Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Cao Bằng: Nâng cao nhận thức và sự chủ động của người dân tham gia BHXH, BHYT

Hồng Phúc - 02:35, 07/07/2024

Với mục tiêu bao phủ tiến tới Bảo hiểm y tế (BHYT) toàn dân, tỉnh Cao Bằng đang tích cực triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, phù hợp với thực tế địa phương để người dân nâng cao nhận thức và tích cực tham gia Bảo hiểm xã hội (BHXH), BHYT.

Truyền thông linh hoạt, phù hợp với thực tế

Với nguyên tắc “lấy số đông bù số ít” “người khỏe giúp đỡ người ốm”, người dân tham gia BHYT không chỉ được Quỹ an sinh xã hội quốc gia chia sẻ rủi ro về sức khỏe, mà còn là cơ hội để mỗi người chia sẻ lại với cộng đồng, góp phần đảm bảo an sinh xã hội bền vững tại địa phương.

Theo đó, những năm qua, công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện và BHYT hộ gia đình được BHXH các huyện, Thành phố trong tỉnh Cao Bằng triển khai thực hiện bằng nhiều hình thức linh hoạt, phù hợp với thực tế. BHXH địa phương thường xuyên phối hợp với các cơ quan thông tin truyền thông tại địa phương viết tin, bài phản ánh về tình hình, kết quả hoạt động của BHXH tỉnh trong các lĩnh vực nghiệp vụ; chú trọng truyền thông về ý nghĩa, vai trò và lợi ích của chính sách BHXH, bảo hiểm thất nghiệp, BHYT; truyền thông về những thiệt thòi khi rút BHXH một lần.

CĐ BÙI HẠ Cao Bằng: Nhiều giải pháp thực hiện mục tiêu bao phủ bảo hiểm y tế
Người dân KCB BHYT tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cao Bằng

Điển hình, từ đầu năm đến nay, có 110 tin, bài, phóng sự trên các phương tiện truyền thông; 630 tin, bài trên cổng thông tin điện tử, Fanpage Facebook, Zalo OA của BHXH tỉnh; phát thanh 1.030 lượt trên loa truyền thanh...

BHXH các huyện, Thành phố lồng ghép thực hiện, phát động phong trào thi đua, yêu cầu mỗi cán bộ, viên chức BHXH là một Tuyên truyền viên về chính sách BHXH, BHYT; chủ động tuyên truyền lợi ích của chính sách này đến người thân, bạn bè... Tổ chức tặng 52 sổ BHXH, 742 thẻ BHYT trị giá trên 200 triệu đồng cho người hoàn cảnh khó khăn tại các huyện, Thành phố.

Thông qua nhiều biện pháp tuyên truyền, vận động sáng tạo, linh hoạt, số người tham gia BHXH tự nguyện, BHYT trên địa bàn tỉnh ngày càng tăng. Các hoạt động truyền thông của ngành BHXH trở thành cầu nối để truyền tải, đưa các thông tin về chính sách BHXH, BHYT đến với các tầng lớp Nhân dân và người lao động, góp phần nâng cao nhận thức và sự chủ động của người dân trong việc tham gia và thụ hưởng chính sách BHXH, BHYT. 

Thông qua công tác truyền thông giúp người dân, người lao động nhận thức đầy đủ, ý nghĩa, lợi ích của việc tham gia BHXH, BHYT đối với bản thân và gia đình, từ đó tự giác tham gia như một nhu cầu tất yếu để đảm bảo cuộc sống và chăm sóc sức khỏe khi về già.

Bà Hoàng Thị Biếc, 57 tuổi, xóm Bản Giang - Bản Chang, xã Đình Phong (Trùng Khánh) nhập viện điều trị tại Bệnh viện Đa khoa huyện Trùng Khánh chia sẻ: Lúc khỏe tôi không nghĩ đến lợi ích của thẻ BHYT, nhưng nay bị bệnh nhờ có thẻ BHYT nên toàn bộ chi phí trong quá trình điều trị được thanh toán 100% nên tôi rất yên tâm. Mong mọi người tìm hiểu và tham gia BHYT để đỡ được gánh nặng cho gia đình khi gặp vấn đề rủi ro về sức khỏe.

