: Tăng thêm 300 nghìn đồng/người/tháng đối với những người có mức hưởng dưới 3,2 triệu đồng/người/tháng; tăng lên bằng 3,5 triệu đồng/người/tháng đối với những người có mức hưởng từ 3,2 triệu đồng/người/tháng đến dưới 3,5 triệu đồng/người/tháng.

Rõ ràng, những quy định mới về lương hưu, trợ cấp BHXH và trợ cấp hằng tháng theo Nghị định số 75/2024/NĐ-CP và các chế độ mới theo Luật BHXH sửa đổi (ngoài hưu trí và tử tuất thì còn có thêm được chế độ ốm đau, thai sản; thời gian hưởng BHXH được rút xuống còn 15 năm,...) đã “kích thích” nhu cầu tham gia BHXH tự nguyện của người lao động, nhất là lao động ở khhu vực phi chính thức.

Vẫn khó ở miền núi

Cũng cần thấy rằng, mặc dù có tăng, thậm chí là tăng đột biến trong 02 tháng gần đây, nhưng số lao động tham gia BHXH tự nguyện của cả nước vẫn còn khiêm tốn. Theo số liệu của BHXH Việt Nam, hiện cả nước có tới hơn 35 triệu lao động chưa có điều kiện tham gia BHXH; chủ yếu thuộc khu vực không có quan hệ lao động như: nông thôn, lao động thời vụ, lao động tự do, lao động người DTTS… Trong khi cả nước mới có 1,62 triệu người tham gia BHXH tự nguyện, tính đến hết tháng 6/2024.

Theo các chuyên gia trong lĩnh vực BHXH, với những về chính sách mới vừa được ban hành, diện bao phủ BHXH tự nguyện dự báo sẽ được mở rộng trong thời gian tới. Đây cũng được kỳ vọng là “cú hích” để làm thay đổi suy nghĩ của người lao động ở miền núi, vùng DTTS, tích cực tham gia BHXH tự nguyện.

(BÀI CHUYÊN ĐỀ) Đa dạng hóa nguồn lực để phát triển bảo hiểm xã hội tự nguyện bền vững ở miền núi 1
Cần phát huy vai trò của Người có uy tín trong công tác vận động đồng bào DTTS tham gia BHXH tự nguyện. (Ảnh: BHXH Việt Nam)

Thực tế cho thấy, do sinh kế chủ yếu dựa vào sản xuất nông, lâm nghiệp, thu nhập bấp bênh; ngoài ra phần lớn lao động ở địa bàn này không quan tâm đến an sinh xã hội khi tuổi xế chiều nên số lượng lao động tham gia BHXH ở vùng DTTS và miền núi rất thấp. Theo báo cáo của BHXH Việt Nam, tính đến tháng 9/2023, số người DTTS tham gia BHXH tự nguyện là 122.377; trong đó, số người DTTS tại 25 tỉnh có đường biên giới đất liền tham gia BHXH tự nguyện là 70.196 người.

Từ năm 2024 đến nay, những quy định mới về Luật BHXH (sửa đổi) cũng như chính sách mới về lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp hằng tháng đã được ngành BHXH Việt Nam, các phương tiện thông tin đại chúng tuyên truyền rộng rãi, nhưng việc phát triển BHXH tự nguyện ở vùng DTTS và miền núi vẫn chưa đạt như kỳ vọng.

Đơn cử tại Lai Châu, năm 2024, BHXH tỉnh được giao chỉ tiêu gần 16.000 người tham gia BHXH tự nguyện; đến hết tháng 4, toàn tỉnh có hơn 6.000 người tham gia, đạt 38% kế hoạch năm. Thậm chí, khi những “cú hích” để mở rộng diện bao phủ đã được ban hành, nhưng ở một địa phương miền núi lại đang có xu hướng giảm số người tham gia BHXH tự nguyện.

Như tỉnh Kon Tum, tính đến giữa tháng 7/2024, toàn tỉnh có gần 17.800 người tham gia BHXH tự nguyện, giảm 233 người so với cuối năm 2023. Tính đến giữa tháng 7/2024, tỉnh này đạt tỷ lệ 5,6% số người trong độ tuổi lao động tham gia BHXH tự nguyện.

Điều này cho thấy, để mở rộng diện bao phủ BHXH tự nguyện, công tác tuyên truyền vẫn cần được ngành BHXH Việt Nam, cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp thực hiện kiên trì, thường xuyên ở những vùng khó khăn. Nội dung tuyên truyền cần tập trung là rõ ý nghĩa thiết thực của chính sách BHXH và những quy định mới về lương hưu, trợ cấp BHXH và trợ cấp hằng tháng theo Nghị định số 75/2024/NĐ-CP cũng như các chế độ về hưu trí, tử tuất; chế độ ốm đau, thai sản; quy định về thời gian hưởng BHXH,... được quy định tại Luật BHXH (sửa đổi).

