Vẽ dự án “ma” nhằm chiếm đoạt tài sản
Công an TP. Hồ Chí Minh vừa khởi tố vụ án, bắt tạm giam Hoàng Mạnh Cường, Tổng Giám đốc Công ty Phát An Gia về hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Theo đó, Hoàng Mạnh Cường đã vẽ ra 5 dự án “ma” tại TP. Hồ Chí Minh với gần 200 nền đất để lừa đảo 80 khách hàng, thu về số tiền khoảng 100 tỷ đồng.
Theo hồ sơ, năm 2018 - 2019, Cường và Công ty Phát An Gia không nộp hồ sơ xin phép đầu tư xây dựng, cũng không được cơ quan chức năng nào phê duyệt chấp thuận chủ trương và cấp phép đầu tư xây dựng các dự án tại quận 9, TP. Hồ Chí Minh như: Khu dân cư Central House đường 4, Khu dân cư đường 8, Khu dân cư Trường Lưu, Khu dân cư Long Phước và Khu dân cư Võ Văn Hát.
Tuy nhiên, Cường đã tự đặt tên dự án, lập bảng quảng cáo, bản vẽ phân thành 193 nền đất để lừa bán và đã thu tiền của hàng chục khách hàng hơn 97 tỷ đồng. Sau khi đã ký hợp đồng và thu tiền của khách hàng, Cường ký hợp đồng chuyển nhượng toàn bộ các thửa đất tại các dự án này cho nhiều cá nhân khác.
Tại Bình Thuận, ngày 24/3/2020, cơ quan điều tra, Công an tỉnh Bình Thuận cũng đã khởi tố, bắt tạm giam Nguyễn Chí Thắng, Giám đốc Công ty Địa ốc Hưng Thịnh Phát chi nhánh Phan Thiết và Hồ Thị Kim Ngân (29 tuổi, ngụ tại Bình Định- được tại ngoại) về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Hai bị can được xác định là đồng phạm, giúp sức trong vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản do Nguyễn Hữu Kha, 31 tuổi, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển địa ốc Hưng Thịnh Phát cầm đầu.
Năm 2018, Kha mua đất nông nghiệp tại Phan Thiết và các huyện lân cận, tự vẽ ra 11 dự án khu dân cư, rồi cho nhân viên rao bán trên mạng theo kiểu như địa ốc Alibaba. Gần 200 người đã làm hợp đồng, nộp tiền cọc mua đất nền, nhưng không biết đó là dự án “ma”. Họ được Địa ốc Hưng Thịnh Phát hứa sẽ ra sổ đỏ chính chủ đúng hạn, nhưng chờ mãi không thấy.
Tháng 11/2019, hàng chục khách hàng biết mình mắc “bẫy” đã kéo đến Chi nhánh Hưng Thịnh Phát ở Phan Thiết đòi lại tiền. Một nhóm khác cũng đã tụ tập đậu xe, treo băng rôn trước trụ sở công ty ở quận 9. Kha bị bắt giam hồi tháng 12/2019.
Theo cơ quan điều tra, Thắng đã ký 103 hợp đồng và nhận cọc 48 tỷ đồng của khách; Ngân ký 54 hợp đồng, nhận tiền cọc gần 22 tỷ đồng. Toàn bộ tiền sau đó được chuyển cho Kha…
Chiêu bài nhu cầu đầu tư lớn, cơ hội sinh lợi cao
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh (HoREA), các dự án “ma” tập trung nhiều tại TP. Hồ Chí Minh và một số tỉnh Đông Nam bộ như: Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận, Đồng Nai, Bình Dương… Trước hết là do nhu cầu đất nền tại những địa bàn này rất lớn.
Thị trường có nhu cầu thì tất yếu dẫn đến nguồn cung. Tuy nhiên, theo ông Châu, nhu cầu mua để ở thực sự chỉ chiếm khoảng 10%, còn lại là mua để đầu tư, lướt sóng.
Yếu tố tác động thứ hai là quy hoạch hạ tầng kéo theo sự kì vọng dẫn đến các cơn sốt đất nền. Đơn cử như các dự án: Sân bay Long Thành, Cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu… nhà đầu tư kỳ vọng dẫn đến bao đợt sốt đất nền tại khu vực xung quanh.
Mặt khác theo ông Châu, những nghiên cứu từ nhiều quốc gia cho thấy, đất đai cách trung tâm thành phố lớn và kinh tế sôi động như TP. Hồ Chí Minh với các cự ly 15km - 20 - 30 - 50km… đều có những tiềm năng nhất định về đầu tư sinh lợi.
Ông Nguyễn Văn Hùng,Trưởng Văn phòng Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam khu vực miền Nam, cho biết, một chiêu thức quen thuộc của những doanh nghiệp kinh doanh dự án “ma” như: địa ốc Alibaba (TP. Hồ Chí Minh), địa ốc Bình Dương City Land (Bình Dương), Angel Lina (TP. Hồ Chí Minh) cho đến Hoàng Kim Land (TP. Hồ Chí Minh), Hưng Thịnh Phát (Bình Thuận), địa ốc Hưng Phú (Bà Rịa – Vũng Tàu)…. Họ thường tổ chức mạng lưới nhân viên sale, môi giới riêng; tuy nhiên cũng có huy động thêm những người thân quen, bạn bè... đến tham gia các sự kiện để tạo hiệu ứng đám đông nhằm gây tiếng vang.
Vì thế, nhiều người đã vì thiếu hiểu biết và cũng hám lợi đã mắc bẫy lao vào những dự án “ma”. Song, bên cạnh đó cũng phải thấy rằng, nhiều vụ việc kéo dài từ năm này sang năm khác, với phương thức kinh doanh bất động sản “ma” như kiểu đa cấp, và số nạn nhân lên đến hàng ngàn… còn có phần nguyên nhân do chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng can thiệp chưa kịp thời. Từ đó, các doanh nghiệp trên cứ làm tới và khách hàng lại càng lao vào “giao trứng cho ác”.
Theo thống kê chưa đầy đủ, cả nước hiện có khoảng 300.000 người hoạt động trong lĩnh vực môi giới bất động sản, trong đó, chỉ khoàng 35.000 người có chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản (27.000 người có chứng chỉ hành nghề theo luật cũ, 8.000 người đã có chứng chỉ hành nghề theo luật mới). Trong vòng 3 năm gần đây, mức độ tăng trưởng của nghề này trung bình khoảng 15%/năm.
Có quá nhiều môi giới chưa có chứng chỉ hành nghề, nhưng vội vã tham gia thị trường - đã tạo ra nhiều hệ lụy, do thiếu nghiêm túc trong việc hành nghề, chạy - ăn theo hoa hồng, phó mặc quyền lợi của khách hàng, thậm chí thổi giá, lừa đảo... chính là nguy cơ và mầm mống dẫn đến những biến động bất thường của thị trường bất động sản.