Đạt tỷ lệ bao phủ BHYT trên 95,2%

Đến hết năm 2023, toàn tỉnh Cao Bằng có 52.692 người tham gia BHXH; trên 521.700 người tham gia BHYT với tỷ lệ bao phủ dân số 95,2%, nếu tính cả trên 10.000 người lao động của tỉnh tại địa phương trong cả nước, thì tỷ lệ bao phủ BHYT của tỉnh đạt trên 97% dân số, đạt chỉ tiêu độ bao phủ BHYT giai đoạn 2022 - 2025 Thủ tướng Chính phủ giao. 

Tỷ lệ tham gia BHXH đạt 31,2% lực lượng lao động, vượt 0,2% chỉ tiêu đề ra; tỷ lệ tham gia BHTN đạt 25,1% lực lượng lao động, vượt 0,1% chỉ tiêu đề ra; tỷ lệ tham gia BHYT vượt 0,2% chỉ tiêu đề ra. Để đạt được kết quả trên, một trong những giải pháp là tập trung phát triển đối tượng tiềm năng chưa tham gia và duy trì người đã tham gia.

CĐ BÙI HẠ Cao Bằng: Nhiều giải pháp thực hiện mục tiêu bao phủ bảo hiểm y tế 1
Viên chức Bảo hiểm xã hội tỉnh tuyên truyền, vận động người dân tham gia bảo hiểm y tế.

Cùng với đó, ngành BHXH tỉnh phối hợp chặt chẽ với ngành Y tế nâng cao chất lượng KCB BHYT, cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân. Hiện nay, BHXH tỉnh ký hợp đồng KCB BHYT với 22 cơ sở KCB trên địa bàn tỉnh.

Thời gian qua, trước tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế tại một số cơ sở KCB, BHXH tỉnh phối hợp với ngành Y tế kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong phạm vi BHXH tỉnh thực hiện. Đồng thời, kiến nghị Bộ Y tế, BHXH Việt Nam xem xét về cơ chế, chính sách nhằm đảm bảo cung ứng thuốc, vật tư trang thiết bị y tế phục vụ công tác KCB BHYT.

Theo đó, tình trạng thiếu thuốc tại các cơ sở KCB BHYT và khó khăn, vướng mắc trong sử dụng trang thiết bị y tế và thanh toán chi phí dịch vụ kỹ thuật thực hiện từ các trang thiết bị này cơ bản được giải quyết.

Năm 2023, toàn tỉnh có hơn 736.500 lượt người KCB BHYT, tăng 9,51% so với năm 2022; tổng chi phí KCB BHYT trên 376 tỷ đồng, việc giám định và thanh quyết toán đúng quy định, đảm bảo chi trong dự toán được Chính phủ giao, bảo vệ quyền lợi người tham gia BHYT.

Năm 2024, Ban Chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, BHYT tỉnh Cao Bằng đặt mục tiêu phấn đấu toàn tỉnh có 58.730 người tham gia BHXH, đạt 25,4% so với lực lượng lao động trong độ tuổi; 537.090 người tham gia BHYT, tỷ lệ bao phủ 97% dân số. 

Để triển khai hiệu quả các mục tiêu trên, tỉnh tiếp tục đổi mới, đa dạng hóa hình thức và phương pháp tuyên truyền; phân loại nhóm đối tượng tuyên truyền, trong đó tập trung vào nhóm đối tượng là người tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình. Nâng cao vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT. Tăng cường công tác quản lý nhà nước trong thực hiện chính sách BHXH, BHTN, BHYT đảm bảo chặt chẽ theo các quy định pháp luật hiện hành. 

Tin cùng chuyên mục
Cà Mau: Chú trọng thực hiện hiệu quả Chương trình MTQG 1719

Cà Mau: Chú trọng thực hiện hiệu quả Chương trình MTQG 1719

Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030; giai đoạn I: Từ năm 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719) đã và đang phát huy hiệu quả trên nhiều lĩnh vực về đời sống kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS tỉnh Cà Mau. Minh chứng như việc triển khai hiệu quả Dự án 1 của Chương trình, đã góp phần giải quyết cơ bản việc thiếu đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt trong vùng đồng bào DTTS ở địa bàn khó khăn.