Ngay sau khi báo đăng, ngày 3/6, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai đã có ý kiến đề nghị Công an tỉnh chỉ đạo Công an huyện Trảng Bom khẩn trương điều tra, làm rõ vụ việc báo chí nêu; xử lý nghiêm các đối tượng có liên quan theo đúng qui định của pháp luật, báo cáo kết quả cho chủ tịch UBND tỉnh trước ngày 15/6.
Đồng thời, Ban Dân tộc tỉnh Đồng Nai cũng đã có công văn gửi Chủ tịch UBND huyện Trảng Bom đề nghị chỉ đạo các cơ quan chức năng xác minh vụ việc theo nội dung Báo Dân tộc và Phát triển phản ánh, để tránh vụ việc diễn biến phức tạp kéo dài, kẻ xấu lợi dụng. Đặc biệt, báo cáo tình hình liên quan đến việc đơn tố cáo của ông Nguyễn Văn Thông và bà Thổ Thị Chi bị nhiều người cầm tuýp sắt và dao kiếm đến đánh đập, gây thương tích, phải nhập viện cấp cứu nhiều ngày liền, gây thương tích nặng.
Ông Nguyễn Văn Khang, Trưởng Ban dân tộc tỉnh Đồng Nai cho biết: “Ngay sau khi Báo Dân tộc và phát triển đăng, Ban Dân tộc tỉnh cũng đã cử lãnh đạo phòng thanh tra và phòng nghiệp vụ xuống ấp Thuận An, xã Sông Thao huyện Trảng Bom xác minh, nắm tình hình đời sống, việc làm của người đồng bào dân tộc Chơ Ro. Ban Dân tộc tỉnh nhận thấy, đây là vấn đề đáng tiếc xảy ra trên địa bàn huyện Trảng Bom. Bởi, hành vi gây rối trật tự xã hội, mâu thuẫn giữa các cá nhân, gia đình trong ấp Thuận An dẫn đến tình trạng gây mấy an ninh trật tự, dẫn đến hậu quả thật khó lường. Ban Dân tộc tỉnh đã đề nghị chính quyền huyện Trảng Bom xem xét giải quyết kịp thời theo qui định của pháp luật, tránh xảy ra tình hình phức tạp như vừa qua, ảnh hưởng đến đời sống của đồng bào DTTS”.
Tuy nhiên, trái với động thái khẩn trương từ UBND tỉnh và Ban Dân tộc tỉnh Đồng Nai nói trên, theo tìm hiểu của phóng viên, đến nay đã quá thời hạn báo cáo cho cho lãnh đạo UBND tỉnh (ngày 15/6) nhưng chính quyền huyện, cũng như công an huyện Trảng Bom vẫn chưa có phản hồi chính thức về vụ việc mà Báo Dân tộc và Phát triển đã nêu.
Trở lại cuộc sống của người đồng bào Chơ Ro ở ấp Thuận An, những ngày qua, nhiều người dân nơi đây vẫn còn sống trong sợ hãi. Không ít người phải nghỉ việc ở những nơi gần nhà để đi xa tìm việc làm và luôn trong tình trạng phải đề phòng, né tránh những kẻ xấu vì sợ bị hành hung.
Riêng gia đình ông Nguyễn Văn Châu, vì thường xuyên bị nhóm người này lên quậy phá vào những ngày cuối tuần nên buộc ông phải bán nhà tình thương mà chính quyền từng xây dựng, giúp đỡ với giá rẻ mạt. Hàng ngày, ông Châu vẫn phải đi làm thuê, làm mướn, khi thì bóc hạt điều, lúc thì nhổ mì bữa được, bữa mất nên cuộc sống rất khó khăn.
Tương tự, gia đình bà Phạm Thị Liên cũng vì nơm nớp lo sợ bị đốt nhà giữa đêm khuya, sợ bị trả thù nên phải bán nhà để chuyển đi nơi khác ở. Chồng bà Liên vì quá lo sợ bị chặn đường đánh đập nên phải đi tới huyện Định Quán cách xa nhà mấy chục cây số để làm thuê, làm mướn kiếm kế sinh nhai.
Đáng nói là, cả gia đình ông Châu, bà Liên do thiếu hiểu biết pháp luật nên mua phải đất nông nghiệp, chưa chuyển đổi mục đích sử dụng nên không thể xây nhà. Giờ cả hai gia đình này đang rơi vào tình cảnh “tiến thoái lưỡng nan” đi cũng chẳng được, ở cũng không xong.
Không chỉ ông Châu, bà Liên bị ảnh hưởng phải sống khổ sở, bà Nguyễn Thị Nghẹ một người Chơ Ro sống trong ấp Thuận An buồn bã: Con tôi là Phạm Văn Hậu, do bị bệnh nên khi nhóm người lạ đến phá phách, đánh đập thì không thể chống đỡ, cũng không chạy được. Khi con tôi bị đánh, đưa đi viện thì không đủ chi phí giám định thương tật nên giờ về nằm nhà qua ngày.
"Gia đình tôi là người dân tộc Chơ Ro đã sinh sống lâu năm trên mảnh đất này nhưng vẫn nghèo đói, khổ cực. Nhờ ơn Đảng, ơn chính quyền địa phương các cấp nên chúng tôi mới được hỗ trợ xây nhà tình thương, tình nghĩa mới có cuộc sống ổn định như ngày hôm nay. Suốt nhiều năm qua, chúng tôi luôn giữ vững tinh thần đoàn kết, phát huy tình làng nghĩa xóm, tuân thủ pháp luật. Tuy nhiên, từ khi gia đình anh Quốc chuyển đến đã có những hành động thô bạo, hành hung, đánh đập nhiều người dẫn đến nguy hiểm đến tính mạng, phải nhập việc điều trị. Đề nghị các cấp chính quyền sớm có biện pháp xử lý nghiêm minh đối tượng Quốc và nhóm người lạ trả lại sự bình yên cho xóm làng”, bà Nghẹ mong mỏi.
Vụ việc này vì sao cho đến nay vẫn chưa được các cơ quan chức năng tỉnh Đồng Nai xử lý? Và chính quyền địa phương vẫn chưa có một giải pháp nào để đem lại sự bình yên cho người dân ấp Thuận An, trong đó phần lớn là đồng bào dân tộc Chơ Ro? Liệu Công an tỉnh Đồng Nai, huyện Trảng Bom có phớt lờ chỉ đạo của Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh?
Báo Dân tộc và Phát triển tiếp tục theo dõi vụ việc để thông tin đến bạn đọc.