Vượt qua lời nguyền
Hoàng Văn Mạnh quê ở tận Quảng Bình. Mấy chục năm trước, cha mẹ anh lênh đênh ra sông Lam mưu sinh rồi “đóng đô” ở đây luôn. Rồi bố mẹ lần lượt qua đời, hơi thở cuối cùng của họ cũng lênh đênh trên con thuyền này.
Mạnh nối nghiệp cha mẹ, rồi kết duyên với Phúc, cũng là dân sông nước với nhau. Chỉ có điều, quê Phúc ở ngay xã Hưng Châu, huyện Hưng Nguyên. Nói là quê nhưng Phúc cũng chưa từng thấy nhà mình có một mảnh đất cắm dùi và cũng chẳng có nghề ngỗng gì ngoài chài lưới.
Cưới nhau 10 năm, vợ chồng anh chị mới dựng tạm được căn nhà ở khối 15, phường Bến Thuỷ - TP. Vinh. Nói là nhà, bởi nó được xây bằng gạch và lợp mái tôn, chứ thực ra cũng rất tạm bợ, bên mé sông Lam. Kể từ đây, em trai Phúc – Đậu Văn Toàn cũng thôi học, làm nghề đánh bắt với anh chị.
Toàn nói, dân sông nước có một lời nguyền, nếu cứu người đuối nước thì chính mình phải thế mạng cho hà bá. Vì thế nên nhiều người làm nghề này họ không mặn mà cứu người đuối nước đâu. Nghe thế cũng sợ. Nhưng khi thấy người đuối nước, thì quên béng mất lời nguyền ấy.
Toàn bảo, lúc đó mình chẳng nghĩ gì ngoài việc cứu người. Lời nguyền đâu không biết, nhưng chắc chắn lương tâm mình sẽ cắn rứt nếu thấy chết mà không cứu giúp. “Nói thật, cũng có những trường hợp đáng ghét lắm, cái bọn nghiện ngập đó, nhưng khi họ gieo mình xuống sông, mình cũng phải bỏ lưới mà cứu vớt”, Toàn chia sẻ.
Dù sinh ra trên sông Lam, nhưng giọng của Hoàng Văn Mạnh vẫn đặc sệt Quảng Bình. Anh thủ thỉ: “Vui lắm khi mà những người được tụi em cứu sống sau đó có được cuộc sống hạnh phúc. Một cô gái bị người yêu phụ bạc, một người chồng bị vợ cắm sừng, một thanh niên là con nợ của bọn cho vay nặng lãi…Mỗi người có một lí do riêng để tìm đến cái chết, không ai giống ai. Nhưng phần lớn họ đã có cuộc sống tốt hơn, tìm được hạnh phúc mới, có công việc ổn định…mừng cho họ, mình cũng vui lây”.
Mạnh cũng cho biết, từ khi lập thuyền riêng, anh em đã vớt được gần 30 người cùng quẫn. “Có khi hơn nhưng em chỉ nhớ sơ sơ vậy thôi”, Mạnh nhẩm tính.
Nghe gọi là lao đi
Bữa tiệc đầu năm mới để chuẩn bị xuống thuyền của gia đình Mạnh đang ở độ cao trào, thì điện thoại Phúc vang lên. Đầu dây chỉ kịp thông báo, có người vừa nhảy cầu. Hai anh em Mạnh và Toàn bật dậy, vơ vội đèn pin, vụt lao đi trong đêm.
Chiếc thuyền máy vun vút hướng về cầu Bến Thuỷ, cách đó gần 300 mét. Thuyền vòng vèo hết lượt này đến lượt khác. Mạnh cầm lái, Toàn dọi đèn, hy vọng sớm tìm thấy nạn nhân. Hơn 30 phút quần thảo, tưởng như nạn nhân đã chìm sâu thì bất ngờ Toàn phát hiện được một mớ tóc. “Cô gái vẫn còn sống”, Toàn nói như reo.
Sau khi sơ cứu, cô ấy được anh em Mạnh đưa về nhà mình. Phúc không ngần ngại lấy quần áo mình thay cho cô, ủ ấm, rồi pha nước gừng giải cảm. Tiếng ú ớ của cô gái làm cả nhà rộn rịp, ai cũng tươi rói.
Lúc này, mọi người mới biết sự tình. Gia đình ép lấy chồng, lại nói cả chuyện tiền duyên với âm duyên… cô gái chịu không nổi, để lại thư tuyệt mệnh, gieo mình xuống dòng Lam. “Bữa đó nhằm ngày mồng 9 tháng Giêng vừa rồi”, Mạnhchia sẻ thông tin.
Sau đó không lâu, tiếng hô hoán “có người tự tử” vang lên từ trên cầu, anh em Mạnh – Toàn lại lao đi. Lúc đó khoảng 9 giờ sáng. Người nhảy cầu là một nam thanh niên. Nước chảy mạnh đã đẩy người này trôi cách chân cầu gần 500 mét. Nếu không tính toán được sức nước theo kinh nghiệm của anh em Mạnh, thì người đàn ông kia đã không được cứu, vì không ai ngờ nạn nhân đã trôi xa đến vậy.
Sau khi đưa nạn nhân lên thuyền, việc đầu tiên là hô hấp, ấn ngực để nước trào ra, và đó là công việc của Toàn. “Người này gần như đã chết, nhưng có lẽ do khi nhảy xuống, khát vọng sống trỗi dậy, nếu không, ít ai sống sót khi đã trôi xa trong một khoảng thời gian dài như vậy”, Toàn kể.
Cũng là lời của Toàn, bi đát lắm, các anh ạ. Làm ăn không ra, vợ bỏ lại hai con đi theo người khác. Gà trống nuôi con, nỗ lực hết mình mà vẫn không qua được cơn túng bấn. Thế là anh ấy đành chịu mang tội với hai con để tìm đến cái chết.
“Nghe anh ấy tâm sự sau khi từ cõi chết trở về mà em không cầm nổi nước mắt. Người ta quẫn bách quá mới tìm đến cái chết”, Toàn chưa thôi xúc động.
Vẫn chất giọng nhỏ nhẹ đặc sệt Quảng Bình, Mạnh cho biết: Có nhiều người quay trở lại nhận làm anh em, nhưng cũng có những người không liên lạc nữa. Có lẽ do họ ngại, hoặc lo sợ bị lộ chuyện. Vì thế mà anh em chúng tôi tuyệt đối giữ bí mật cho những người được cứu.
“Nếu 5 năm trước và đến bây giờ nữa, chúng tôi không giữ bí mật về cuộc tình trái ngang dẫn đến tự tử của cô gái kia, thì làm sao cô ấy có được hạnh phúc mới với một người chồng hết mực thương yêu. Hoặc người đàn ông vừa rồi, chắc chắn anh ấy sẽ không muốn con mình lớn lên biết chuyện cha nó đã từng tự tử. Người ta đã cùng đường mới tìm đến cái chết, đừng để họ phải đau đớn thêm một lần nữa”, Mạnh bộc bạch.
Chiều dần buông trên sông Lam, gió mùa Đông Bắc thốc vào mặt, hình ảnh Mạnh, Toàn lao mình giữa dòng nước xiết trong cái rét căm căm để cứu vớt những phận đời quẫn bách, làm tôi ấm lạ…