Huy động nguồn lực để tăng tính bền vững

Để hỗ trợ người dân, hiện ngân sách nhà nước đang hỗ trợ hộ nghèo, hỗ cận nghèo và đối tượng khác một phần kinh phí đóng BHXH tự nguyện. Đây là chính sách thể hiện sự quan tâm của Nhà nước đối với người dân, nhất là hộ nghèo ở khu vực miền núi, đời sống cần thời gian dài mới có thể bứt phá đi lên và thay đổi nhận thức về BHXH tự nguyện.

Chương trình tặng sổ BHXH cho người có hoàn cảnh khó khăn là hoạt động nhằm lan tỏa chính sách an sinh của Nhà nước; huy động sâu rộng sự tham gia của công chức, viên chức, người lao động trong toàn ngành BHXH Việt Nam và cộng đồng xã hội để tặng sổ BHXH cho người có hoàn cảnh khó khăn.
Ông Chu Mạnh Sinh
Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam

Tuy nhiên, cũng cần thấy rằng, BHXH tự nguyện là chính sách lâu dài. Trong khi đó, khu vực miền núi, nơi tập trung sinh sống của đồng bào DTTS, có tỷ lệ nghèo cao.

Một thực trạng là, dù đã tham gia BHXH tự nguyện nhưng khi đến thời điểm đóng bảo hiểm, người dân gặp khó khăn về tài chính, hoặc bị thiệt hại do thiên tai, hoặc bị tác động bởi những tư tưởng bên ngoài về việc thụ hưởng chính sách, người dân sẵn sàng hủy bỏ quá trình đóng và không tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện.

Vì vậy, việc huy động các nguồn lực khác để tăng mức hỗ trợ đóng, mua tặng BHXH tự nguyện cho hộ nghèo, người lao động có hoàn cảnh khó khăn là giải pháp để tăng tính bền vững của việc phát triển BHXH tự nguyện ở miền núi, vùng DTTS.

Thời gian qua, ngoài ngân sách Trung ương, một số địa phương vùng DTTS đã ban hành chính sách hỗ trợ tăng thêm 10% đối với người tham gia BHXH tự nguyện thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo. 

Như tỉnh Quảng Nam, giai đoạn 2022 – 2025, tỉnh trích khoảng 37,2 tỷ đồng từ ngân sách địa phương để thực hiện chính sách hỗ trợ mua BHXH tự nguyện. Theo đó, hộ nghèo trên địa bàn tỉnh được hỗ trợ 30%, cận nghèo là 35%, và đối tượng khác là 15% mức đóng BHXH, tăng 10% so với mức chung.

(BÀI CHUYÊN ĐỀ) Đa dạng hóa nguồn lực để phát triển bảo hiểm xã hội tự nguyện bền vững ở miền núi 3
Chương trình “Tặng sổ BHXH, thẻ BHYT cho người có hoàn cảnh khó khăn và mang tết ấm đến với người nghèo” do Cơ quan BHXH Việt Nam phát động từ năm 2020 đến đã thu hút hàng ngàn doanh nghiệp, các nhà hảo tâm tham gia. (Trong ảnh: Đại diện BHXH Việt Nam trao tặng sổ bảo hiểm xã hội, thẻ bảo hiểm y tế cho người dân khó khăn ở làng Ia Nueng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai tháng 12/2022)

Ngoài ra, bên cạnh tăng thêm mức hỗ trợ, thì một số địa phương cũng có chính sách để khuyến khích đồng DTTS tham gia BHXH tự nguyện. Tại Sơn La, tỉnh đã và đang thực hiện chính sách hỗ trợ 20% mức đóng đối với người tham gia BHXH tự nguyện thuộc hộ gia đình làm nông, lâm, ngư, nghiệp có mức sống trung bình và người DTTS.

Cùng với việc trích ngân sách địa phương để hỗ trợ thêm mức đóng, thì việc xã hội hóa nguồn lực để tăng diện bao phủ BHXH tự nguyện cũng cần được đẩy mạnh. Trong đó, với việc triển khai Chương trình “Tặng sổ BHXH, thẻ BHYT cho người có hoàn cảnh khó khăn và mang tết ấm đến với người nghèo” do Cơ quan BHXH Việt Nam phát động từ năm 2020 đến đã thu hút hàng ngàn doanh nghiệp, các nhà hảo tâm tham gia. Tính đến hết năm 2023, đã có khoảng 7.600 sổ BHXH được trao tặng cho người có hoàn cảnh khó khăn trên cả nước.

Theo báo cáo của BHXH Việt Nam, trong 6 tháng đầu năm 2024, ngành BHXH Việt Nam ước giải quyết và chi trả cho gần 8 triệu người hưởng các chế độ BHXH; đồng thời phối hợp với ngành Lao động – Thương binh và Xã hội giải quyết 442,38 nghìn người có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp được lập danh sách chi trả trong tháng. Công tác giải quyết chế độ, chính sách BHXH đảm bảo đầy đủ, kịp thời, qua đó đã góp phần hỗ trợ, ổn định cuộc sống của người lao động và Nhân dân.

Tin cùng chuyên mục
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Sáng 9/11, tại Tp. Pleiku, tỉnh Gia Lai, Ủy ban Dân tộc phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719) khu vực miền Trung - Tây Nguyên và đề xuất nội dung Chương trình MTQG 1719 giai đoạn II từ năm 2026 - 2030.